Kazakhstan sẽ trở thành cửa ngõ để Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Á

Thứ ba, 15/10/2024 18:30
(ĐCSVN) - Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh khẳng định: “Kazakhstan sẽ trở thành cửa ngõ để Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Á, CIS và châu Âu, góp phần tăng cường hợp tác xuất khẩu và phát triển kinh tế”.

Chiều 15/10, tại Hà Nội, Đại sứ quán Cộng hòa Kazakhstan tại Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo giới thiệu về thông điệp thường niên năm 2024 của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev và trao đổi về tình hình quan hệ hợp tác song phương giữa  Việt Nam và Kazakhstan.

Tại sự kiện, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh, đã nhấn mạnh tầm nhìn về một Kazakhstan "công bằng" và vai trò cầu nối quan trọng của quốc gia này đối với Việt Nam trong việc thâm nhập thị trường Trung Á.

Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: Minh Ngọc)  

Đại sứ Kanat Tumysh khẳng định, Kazakhstan hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), trong khi Việt Nam cũng là đối tác quan trọng thứ hai của Kazakhstan trong khối ASEAN. Đại sứ nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị, sự hợp tác kinh tế mạnh mẽ và tiềm năng phát triển vượt bậc giữa hai quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động.

Với mục tiêu đẩy mạnh giao thương, Đại sứ Kanat Tumysh đề xuất hai bên phát triển tuyến đường sắt liên thông Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh (Trung Quốc) - Almaty (Kazakhstan) - Baku (Azerbaijan) - Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) - châu Âu. Ngoài ra, ông cũng bày tỏ mong muốn nhanh chóng triển khai xây dựng tuyến vận tải Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh - Lào - Côn Minh (Trung Quốc) đến châu Âu, nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam và thúc đẩy quan hệ thương mại giữa các nước.

“Kazakhstan sẽ trở thành cửa ngõ để Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Á, CIS và châu Âu, góp phần tăng cường hợp tác xuất khẩu và phát triển kinh tế” - Đại sứ Tumysh nhấn mạnh.

Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Minh Ngọc)    

Cũng trong buổi họp báo, Đại sứ Kanat Tumysh cũng chia sẻ về thông điệp thường niên 2024 của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev. Thông điệp nhấn mạnh tầm nhìn phát triển kinh tế-xã hội bền vững của Kazakhstan, với mục tiêu nâng cao phúc lợi quốc gia và giải phóng tiềm năng của người dân thông qua các cải cách chính trị sâu rộng. Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đề cao việc xây dựng một Kazakhstan “công bằng”, trong đó chú trọng đến các quyền lợi của công dân, và chính sách đối ngoại hòa bình, đa phương.

Về mặt kinh tế, Kazakhstan sẽ tập trung khắc phục sự mất cân bằng giữa chính sách tiền tệ và tài khóa thông qua cải cách thuế. Đặc biệt, chính phủ Kazakhstan đặt mục tiêu tăng tỷ trọng doanh nghiệp vừa lên 15% vào năm 2029, đồng thời gỡ bỏ hơn 10.000 rào cản kinh doanh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Bên cạnh đó, việc phát triển ngành công nghiệp, nhất là hóa dầu, cùng với các dự án công nghệ tiên tiến cũng được đặt lên hàng đầu trong chương trình phát triển quốc gia. Đáng chú ý, chính sách "tín dụng hàng hóa" đang được xem xét để hỗ trợ người dân nông thôn phát triển sản xuất, qua đó cải thiện đời sống của các khu vực nông nghiệp.

Hạ tầng giao thông, năng lượng và dịch vụ công cũng là những lĩnh vực được Kazakhstan chú trọng. Kazakhstan đặt mục tiêu phát triển các trung tâm hàng không với khả năng vận chuyển 150.000 tấn hàng mỗi năm trong bốn năm tới. Đồng thời, dự kiến vào năm 2025, Kazakhstan sẽ khánh thành Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo Quốc gia tại thủ đô Astana, đánh dấu bước tiến trong việc phát triển hạ tầng số. Bên cạnh đó, tuyến cáp quang xuyên biển Caspi kết nối Kazakhstan và Azerbaijan cũng sẽ sớm được hoàn thành.

Trong tương lai, Kazakhstan tiếp tục triển khai các dự án lớn về công nghệ, nông nghiệp và cải thiện hạ tầng xã hội. Những mục tiêu này bao gồm quản lý tài nguyên nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Với những chiến lược đầy tham vọng này, Kazakhstan đang từng bước xây dựng vị thế vững chắc trong khu vực, mở ra cơ hội hợp tác to lớn cho các đối tác quốc tế, trong đó có Việt Nam./.

Minh Ngọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực