Mong muốn cụ thể hoá các ưu tiên của Năm APEC Việt Nam 2017

Thứ hai, 20/02/2017 22:30
(ĐCSVN) - Ngày 20/2, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cấp cao APEC (SOM 1) bước vào ngày làm việc thứ ba với chương trình nghị sự dày đặc ở các nhóm công tác và ủy ban.

Hội thảo “” Vận dụng các đánh giá cạnh tranh nhằm loại bỏ các hàng rào thương mại cho hàng hóa và dịch vụ” (Ảnh: Tấn Vũ)

Hơn 580 đại biểu APEC đã tham dự các hoạt động của 8 nhóm công tác, tiểu ban và hội thảo của APEC về Phát triển nguồn nhân lực (HRDWG), Chống tham nhũng và minh bạch hóa (ACTWG), Di chuyển doanh nhân (BMG), Khoa học đời sống và đổi mới (LSIF), Chuyên gia về chống khai thác gỗ trái phép và thương mại liên quan (EGILAT), Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn (SCSC), Luật và chính sách cạnh tranh (CPLG) và các Thủ tục hải quan (SCCP).Các nhóm Chống tham nhũng và minh bạch hóa (ACTWG), Di chuyển doanh nhân (BMG) đã kết thúc cuộc họp đầu tiên của năm 2017 với việc thông qua chương trình hoạt động và các ưu tiên công tác trong năm 2017.

Các đại biểu đều bày tỏ mong muốn hợp tác cụ thể hoá các ưu tiên của Năm APEC Việt Nam 2017, góp phần triển khai mục tiêu chung của Diễn đàn về tự do hóa thương mại và đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng ở khu vực. Các cuộc họp cũng rà soát việc triển khai các chương trình hợp tác dài hạn của APEC trong các lĩnh vực liên quan, nổi bật là Tuyên bố Bắc Kinh về phòng chống tham nhũng, Chương trình Thẻ đi lại cho doanh nhân (ABTC)….

Phát biểu tại cuộc họp lần thứ 24 của Nhóm công tác về Chống tham nhũng và Minh bạch của APEC, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam, Chủ tịch Nhóm ACTWG 2017, bày tỏ hy vọng vào sự tham gia tích cực, chủ động của các đại biểu  để đi đến thống nhất về tất cả các nội dung đã đề ra trong chương trình nghị sự, “”đặc biệt là có thể thông qua Kế hoạch công tác năm 2017 và Kế hoạch hoạt động chiến lược nhiều năm giai đoạn 2013-2020 của Nhóm ACTWG, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động trong thời gian tới””.

Ông Nguyễn Văn Thanh hy vọng , với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” của APEC Việt Nam 2017, các đại biểu tham gia cuộc họp lần thứ 24 của ACTWG  sẽ cùng nhau trao đổi, chia sẻ về những nỗ lực đang được tiến hành nhằm thực hiện cam kết về phòng chống tham nhũng mà các nhà lãnh đạo đã đưa ra, bao gồm các hoạt động liên quan đến rửa tiền, thương mại bất hợp pháp; thúc đẩy tăng trưởng bền vững và nâng cao an ninh con người; phát huy vai trò của mạng lưới các cơ quan thực thi pháp luật; tăng cường hợp tác công - tư và khuyến khích sự tham gia của xã hội; nâng cao nhận thức và hỗ trợ những nỗ lực phòng, chống tham nhũng và đảm bảo minh bạch trên toàn khu vực APEC;… “Từ đó tìm ra những nguồn động lực mới nhằm thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn giữa các thành viên, góp phần xây dựng một cộng đồng các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng”” _ông Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh.

Nhóm công tác về di chuyển doanh nhân đã họp phiên toàn thể để nghe và thảo luận Báo cáo của  Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC; xem xét các tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng pháp lý do Nhóm công tác về di chuyển doanh nhân đệ trình; thảo luận báo cáo “Tăng cường Nhóm thẻ đi lại của doanh nhân (ABTC)” do đại diện  Australia trình bày…Cuộc họp cũng đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến việc tạo điều kiện, đơn giản hóa việc đi lại của doanh nhân trong APEC.

Tiếp theo các cuộc họp trù bị của hai ngày trước, hôm nay Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC) và nhóm Phát triển nguồn nhân lực HRDWG bước vào cuộc họp chính thức đầu tiên.

Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC) đã tập trung nghe báo cáo tiến độ triển khai Chương trình hành động tập thể về tạo thuận lợi thương mại, cũng như trao đổi về các sáng kiến và dự án về hài hòa chính sách theo các tiêu chuẩn quốc tế, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn và hợp chuẩn trong lĩnh vực giáo dục… Trong lời phát biểu khai mạc, đại diện Việt Nam đã đề nghị, các đại biểu tham gia  cuộc họp lần thứ nhất của Tiểu ban thảo luận, làm rõ các  nội dung hướng tới các mục tiêu:

Một là, đẩy nhanh việc hoàn thành các mục tiêu Bogor về thương mại và tự do hóa đầu tư vào năm 2020 theo đúng lộ trình;

Hai là, làm sâu sắc thêm hội nhập khu vực thông qua các nỗ lực để khôi phục kinh tế, thương mại và đầu tư; thúc đẩy kết nối ở cả ba lĩnh vực - cơ sở hạ tầng, tổ chức và con người; thúc đẩy kết nối chuỗi giá trị toàn cầu; tăng cường kết nối khu vực tiểu vùng sâu, vùng xa; quảng bá du lịch bền vững và mở rộng văn hóa, thanh niên và trao đổi sinh viên;

Ba là, tăng trưởng bền vững, toàn diện và công bằng hơn nữa; đẩy mạnh cải cách cơ cấu; nâng cao năng suất và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là điều cần thiết để tận dụng các cơ hội do cuộc cách mạng kỹ thuật số đem lại..

Bốn là, nâng cao khả năng cạnh tranh và đổi mới của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSMEs) trong nền kinh tế kỹ thuật số và internet; mở ra tiềm năng to lớn của quan hệ đối tác công-tư và các doanh nghiệp, đặc biệt là phụ nữ lãnh đạo doanh nghiệp và doanh nhân trẻ.

Năm là, tăng khả năng phục hồi và tính toàn diện của các nền kinh tế APEC, đặc biệt trong giáo dục thúc đẩy, việc làm, y tế, bình đẳng giới, phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn,  thích ứng với biến đổi khí hậu, an toàn thực phẩm, năng lượng và an ninh lương thực, đặc biệt là an ninh nguồn nước.

Các đại biểu tham dự cuộc họp HRDWG đã dành nhiều thời gian thảo luận về kế hoạch hoạt động năm 2017, Kế hoạch chiến lược của nhóm trong thời gian tới cũng như đánh giá lại hiệu quả hoạt động của nhóm trong năm qua. Các đại biểu đều nhấn mạnh hợp tác về phát triển nguồn nhân lực APEC trong năm 2017 cần góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư, hướng tới tăng trưởng kinh tế, gắn kết xã hội và thịnh vượng của các nền kinh tế thành viên. Với mục tiêu này, nhóm thống nhất sẽ thúc đẩy công tác chuẩn bị để tổ chức thành công “Đối thoại chính sách cao cấp về đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số” tại thành phố Hà Nội vào tháng 5 tới.  Các đại biểu đã tích cực thảo luận  Chương trình nghị sự và dự thảo những nội dung được thảo luận tại phiên họp thứ 41 của Nhóm công tác; Kế hoạch công tác năm 2017 và những hướng dẫn cụ thế; Chiến lược phát triển nguồn nhân lực và các Điều khoản tham chiếu; Đánh giá độc lập của Nhóm về Phát triển nguồn nhân lực trong APEC…

Buổi chiều , các đại biểu nhóm họp xoay quanh các chủ đề như :Vai trò và vị trí của phát triển nguồn nhân lực APEC và định hướng phát triển nguồn nhân lực; …

Hôm nay cũng là ngày làm việc đầu tiên của Tiểu ban SCCP, với cuộc họp Nhóm bạn của Chủ tịch SCCP, và Hội thảo Vận dụng rà soát trong lĩnh vực cạnh tranh nhằm loại bỏ rào cản thương mại hàng hoá và dịch vụ của Nhóm CPLG. 

Các cuộc họp đều tập trung đề xuất và thảo luận các biện pháp cụ thể tăng cường hợp tác chuyên ngành nhằm mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương trên các lĩnh vực  về thu hồi tài sản tham nhũng, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới và sáng tạo, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đi lại giữa các nền kinh tế thành viên… Nhiều điển hình tốt cũng đã được các đại biểu chia sẻ, làm cơ sở để đề xuất các khuyến nghị cho các thành viên khác cùng triển khai trên cơ sở tự nguyện, bao gồm kinh nghiệm triển khai thực hiện Công ước Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng (UNCAC), hay khuyến khích các doanh nghiệp đấu tranh với tham nhũng và tạo môi trường kinh doanh trong sạch.

Tại cuộc hợp lần thứ 11 của Nhóm công tác về chống buôn bán và chặt phá rừng bất hợp pháp (EGILAT), sau lời phát biểu chào mừng của Ngài Chủ tịch Nhóm Ruth Tuna, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát riển Nông thôn Việt Nam đọc lời đề dẫn. Sau khi nêu bật tầm quan trọng của rừng đối với từng nền kinh tế thành viên; nỗ lực của Việt Nam trong quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn nạn chặt phá rừng bất hợp pháp, ông Nguyễn Văn Hà bày tỏ: “Với chủ đề APEC 2017 là ‘Động lực cho tăng trưởng và liên kết khu vực”, tôi hy vọng rằng Nhóm EGILAT sẽ có cơ hội tập trung thảo luận nhằm tăng cường mối liên kết trong khu vực, tăng cường liên kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng, giữa những hộ nông dân trồng rừng nhỏ bé với những công ty chế biến gỗ xuất khẩu đa quốc gia để vừa nâng cao giá trị trong chuỗi cung cho người trồng rừng, cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và đồng thời đảm bảo chỉ có gỗ khai thác hợp pháp được đưa vào chuỗi cung để chế biến xuất khẩu. “”

Với tư cách đại diện nước chủ nhà, ông Nguyễn Văn Hà cam kết: “Việt Nam sẽ nỗ lực tổ chức thành công các cuộc họp của Nhóm EGILAT nhằm đạt được những mục tiêu đề ra đồng thời tích cực thảo luận và đưa ra các sáng kiến, dấu ấn của Việt Nam vào chương trình hành động cũng như các dự án của APEC.”

Cũng trong ngày hôm nay đã diễn ra Hội thảo của nhóm công tác về luật và chính sách cạnh tranh (CPLG), dưới tiêu đề: “Vận dụng các đánh giá cạnh tranh nhằm loại bỏ các hàng rào thương mại cho hàng hóa và dịch vụ” do Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) tổ chức.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, Đoàn Việt Nam tiếp tục thể hiện tốt vai trò chủ nhà. Lãnh đạo của Thanh tra Chính phủ, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng đã tham dự và phát biểu khai mạc các cuộc họp liên quan. Các Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Lâm nghiệp),Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng) và Thanh tra Chính phủ đã đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch của các cuộc họp liên quan.

Các bộ, cơ quan của Việt Nam cũng đã chia sẻ kết quả triển khai nhiều sáng kiến, trong đó có dự án: “Thúc đẩy thương mại hóa và đầu tư đối với sản phẩm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tiềm năng”, Hội thảo “Thu hút sự tham gia của xã hội vào công tác phòng chống tham nhũng”..., được các thành viên đánh giá cao trong bối cảnh đây là những vấn đề đang thu hút sự quan tâm của quốc tế và các nước trong khu vực./.

Tấn Vũ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực