Nâng cao vị thế của Việt Nam trong quan hệ với EU và các đối tác

Thứ năm, 11/06/2020 18:54
(ĐCSVN) - Ngày 8/6, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).
Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn 

Đây là bước triển khai quan trọng chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam, nhân dịp này, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Ngày 08/6 vừa qua, Quốc hội nước ta đã phê chuẩn EVFTA và EVIPA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Xin Thứ trưởng Thường trực cho biết ý nghĩa của quyết định này đối với quan hệ Việt Nam -EU trong bối cảnh hai bên kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Quyết định phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA của Quốc hội nước ta có ý nghĩa hết sức quan trọng, chính thức đưa Hiệp định EVFTA có hiệu lực sau khi ta và EU tiến hành các thủ tục trao đổi cần thiết theo quy định. Hiệp định EVIPA cần được Quốc hội tất cả các quốc gia thành viên EU phê chuẩn trước khi có hiệu lực.

Việc Quốc hội nước ta phê chuẩn EVFTA và EVIPA, cùng với quyết định của Nghị viện châu Âu thông qua hai Hiệp định ngay từ tháng 2/2020, đã khẳng định mạnh mẽ mong muốn, lợi ích và quyết tâm của hai bên tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa và tạo những đột phá mới nâng tầm quan hệ Việt Nam - EU sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. 

Trải qua ba thập kỷ với nhiều thay đổi trong tình hình thế giới và tại hai châu lục Á - Âu, quan hệ Việt Nam - EU đã không ngừng phát triển, ngày càng sâu sắc và thực chất hơn, với dấu mốc lịch sử là việc hai bên thiết lập quan hệ Đối tác và hợp tác toàn diện vào năm 2012 và phê chuẩn Hiệp định khung về Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (Hiệp định PCA) vào năm 2016.

Hợp tác chính trị giữa Việt Nam và EU ngày càng được thắt chặt với những chuyến thăm Cấp cao, trao đổi đoàn các cấp và các cơ chế hợp tác song phương thường xuyên và hiệu quả. Hai bên thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, đặc biệt là ký Hiệp định khung về việc Việt Nam tham gia các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU vào cuối năm 2019, góp phần tăng cường sự tin cậy lẫn nhau trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực liên tục biến động khó lường.

Hợp tác kinh tế là điểm sáng với việc EU trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba, nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất và một trong những nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt mức 56,45 tỷ USD trong năm 2019, trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng trưởng với tốc độ trung bình 16% trong hai thập kỷ qua. Hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục, pháp luật và tư pháp, năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ nguồn nước, … cũng không ngừng được thúc đẩy, đạt nhiều kết quả, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Bên cạnh đó, Việt Nam và EU cũng chia sẻ nhiều lợi ích song trùng, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn, cơ chế đa phương, cùng đóng góp tích cực thúc đẩy hợp tác đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ vì hòa bình, ổn định và phát triển, đẩy mạnh tự do hóa thương mại và đầu tư, ứng phó với các thách thức toàn cầu...

Có thể khẳng định, với những nền tảng vững chắc sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, việc sớm triển khai EVFTA và tới đây là EVIPA sẽ tạo dựng những khuôn khổ ổn định, lâu dài nhằm tối đa hóa tiềm năng hợp tác, đưa quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư tương xứng với tầm vóc của  quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - EU. Việc triển khai Hiệp định EVFTA cũng khẳng định sự phát triển mang tính chiến lược của quan hệ song phương, thể hiện sự coi trọng vị trí của nhau trong chiến lược đối ngoại, phát triển và hội nhập của mỗi bên, góp phần làm sâu sắc và tạo đan xen lợi ích lâu dài, đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển của hai bên cũng như của hai khu vực Á – Âu và trên thế giới.

PV: Xin Thứ trưởng Thường trực cho biết những kỳ vọng và thách thức đối với Việt Nam khi triển khai Hiệp định này?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Là Hiệp định toàn diện, có mức độ và phạm vi cam kết theo tiêu chuẩn cao, đồng thời do thị trường Việt Nam và EU có tính bổ sung cao, EVFTA được kỳ vọng đem lại lợi ích to lớn và cân bằng cho cả Việt Nam và EU.

Trước hết, Hiệp định EVFTA sẽ góp phần giúp Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, đa dạng hóa thị trường. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chịu tác động sâu sắc từ đại dịch Covid-19, đẩy nhanh những xu thế mới trong quan hệ kinh tế, thương mại quốc tế, điều chỉnh chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ hai, là Hiệp định có mức cam kết cao nhất một đối tác lớn dành cho Việt Nam, EVFTA sẽ đem lại nhiều lợi ích, nhất là thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU, thu hút đầu tư, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm... Những cam kết mở cửa thị trường sâu rộng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt trong những lĩnh vực tiềm năng như dệt may, da giày, nông thủy sản... Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU ước tính tăng khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Thứ ba, việc thực thi EVFTA với các tiêu chuẩn cao là động lực tiếp tục thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thay đổi cơ cấu xuất khẩu, nhất là gia tăng hàm lượng công nghệ cho hàng hóa xuất khẩu, về lâu dài hướng tới một nền kinh tế cạnh tranh, đổi mới và sáng tạo hơn.

Thứ tư, triển khai EVFTA cũng tạo những lợi thế cạnh tranh cao hơn cho Việt Nam trong tận dụng các cơ hội từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất trong giai đoạn hiện nay, thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, gắn với chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số đang diễn ra hết sức nhanh chóng.

Thứ năm, EVFTA với những cam kết về lao động và phát triển bền vững sẽ góp phần giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh và sạch, ngăn ngừa khai thác thủy sản bất hợp pháp, bảo vệ lợi ích chính đáng và chăm lo phúc lợi của người lao động...

Bên cạnh nhiều thuận lợi, EVFTA cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Việt Nam. Đó là việc thực thi các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ cho EU sẽ làm gia tăng sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Đó là thách thức về năng lực thực thi cam kết của các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp do lộ trình thực thi các cam kết mở cửa thị trường ngắn hơn so với các FTA chúng ta đã triển khai trước đây, cùng với những quy tắc, thủ tục chặt chẽ liên quan đến các lĩnh vực “thế hệ mới” như sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, phát triển bền vững, lao động… Đó là việc thực thi EVFTA đòi hỏi chúng ta phải tuân thủ “luật chơi” theo tiêu chuẩn cao thì mới có thể tận dụng được những cơ hội và hạn chế được các tranh chấp kinh tế - thương mại với các đối tác.

Tuy vậy, nhìn tổng thể, việc phê chuẩn và thực thi EVFTA là bước đi quan trọng và đúng thời điểm của chúng ta trong triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Việc chúng ta triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm tận dụng các cơ hội đồng thời xử lý tốt những thách thức sẽ đem lại nhiều lợi ích, gia tăng nội lực và tính tự chủ của nền kinh tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong quan hệ với EU và các đối tác.

PV: Việc ký kết và phê chuẩn EVFTA và EVIPA là bước đi quan trọng nhằm triển khai “Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Xin Thứ trưởng Thường trực cho biết trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường, chúng ta cần làm gì để tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến lược này, nhất là về hội nhập kinh tế quốc tế?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Năm 2020 là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu 5 năm triển khai “Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016. Nhìn lại 5 năm qua, về hội nhập kinh tế quốc tế, với việc phê chuẩn và trở thành một trong những nước đầu tiên triển khai Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ký kết và phê chuẩn EVFTA và EVIPA, thực thi đầy đủ các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nhiều cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới các liên kết kinh tế quốc tế, đi đầu trong ASEAN về độ mở và mức độ gắn kết về kinh tế với thế giới và khu vực. Cũng trong 5 năm qua, Việt Nam đã tích cực phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương toàn cầu, liên khu vực và khu vực, tích cực tham gia quá trình định hình cấu trúc mới. Nổi bật là đóng góp thúc đẩy hình thành CPTPP tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà năm APEC 2017, Hội nghị WEF ASEAN năm 2018, đóng góp xây dựng tầm nhìn hợp tác APEC sau năm 2020 với vai trò Phó Chủ tịch Nhóm Tầm nhìn APEC, đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch AIPA 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2020 - 2021...

Trong bối cảnh tình hình quốc tế đang chứng kiến những biến động lớn do tác động của COVID-19, cục diện kinh tế - thương mại khu vực và toàn cầu chuyển dịch nhanh, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, cạnh tranh nước lớn gay gắt, việc triển khai hiệu quả công tác hội nhập, liên kết kinh tế tiếp tục đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực đồng bộ của các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó lưu ý một số vấn đề sau:  

Thứ nhất, xây dựng lộ trình để chủ động triển khai và khai thác hiệu quả, tận dụng các lợi ích và cơ hội các thỏa thuận FTA, nhất là các FTA “thế hệ mới” như CPTPP, EVFTA, sắp tới là Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP), các FTA của ASEAN và ASEAN với các đối tác... Cần nghiên cứu sâu và vận dụng các luật lệ, chuẩn mực chung và các chế tài để bảo vệ lợi ích đất nước trong bối cảnh tranh chấp kinh tế - thương mại, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Trong tình hình hiện nay, việc triển khai hiệu quả các FTA cần đi đôi với tăng cường nội lực, xây dựng nền kinh tế tự chủ, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ hai, nắm bắt kịp thời xu thế mới và đang được đẩy rất nhanh của chuyển đổi số và kinh tế số để tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Cần chủ động nghiên cứu để từng bước tham gia các khuôn khổ hợp tác và liên kết quốc tế về kinh tế số, tham gia các đàm phán về những vấn đề mới liên quan đến số trong quản trị kinh tế quốc tế trong các khuôn khổ WTO, các hiệp định nhiều bên, các đàm phán về nâng cấp các FTA…để kịp thời tận dụng cơ hội và hạn chế thách thức từ quá trình chuyển đổi số, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với công nghệ số.

Thứ ba, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp cần nhạy bén tranh thủ xu thế chuyển dịch dòng vốn, chuyển dịch chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, làn sóng thương mại - đầu tư toàn cầu để thu hút đầu tư chất lượng cao. Cần sớm trao đổi với các thành viên EU để hoàn tất quá trình phê chuẩn và sớm đưa EVIPA vào thực hiện, tạo động lực thu hút đầu tư chất lượng cao từ các nước EU vào những ngành đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế xanh và bền vững, cải thiện môi trường đầu tư, hướng tới các chuẩn mực quốc tế về bảo hộ đầu tư nước ngoài.

Thứ tư, trong bối cảnh quá trình xây dựng cấu trúc mới ở khu vực và trên thế giới đang được đẩy nhanh hơn dự báo, chủ nghĩa đa phương đứng trước nhiều thách thức, chúng ta cần tăng cường tham gia và đóng góp vào việc củng cố và phát triển hợp tác đa phương, hệ thống thương mại đa phương, xây dựng và thực thi luật pháp quốc tế và chuẩn mực chung, chủ động đóng góp thực chất vào định hình các cấu trúc mới ở châu Á - Thái Bình Dương. Việc trực tiếp tham gia, đóng góp vào hợp tác chung là cách hữu hiệu để bảo vệ lợi ích và nâng cao vị thế của đất nước.

Để thực hiện các công việc trọng tâm như trên đòi hỏi chúng ta phải tạo chuyển biến thực chất trong năng lực triển khai hội nhập quốc tế. Trong đó, cần chú trọng hoàn thiện chính sách, khung khổ pháp lý đồng bộ và toàn diện, hài hòa hóa tiêu chí, quy chuẩn kỹ thuật, chuẩn mực của ta với khu vực và quốc tế. Cần nâng cao năng lực hội nhập và liên kết kinh tế, đặc biệt các địa phương, doanh nghiệp cần quyết liệt vào cuộc, chủ động nắm bắt thông tin về các cam kết của Việt Nam. Cần đẩy mạnh phổ biến thông tin về nội dung các cam kết đến các địa phương và doanh nghiệp, tăng cường đào tạo, nâng cao kỹ năng của đội ngũ cán bộ về hội nhập quốc tế trong thời đại số.

Với quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, chúng ta tin tưởng tiến trình hội nhập, liên kết kinh tế sẽ tiếp tục được triển khai chủ động, đổi mới, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ đề ra.

PV:  Xin cảm ơn Thứ trưởng Thường trực./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực