Phóng viên: Đại sứ đánh giá thế nào về mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Iran và Việt Nam trong năm 2016 vừa qua?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhân chuyến thăm Việt Nam vào tháng 10/2016
(Ảnh: TTXVN)
Đại sứ Saleh Adibi: Trong một năm qua, quan hệ giữa hai nước Iran và Việt Nam đã có bước nhảy vọt đáng ghi nhận ở cấp cao nhất. Ít khi diễn ra việc chỉ trong vòng 7 tháng hai vị nguyên thủ quốc gia là Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang thăm chính thức Iran vào tháng 3/2016 và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Iran Hassan Rouhani vào tháng 10/2016. Những chuyến thăm cấp cao này đem đến một tín hiệu đáng mừng về sự thay đổi quan trọng trong quan hệ song phương trong tương lai.
Cơ sở cho sự phát triển kinh tế và thúc đẩy thương mại trước tiên phải kể đến mối quan hệ chính trị giữa các lãnh đạo cấp cao. Các chuyến thăm quan trọng của hai nguyên thủ quốc gia và các đoàn cấp cao mang một thông điệp rõ ràng mà các lãnh đạo hai bên đã thể hiện đó là sự quyết tâm thúc đẩy quan hệ song phương. Những bài phát biểu của Lãnh tụ tối cao cách mạng Hồi giáo Ayatollah Khamenei về những phẩm chất đáng kính và cao thượng của nhân dân Việt Nam là minh chứng rõ nhất.
Tôi hoàn toàn lạc quan tin tưởng vào việc thúc đẩy nhiều hơn nữa các mối quan hệ song phương. Về cơ bản tôi không thấy bất cứ một rào cản nào trong việc phát triển hợp tác hai bên.
Phóng viên: Năm 2016 là năm diễn ra nhiều hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao giữa hai nước mà điển hình là chuyến thăm chính thức Iran của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 3/2016) và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Iran Hassan Rouhani (tháng 10/2016). Các chuyến thăm này có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy quan hệ song phương Iran – Việt Nam, thưa Đại sứ?
Đại sứ Saleh Adibi: Các cuộc tiếp xúc giữa các lãnh đạo cấp cao hai quốc gia có nhiều tầm quan trọng:
Thứ nhất là các cuộc tiếp xúc qua lại và trao đổi đoàn cấp cao sẽ giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các cấp lãnh đạo đồng thời giúp cho việc thúc đẩy hợp tác và khai thác tiềm năng sẵn có của hai bên. Những cuộc tiếp xúc như vậy bên cạnh việc tăng cường tình hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc và hai chính phủ, đồng thời sẽ giúp đưa ra cách nhìn toàn diện và chính xác hơn về tình hình hiện nay và các lĩnh vực hợp tác của hai bên.
Thứ hai là việc hoạch định chiến lược và những giải pháp hợp tác chính trị và kinh tế trong thời gian tới cần đến những quyết sách của các cấp lãnh đạo. Việc thực hiện các chuyến thăm cấp cao sẽ thúc đẩy hiện thực hóa các lĩnh vực hợp tác mới giữa hai bên.
Phóng viên: Iran và Việt Nam tuy cách xa nhau về địa lý song có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi các lệnh trừng phạt đối với Iran đã được dỡ bỏ. Vậy theo Đại sứ, chúng ta phải làm gì để khai thác được các tiềm năng, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa hai nước?
Đại sứ Saleh Adibi: Iran nằm trong khu vực Tây Nam Á và Việt Nam ở Đông Nam Á, nhưng vì một số nhân tố có thể nói khoảng cách địa lý không cản trở sự phát triển mối quan hệ song phương. Nhân tố đầu tiên và chính yếu theo tôi là sự mong muốn của hai bên và mối quan tâm của hai dân tộc đến lịch sử và văn hoá của nhau. Nhân dân Việt Nam đã biết đến lịch sử Iran và mong muốn tìm hiểu nhiều hơn nữa về lịch sử và văn minh Iran. Điều này có thể thấy ở việc hiện nay rất nhiều người mong muốn du lịch đến Iran. Người dân Iran cũng khâm phục và ngưỡng mộ lịch sử và dân tộc kiên cường Việt Nam đồng thời cũng mong muốn hiểu chính xác hơn về Việt Nam. Tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Iran được tổ chức vào tháng 12/2016 tại Iran đã nhận được nhiều ủng hộ của nhân dân Iran và điều này cho thấy sự quan tâm đến việc hiểu biết lẫn nhau của hai dân tộc.
Trong lĩnh vực kinh tế hai bên cũng có nhiều tiềm năng hợp tác lớn. Hơn 80 triệu dân số trẻ, năng động và có trình độ của Iran và Việt Nam là 90 triệu người chính là những cỗ máy vận hành nền kinh tế của hai nước. Iran có tiềm năng kỹ thuật và cơ khí, có nguồn trữ lượng dầu và khí dồi dào. Việt Nam cũng có những ưu thế trong lĩnh vực sản xuất, các thiết bị điện tử, may mặc và nông nghiệp. Chính vì vậy hai nước có những tiềm năng kinh tế có thể bổ sung cho nhau và có những điều kiện cần thiết để thúc đẩy hợp tác song phương.
Hai bên ủng hộ lẫn nhau trên trường quốc tế và tại các diễn đàn đa phương của Liên hợp quốc. Việt Nam đã ủng hộ Iran tham gia vào Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á và Iran cũng coi Việt Nam là cửa ngõ kết nối quan hệ với các thành viên ASEAN. Hơn nữa Iran cũng ủng hộ việc thúc đẩy sự hiện diện kinh tế của Việt Nam ở khu vực Tây Nam Á và hợp tác với Tổ chức hợp tác kinh tế ECO.
Phóng viên: Kinh tế - thương mại – đầu tư là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong quan hệ Iran – Việt Nam. Hai nước phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 2 tỷ USD trong 5 năm tới. Vậy, hai nước phải làm gì để hoàn thành mục tiêu trên, thưa Đại sứ?
Đại sứ Saleh Adibi: Tôi cho rằng, với những tiềm năng to lớn trong hợp tác song phương giữa Iran và Việt Nam, việc đạt kim ngạch 2 tỷ USD trao đổi thương mại trong vòng 5 năm tới là khả quan. Chúng ta cần lưu ý rằng chính phủ hai nước đã tạo điều kiện cần thiết và thuận lợi cho việc kết nối nhiều hơn nữa giữa các bộ, ngành.
Việc thúc đẩy và mở rộng quan hệ giữa các đại lý ngân hàng nhà nước và tư nhân là một trong những lĩnh vực tạo thuận lợi cho kinh doanh hàng hóa và dịch vụ giữa hai bên. Tổ chức các hội thảo tìm hiểu về các tiềm năng thương mại giữa hai nước nhằm tăng cường hiểu biết giữa doanh nghiệp hai bên là một nội dung quan trọng khác cần lưu ý. Tổ chức các đoàn doanh nghiệp giữa hai bên có thể đóng vai trò tích cực trong việc tìm hiểu tốt hơn các lĩnh vực hợp tác tiềm năng. Thúc đẩy hợp tác giữa các phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam qua kênh trao đổi thông tin về hội chợ có thể giúp phát triển quan hệ trực tiếp giữa các doanh nghiệp hai nước.
Tổ chức thường xuyên các kỳ họp Ủy ban liên chính phủ giữa hai bên và thúc đẩy các thỏa thuận đã ký kết trong các kỳ họp này có thể giúp thúc đẩy quan hệ giữa hai bên. Cho đến nay hai bên đã tổ chức 8 kỳ họp Ủy ban liên chính phủ và năm 2017 hai bên sẽ tổ chức kỳ họp lần thứ 9 tại Tehran.
Phóng viên: Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, đối mặt với tình trạng khủng bố, tranh chấp biên giới, lãnh thổ… Theo Đại sứ, Iran và Việt Nam cần tăng cường hợp tác như thế nào để góp phần tích cực vào việc duy trì hòa bình trên thế giới?
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam Saleh Adibi (Ảnh: Khánh Lan)
Đại sứ Saleh Adibi: Nhân dân Iran là một trong những người đầu tiên chịu rất nhiều tổn thất từ tội ác của chủ nghĩa khủng bố và đã rất nhiều người hy sinh trên con đường đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố. Chủ nghĩa khủng bố reo rắc những mất mát cho nhiều gia đình và theo sau chúng là những tội ác, sự man rợ và bạo lực.
Iran và Việt Nam được coi là những điểm an toàn nhất trên thế giới và điều này cho thấy sự phát triển mạnh về mặt văn hóa và tinh thần bất khuất của dân tộc và chính phủ trong việc đối phó với bất cứ sự bất an nào trong đó có sự xuất hiện của chủ nghĩa khủng bố và cực đoan. Các hợp tác an ninh, sự cùng chung chí hướng, đồng lòng và trao đổi kinh nghiệm cũng như chính sách ngoại giao tích cực giữa hai quốc gia và trao đổi đoàn chuyên môn trong lĩnh vực này đồng thời ủng hộ lẫn nhau trên trường quốc tế đóng vai trò quan trọng.
Phóng viên: Tết Cổ truyền Việt Nam đang đến gần, Đại sứ có thể chia sẻ cảm nhận của mình về Tết Việt Nam? Tết Việt có những điểm tương đồng và khác Tết Cổ truyền của Iran như thế nào, thưa Đại sứ?
Đại sứ Saleh Adibi: Nhân dân Việt Nam là những người tốt bụng, có nhận thức, thông minh, nhân hậu và đáng mến. Những đặc tính văn hóa của họ được thể hiện ở sự kính trọng, lòng yêu thương, tình hữu nghị và sự hòa hiếu bên cạnh đó là sự cao thượng và kiên định.
Tết cổ truyền tượng trưng cho sự hiện diện của những điều tốt đẹp, cuộc sống, sự tươi mới và sống động của thiên nhiên, thể xác và tâm hồn. Chính vì vậy có rất nhiều điểm tương đồng với Norouz (năm mới) của Iran khi nó cũng tượng trưng cho mùa xuân của thiên nhiên và lòng người.
Nhân dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, tôi xin gửi lời chúc mừng sâu sắc đến từng người dân đáng mến của Việt Nam và các vị lãnh đạo anh minh sáng suốt của các bạn. Tôi hy vọng rằng tất cả các bạn sẽ có những ngày thật nhiều niềm vui, hạnh phúc và thành công.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại sứ! Nhân dịp Tết cổ truyền Đinh Dậu 2017, xin gửi tới Đại sứ và toàn thể nhân viên Đại sứ quán Iran và cộng đồng người Iran tại Việt Nam lời chúc Năm mới sức khỏe, an khang và thịnh vượng!