|
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery |
Phóng viên (PV): Việt Nam và Pháp có mối quan hệ hợp tác lâu đời và bền vững. Đại sứ có thể điểm lại những thành tựu nổi bật nhất trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua?
Đại sứ Pháp Nicolas Warnery: Pháp và Việt Nam cùng chia sẻ một lịch sử rất đặc biệt, được đánh dấu bằng một thế kỷ thuộc địa và một cuộc chiến giải phóng thuộc địa vẫn còn in trong ký ức của chúng ta. Hai nước chúng ta đã rút ra những bài học của giai đoạn lịch sử này và cùng nhau đưa ra sự lựa chọn đặc biệt, trên cơ sở di sản chung này, để xây dựng một mối quan hệ vững chắc dựa trên những liên hệ gắn bó sâu sắc giữa hai dân tộc. Kể từ đó, Pháp luôn sát cánh cùng Việt Nam để tăng cường mối quan hệ chính trị, đồng hành cùng với sự phát triển của Việt Nam, cùng nhau đương đầu với những thử thách mà chúng ta phải đối mặt, từ biến đổi khí hậu tới các đại dịch, và để dân tộc hai nước chúng ta xích lại gần nhau hơn nữa.
Pháp là một đối tác chiến lược của Việt Nam từ năm 2013 – đó là mối quan hệ đối tác dựa trên các cuộc tham vấn thường xuyên giữa hai nước và cả trên các hoạt động hợp tác hết sức dày đặc và cụ thể trong rất nhiều lĩnh vực, vì lợi ích của hai nước, từ văn hóa tới an ninh, y tế hoặc Pháp ngữ. Tôi có thể điểm lại một số kết quả nổi bật thời gian gần đây để thấy sự mạnh mẽ và đa dạng của quan hệ hợp tác của chúng ta:
Trước tiên, đó là tuyến metro Hà Nội mà chúng tôi mong muốn đưa vào sử dụng năm nay. Với những khoản đầu tư lớn của Pháp và thông qua việc huy động các doanh nghiệp mũi nhọn của Pháp như Alstom hoặc Thalès, dự án sẽ mang tới cho người dân Hà Nội một phương tiện giao thông an toàn hơn và ít ô nhiễm hơn.
Tiếp theo là các chương trình hợp tác phòng chống đại dịch COVID-19 cho thấy sự trao đổi hai chiều của chúng ta, với việc Việt Nam trao tặng khẩu trang cho Pháp năm 2020, vào đúng lúc Pháp cần nhất, và Pháp trao tặng hai triệu liều vắc xin vào năm 2021 và các đợt trao tặng mới đang được chờ đợi trong năm 2022.
Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với việc khoản cung cấp tài trợ mới của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) để mở rộng đập thủy điện Hòa Bình và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong sản xuất điện.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có những hoạt động hợp tác hữu ích trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, như thỏa thuận hợp tác được ký vào tháng 11 năm 2021 giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung tâm quốc gia nghiên cứu vũ trụ Pháp và Airbus trong lĩnh vực vũ trụ.
Chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Việt Nam vào tháng 11 năm 2021 – chuyến thăm chính thức song phương của Thủ tướng tại nước ngoài kể từ khi nhậm chức – đã cho phép thúc đẩy thành công nhiều hồ sơ song phương. Sự đón tiếp dành cho Thủ tướng, người đã có các cuộc hội kiến với bốn nhà lãnh đạo chính trị cấp cao nhất của Pháp, cho thấy rõ Pháp hết sức coi trong Việt Nam, đối tác chiến lược và quốc gia bè bạn trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
PV: Năm 2021 được đánh dấu bởi chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong các ngày từ 3-5/11/2021. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nước đã thống nhất đưa ra Tuyên bố chung. Theo Đại sứ, Tuyên bố chung có ý nghĩa như thế nào đối với hai nước?
Đại sứ Pháp Nicolas Warnery: Tuyên bố chung được thông qua nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã minh chứng cho mối quan hệ đặc biệt phong phú và sự đa dạng về chủ đề mà chúng ta mong muốn tiếp tục cùng nhau làm việc.
Trước hết, tuyên bố này nhắc lại một số điểm mốc và nguyên tắc chính mà Pháp và Việt Nam cùng nhau chia sẻ, như sự gắn bó với luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương và phát triển bền vững. Những nguyên tắc này là trọng tâm của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được Pháp áp dụng và là định hướng cho sự tham gia của Pháp trong khu vực, cũng như chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Liên minh châu Âu. Tôi hoan nghênh việc tuyên bố có tham chiếu đến hai chiến lược này và tài liệu tham khảo của ASEAN, Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh Pháp đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu từ đầu tháng này, tuyên bố chung cũng đề cập đến tầm quan trọng của mối quan hệ EU-ASEAN.
Tiếp theo, Tuyên bố đề cập tới tất cả các khía cạnh chính của mối quan hệ song phương, trong đó nêu bật những thành tựu gần đây và đưa ra chỉ thị rõ ràng để tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác của chúng ta trong lĩnh vực y tế, đối mặt với biến đổi khí hậu, văn hóa và giảng dạy tiếng Pháp, các vấn đề quản trị, trong khoa học và công nghệ, cũng như trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Tuyên bố cũng tính tới khía cạnh kinh tế, nhắc lại tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và nhanh chóng Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU và đưa ra những định hướng về nhiều dự án lớn đang được triển khai - đặc biệt là Metro Hà Nội. Ngoài ra, Tuyên bố cũng không quên các mối quan hệ giao lưu nhân dân làm sống động mối quan hệ song phương của chúng ta hàng ngày: khách du lịch, sinh viên, giáo viên, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, nhân viên y tế, thực tập sinh và tình nguyện viên quốc tế, chuyên gia và doanh nhân...
Cuối cùng, tiếp nối ba thập kỷ qua, mối quan hệ đối tác của chúng ta sẽ tiếp tục được củng cố và đi vào chiều sâu. Tuyên bố này nêu rõ mong muốn chung ở cấp cao nhất nhằm đạt được một bước tiến mới trong quan hệ đối tác Pháp-Việt trong các lĩnh vực cơ cấu công nghệ cao có tính chất chiến lược, nhằm nâng cao cấp độ quan hệ đối tác, chẳng hạn như trong lĩnh vực của vệ tinh. Trong bối cảnh Pháp và Việt Nam kỷ niệm 30 năm hợp tác quốc phòng trong năm nay và trong bối cảnh Pháp gia tăng cam kết trở thành một cường quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, việc tăng cường quan hệ đối tác của chúng ta có thể đóng góp vào hòa bình và ổn định trong khu vực.
Đây là một tuyên bố quan trọng, thể hiện mong muốn ở cấp cao nhất trong việc tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia chúng ta, vốn đã có nhiều chia sẻ cùng nhau, và là lộ trình của chúng ta trong những năm tới.
PV: Hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là bảo tồn di sản là một trong những nét đặc trưng trong quan hệ hợp tác Pháp – Việt. Những hoạt động cụ thể trong lĩnh vực này thời gian qua là gì thưa Đại sứ?
Đại sứ Pháp Nicolas Warnery: Hợp tác văn hóa là một trong những trục cấu trúc của các mối quan hệ của chúng ta. Pháp có kỹ năng đặc thù trong lĩnh vực bảo tàng và di sản, nhờ vào sự phát triển sớm của chính sách di sản, kinh nghiệm quản lý địa điểm (trong số mười hai địa điểm văn hóa được ghé thăm nhiều nhất trên thế giới, năm địa điểm là ở Pháp) và danh tiếng của các bảo tàng – trong đó có Louvre, bảo tàng được ghé thăm nhiều nhất trên thế giới. Trong những năm gần đây, Pháp đã tham gia mạnh mẽ vào dự án tôn vinh di sản bảo tàng Việt Nam, điều này đã tạo điều kiện cho các nhóm chuyên gia từ các bảo tàng lớn nhất của Pháp phát triển hợp tác hiệu quả với một số bảo tàng của Việt Nam, như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng điêu khắc Chăm ở Đà Nẵng, hoặc Bảo tàng Đắk Lắk.
Đồng thời, một số chính quyền địa phương của Pháp đã đầu tư vào lĩnh vực hợp tác di sản: Ví dụ như Vùng Ile-de-France với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội, Vùng Nouvelle Aquitaine tại Huế và Lào Cai ( du lịch, bảo tàng, v.v.), thành phố Toulouse tại Hà Nội - nơi nhận được sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Pháp cho dự án “Bảo tồn, quản lý và phát huy các di sản đô thị mang tính biểu tượng và khảo cổ học”, ...
Mới đây, Pháp cùng với các đối tác Việt Nam và châu Âu cũng đã bắt tay vào việc nghiên cứu chuyển đổi các di sản công nghiệp, với mục đích biến chúng thành những không gian văn hóa và sáng tạo mới. Sau cùng, một dự án hợp tác của Pháp trong lĩnh vực di sản hiện đang được chuẩn bị. Dự án sẽ liên quan đến việc đào tạo các chuyên gia Việt Nam trong các lĩnh vực di sản văn hóa thiên nhiên, phát triển các ngành đại học về “nghề bảo tàng” ở Việt Nam, và hỗ trợ trong việc thiết kế và thực hiện các dự án địa phương tiêu biểu cho việc bảo vệ và phát huy di sản.
PV: Pháp có nhiều dự án hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giao thông đô thị, trong đó phải kể đến tuyến metro số 3. Đại sứ có thể nói rõ hơn về những hỗ trợ của Pháp trong dự án này và tiến độ tuyến metro số 3 hiện như thế nào?
Đại sứ Pháp Nicolas Warnery: Pháp có đóng góp kép cho dự án tuyến metro số 3 Hà Nội, đó là:
Thông qua việc huy động những chuyên gia giỏi nhất của Pháp trong lĩnh vực vận tải đường sắt, chúng tôi mang đến cho người dân Hà Nội một phương tiện giao thông an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Dự án quy tụ nhiều công ty Pháp - Alstom, Colas Rail, Thalès, Systra, Apave, RATP Smart System - những công ty có kinh nghiệm kỹ thuật và chuyên môn được quốc tế công nhận.
Mang tới hỗ trợ tài chính lớn từ Pháp, Bộ Kinh tế, Tài chính và Phục hồi, thông qua Tổng cục Kho bạc và Cơ quan Phát triển Pháp, cùng với Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Ngân hàng Phát triển châu Á. Sự hỗ trợ này hoàn toàn phù hợp với chiến lược chống biến đổi khí hậu của Pháp. Dự án tàu điện ngầm này sẽ cho phép tiết kiệm 20.000 tấn CO2 tương đương lượng khí thải nhà kính mỗi năm và do đó góp phần chống biến đổi khí hậu, một ưu tiên của Pháp.
Nhân chuyến công du Pháp của Thủ tướng Việt Nam vào tháng 11/2021, tính chất ưu tiên của dự án này đã được nhắc lại nhiều lần trong các cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo của chúng ta. Tuyên bố chung được ký kết trong chuyến thăm này đặt mục tiêu mở cửa khu vực trên không vào cuối năm 2022. Đây là cam kết được đưa ra ở cấp cao nhất. Tất cả chúng ta phải được huy động trong những tháng tới và triển khai mọi thứ có thể, phù hợp với những cam kết đã đưa ra trong tuyên bố chung, dù với bất kỳ vai trò nào của chúng ta, giới chức nhà nước và các công ty Việt Nam và nước ngoài, để đạt được mục tiêu này. Hiện nay phần trên không đã hoàn thành 95%. Tuy nhiên, khu depot tiến triển rất chậm và đây là lúc cần phải ưu tiên nỗ lực. Chúng ta không thể để thất bại trong một dự án mang tính biểu tượng như vậy.
PV: Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2023, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam sẽ có những hoạt động gì trong năm 2022 để chuẩn bị cho sự kiện này?
Đại sứ Pháp Nicolas Warnery: Pháp và Việt Nam sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 4 năm 2023 cũng như kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược. Dù cho các mối quan hệ, giao lưu, ảnh hưởng qua lại giữa Pháp và Việt Nam còn lâu đời hơn nhiều so với năm 1973, và làm nên lịch sử của hai nước chúng ta, thì ngày kỷ niệm này sẽ cho phép minh chứng cho con đường đã vượt qua và tạo xung lực mới cho những thập kỷ tiếp theo.
Chúng tôi hiện đang nỗ lực chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, và chúng tôi sẽ sớm thảo luận với các đồng nghiệp Việt Nam để cùng nhau biến ngày kỷ niệm này thành một lễ hội trọng đại.
PV: Trân trọng cảm ơn Đại sứ! Chúc ông cùng gia đình năm mới nhiều sức khỏe, hạnh phúc, an khang thịnh vượng!