Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững

Thứ tư, 07/04/2021 01:57
(ĐCSVN) - Việc Việt Nam tham gia tích cực và có sáng kiến cụ thể trong vấn đề này sẽ thể hiện vai trò, đóng góp trên một lĩnh vực mà Việt Nam và nhiều nước quan tâm/có lợi ích, tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ Hội đồng Bảo an 2020-2021, thể hiện tính nhân văn và đề cao khía cạnh nhân đạo trong việc giải quyết hậu quả bom mìn, nâng cao nhận thức chung, thu hút nhiều hơn sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến công tác khắc phục hậu quả chiến tranh.

Trong cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tháng 4/2021, Việt Nam sẽ tổ chức một số các sự kiện điểm nhấn, trong đó có Phiên họp cấp Bộ trưởng trực tuyến vào ngày 8/4/2021, về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn” (Mine action and sustaining peace: Stronger partnerships for better delivery) gắn với Ngày Quốc tế Nhận thức Bom mìn và Hỗ trợ Hành động Bom mìn 4/4 được Liên hợp quốc tổ chức hàng năm.

Bom, mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh thu được tại Quảng Trị  (Ảnh: Bomicen)

Việc Việt Nam tham gia tích cực và có sáng kiến cụ thể trong vấn đề này sẽ thể hiện vai trò, đóng góp trên một lĩnh vực mà Việt Nam và nhiều nước quan tâm/có lợi ích, tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ HĐBA 2020-2021, thể hiện tính nhân văn và đề cao khía cạnh nhân đạo trong việc giải quyết hậu quả bom mìn, nâng cao nhận thức chung, thu hút nhiều hơn sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến công tác khắc phục hậu quả chiến tranh.

Bom mìn, bom đạn chùm đã được sử dụng với quy mô lớn trong hai cuộc Chiến tranh Thế giới và các cuộc chiến tranh, xung đột ở nhiều quốc gia, khu vực sau này và hiện vẫn tiếp tục được sử dụng dù với quy mô nhỏ, khối lượng ít hơn, song vẫn để lại nhiều hậu quả nặng nề, lâu dài về con người, an ninh, kinh tế và xã hội.

Thương vong do bom mìn trên thế giới còn rất cao, theo Ủy ban chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) đầu những năm 2000 ghi nhận 15.000 đến 20.000 trường hợp/năm. Sau đó số liệu thương vong được ghi nhận giảm dần nhưng bắt đầu tăng trở lại trong vài năm gần đây, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Theo Tổ chức NGO Landmine Monitor (có trụ sở tại Thụy Sỹ), số thương vong về bom mìn, vật nổ sau còn sót lại sau chiến tranh được ghi nhận trên thế giới trong các năm 2014, 2015 và 2016 lần lượt là 3.695, 6.461 và 8.605 trường hợp; trong năm 2019 thương vong xảy ra với người dân chiếm 80%, trong đó thương vong xảy ra với trẻ em chiếm 43% ; theo Giám đốc Cơ quan hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Liên hợp quốc (UNMAS), trong năm 2019, riêng ở Afghanistan có khoảng 170 trường hợp thương vong mỗi tháng, so với con số đã từng kỳ vọng là dưới 100 trường hợp mỗi năm.

Bên cạnh đó, bom mìn, vật nổ còn sót lại là nguồn vũ khí dễ bị các lực lượng vũ trang khai thác, gây mất ổn định, khiến xung đột có thể tái phát; cản trở các hoạt động cứu trợ nhân đạo, gìn giữ hòa bình, tái thiết hậu xung đột và phát triển kinh tế - xã hội lâu dài.

Việc cấm, hạn chế sử dụng bom mìn được điều chỉnh bởi luật nhân đạo quốc tế, bao gồm các Công ước Geneva năm 1949, và các điều ước quốc tế chính gồm có: Công ước cấm mìn sát thương (APMBC), Công ước cấm bom đạn chùm (CCM) và Công ước cấm hoặc hạn chế sử dụng một số loại vũ khí thông thường có thể gây sát thương quá mức hoặc có tác động không phân biệt (CCW). Từ năm 1993, phong trào vận động cấm mìn sát thương phát triển mạnh mẽ đi đầu là các NGOs, nổi bật là Chiến dịch quốc tế cấm mìn sát thương (ICBL, gồm 06 NGOs được thành lập năm 1992), Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), đồng thời thu hút sự quan tâm của Liên hợp quốc, các cơ quan chuyên môn liên quan và một số nước phương Tây như Mỹ, Pháp, Canada, Thụy Sỹ, Na Uy, Bỉ, Áo.

Công ước cấm mìn sát thương được ký tháng 12/1997 tại Ottawa (còn gọi là Công ước Ottawa) nhằm cấm sử dụng, tàng trữ, sản xuất và chuyển giao mìn sát thương gây thương vong về kinh tế - xã hội, con người trên toàn thế giới. Công ước có những điều khoản chặt chẽ về việc khai báo, thanh sát, cấm mìn sát thương. Đến nay (3/2021), đã có 164 nước đã tham gia Công ước; một số nước sở hữu số lượng mìn lớn nhất như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Pakistan, Nga và Mỹ chưa tham gia. Trong ASEAN, Việt Nam, Lào và Singapore chưa tham gia Công ước.

Công ước cấm bom đạn chùm được thông qua tháng 5/2008 và có hiệu lực từ ngày 01/08/2010. Công ước quy định việc xóa bỏ bom đạn chùm, hỗ trợ nạn nhân của bom đạn chùm. Đến nay, có 110 nước thành viên và 13 nước đã ký nhưng chưa phê chuẩn. Những nước sản xuất bom - đạn chùm chủ yếu như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Israel, Pakistan, Ấn Độ chưa tham gia Công ước. Trong ASEAN chỉ có Lào và Philippines đã tham gia, Indonesia đã ký nhưng chưa phê chuẩn Công ước.

Công ước cấm hoặc hạn chế sử dụng một số loại vũ khí thông thường có thể gây sát thương quá mức hoặc có tác động không phân biệt được mở ký tháng 4/1981 và có hiệu lực từ tháng 12/1983, có nội dung chính là cấm hoặc hạn chế sử dụng các loại vũ khí thông thường được cho là gây sát thương quá mức hoặc có tác động hàng loạt. Công ước có 03 Nghị định thư, trong đó Nghị định thư thứ hai quy định việc Cấm hoặc hạn chế sử dụng mìn, bẫy treo và các thiết bị tương tự. Đến nay (tháng 3/2021), Công ước có 125 quốc gia thành viên và 04 nước đã ký nhưng chưa phải là thành viên. Trong ASEAN, hiện mới có Lào, Campuchia và Philippines là thành viên của Công ước cấm hoặc hạn chế sử dụng một số loại vũ khí thông thường có thể gây sát thương quá mức hoặc có tác động không phân biệt, bao gồm cả 03 nước đối thoại.

Trong chương trình nghị sự Hội đồng Bảo an không có đề mục riêng về vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn. Các lần đề cập đến bom mìn, vật nổ sau chiến tranh (ERW) và các thiết bị nổ tự chế (IEDs) chủ yếu gắn với việc triển khai các phái bộ gìn giữ hòa bình (PKO) như tại Somalia, Mali, Lebanon, Iraq, CH Trung Phi và Nam Sudan hoặc đề mục chung duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Trong 20 năm qua, tại Hội đồng Bảo an chỉ có 01 thảo luận mở và 03 cuộc họp nghe báo cáo (briefing) về vấn đề này, gồm: Thảo luận mở tháng 8/1996 về “Rà phá mìn trong bối cảnh hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ”, với Tuyên bố Chủ tịch số 37 (1996); Briefing tháng 11/2003 về “Tầm quan trọng của khắc phục hậu quả bom mìn đối với các hoạt động gìn giữ hòa bình”, với Tuyên bố Chủ tịch số 22 (2003); Briefing 13/6/2017 (của Bolivia, khi làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an) về “Cách tiếp cận toàn diện về Khắc phục hậu quả bom  mìn và Giảm thiểu các nguy cơ từ vật nổ”; và Briefing ngày 29/6/2018 thảo luận báo cáo của Tổng thư ký LHQ về cách tiếp cận toàn diện đối với vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn theo NQ 2365.

Nghị quyết 2365 của Hội đồng Bảo an thông qua ngày 30/6/2017 là Nghị quyết duy nhất đề cập riêng đến khắc phục hậu quả bom mìn tính tới thời điểm hiện nay. Nghị quyết có các nội dung chính: bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với mối đe dọa từ bom mìn, các vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh và các thiết bị nổ tự chế đối với thường dân, người tỵ nạn trở về nơi cư trú, các nhân viên cứu trợ nhân đạo, dân sự và thực thi pháp luật; nhấn mạnh cần có các biện pháp giảm thiểu các mối đe dọa này và cần có sự hợp tác của nhiều bên, bao gồm các tổ chức khu vực và tiểu khu vực; kêu gọi các nước thành viên tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của mình liên quan đến khắc phục hậu quả bom mìn; yêu cầu Tổng thư ký LHQ cung cấp cho HĐBA thông tin về những mối đe dọa từ bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại và các biện pháp khắc phục khi báo cáo về các phái bộ gìn giữ hòa bình, phái bộ chính trị đặc biệt và các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại các khu vực liên quan.

Nhìn chung các nước đều ủng hộ mục đích nhân đạo của việc hạn chế sử dụng bom mìn, bom đạn chùm, thừa nhận hậu quả của bom mìn tại các khu vực xung đột; ủng hộ các nỗ lực quốc gia và quốc tế nhằm khắc phục hậu quả bom mìn, hỗ trợ nạn nhân, phục vụ tái thiết, phát triển kinh tế - xã hội; đề cao hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả bom mìn. Tuy nhiên, nhiều nước cũng khẳng định quyền sử dụng bom mìn vì mục đích tự vệ, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; cũng như chưa thể tham gia các công ước liên quan do nghĩa vụ nặng nề của các quốc gia bị ảnh hưởng liên quan đến các hoạt động rà phá, phá hủy kho bom mìn, bom đạn chùm, hỗ trợ nạn nhân…

Bộ đội Công Binh trục vớt bom dưới chân cầu Long Biên, Hà Nội  (Ảnh: VNMAC)

Việt Nam cũng là nạn nhân trực tiếp của một số lượng lớn bom, vật nổ còn sót sau chiến tranh và đang chịu nhiều hậu quả liên quan về người và vật chất, cản trở phát triển kinh tế - xã hội và có nhu cầu tuyên truyền, thúc đẩy hợp tác, vận động quốc tế hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bom mìn. Ước tính từ năm 1964 đến 1975, Việt Nam đã hứng chịu hơn 16 triệu tấn bom đạn các loại, gấp 4 lần số lượng bom đạn đã được sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Theo kết quả điều tra của Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) công bố ngày 03/4/2018, số lượng bom đạn đã sử dụng còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam lên tới hàng trăm ngàn tấn, gồm các loại bom, mìn, vật nổ rải rác tại toàn bộ 63/63 tỉnh, thành trên toàn quốc, bao gồm 9.116 xã còn bị ô nhiễm bom, mìn ở các mức độ khác nhau, chiếm 81,87% tổng số xã trên toàn quốc. Tổng diện tích đất hiện còn bị ô nhiễm bom mìn tính đến tháng 12/2017 là trên 6,1 triệu héc-ta, chiếm 18,71% diện tích đất cả nước.

Việt Nam đã ký Công ước cấm hoặc hạn chế sử dụng một số loại vũ khí thông thường có thể gây sát thương quá mức hoặc có tác động không phân biệt (CCW) nhưng chưa là thành viên (do Việt Nam chưa tham gia các Công ước liên quan về bom mình) vì nhu cầu phòng thủ chính đáng và còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ hoàn tất rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại. Quan điểm chung của Việt Nam là ủng hộ mục tiêu nhân đạo của việc chống sử dụng bom mìn bừa bãi, sát hại thường dân vô tội; đề cao các nỗ lực quốc tế nhằm giúp đỡ các nạn nhân và các quốc gia khắc phục hậu quả của bom mìn để phát triển kinh tế, xã hội.

Việt Nam đã tích cực tham dự các hội nghị, hội thảo liên quan đến mìn sát thương, bom đạn chùm, bao gồm một số Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước cấm mìn sát thương, Công ước cấm bom đạn chùm và Công ước cấm hoặc hạn chế sử dụng một số loại vũ khí thông thường có thể gây sát thương quá mức hoặc có tác động không phân biệt, với tư cách quan sát viên, để thể hiện vai trò thành viên có trách nhiệm, kết hợp nắm tình hình, tuyên truyền về thực trạng ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam và các nỗ lực, kết quả đã đạt được, vận động tài trợ các nước, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ phục vụ công tác khắc phục hậu quả bom mìn.

Trong nước, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn đến năm 2025 (4/2010); Nghị định số 18/2019/NĐ-CP về Quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn (02/2019); Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam đã công bố “Báo cáo hiện trạng tồn lưu bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam – Giai đoạn 1”, Bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên đất liền theo các kết quả điều tra của các tỉnh từ 2020-2013 (4/2018). Việt Nam cũng tăng cường các hoạt động quảng bá, tuyên truyền cho các nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn của Việt Nam, như việc Ban Chỉ đạo 701 đã chủ trì tổ chức 02 Hội thảo quốc tế về chủ đề Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam tại Trụ sở LHQ (New York) và Washington DC (tháng 3/2019), Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức Triển lãm “Phụ nữ Việt Nam chung tay vì sự an toàn trên những miền đất Việt” bên lề Hội nghị quốc tế về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (Hà Nội, 7-9/12/2020).

Trên cương vị Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ thời gian qua, Việt Nam đã đề cao vai trò của khắc phục hậu quả bom mìn trong tái thiết hậu xung đột trong các phát biểu, đề xuất đưa một số nội dung phù hợp về khắc phục hậu quả bom mìn trên cơ sở NQ 2365 vào một số văn kiện mới liên quan của Hội đồng Bảo an (như NQ 2540 (2020) về gia hạn phái bộ LHQ tại Somalia).

 
Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực