|
Tổng Giám đốc Tập đoàn Cơ quan Phát triển Pháp Rémy Rioux tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà
|
Trong khuôn khổ chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh vì Hiệp ước Tài chính thế giới mới dự kiến diễn ra vào tháng 6/2023 tại Paris, ông Rémy Rioux, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Chủ tịch Câu lạc bộ Tài chính Phát triển quốc tế (IDFC) và sáng kiến Tài chính chung (FICS) đã thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 17 -18/2.
Trong chuyến công tác tại Hà Nội và tại tỉnh Hòa Bình, Tổng Giám đốc AFD đã gặp gỡ lãnh đạo các cơ quan chức năng Việt Nam để trao đổi về những thách thức Chuyển dịch năng lượng và xác định các cơ hội thúc đẩy đầu tư cần thiết để thực hiện cam kết khí hậu với mục tiêu lớn của Việt Nam.
Như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông báo tại Hội nghị COP 27, Hội nghị thượng đỉnh vì Hiệp ước Tài chính mới dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 6/2023 tại Paris với sự phối hợp cùng chủ tịch nhóm G7, G20 và Hội nghị COP 28 với mục tiêu nghiên cứu thiết kế tài chính quốc tế cho phát triển, khí hậu và đa dạng sinh thái.
Chuyến công tác của Tổng Giám đốc AFD Rémy Rioux tại Việt Nam trong khuôn khổ nhiệm vụ đồng chủ trì Nhóm công tác số 3 dành riêng cho tài trợ cơ sở hạ tầng bền vững với mục tiêu đưa ra các đề xuất và khuyến nghị cụ thể nhằm sử dụng nguồn vốn đầu tư công và tư cần thiết để thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Việt Nam đã được công nhận có vai trò tiên phong trong các hành động khí hậu. Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước các hệ quả của biến đổi khí hậu và thiên tai, tại COP 26, Việt Nam đã công bố cam kết đạt mức trung hòa các bon vào năm 2050 và mới đây, đã tăng cường các mục tiêu của mình thông qua việc tham gia vào quan hệ đối tác cho Chuyển dịch năng lượng công bằng (JET-P) với nhóm các đối tác quốc tế, trong đó có Pháp, nhằm hỗ trợ về tài chính chiến lược này. Trong khuôn khổ của Chương trình Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JET-P), Việt Nam cam kết đẩy nhanh thời gian giảm ngưỡng phát thải khí ga gây hiệu ứng nhà kính tới năm 2030, giảm phát thải hàng năm tối đa 30% trong lĩnh vực điện năng, và thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững nhằm đạt 47% sản xuất năng lượng điện từ năng lượng tái tạo từ nay cho tới 2030.
Chương trình JET-P sẽ huy động khoản tài trợ đầu tiên trị giá 15,5 tỷ USD từ nguồn vốn công và tư trong đó có nguồn vốn của Pháp với số tiền lên tới 500 triệu euro, trong ba đến năm năm tới. Trong năm 2023, Việt Nam sẽ làm việc với các quốc gia đối tác nhằm phát triển và thông qua kế hoạch huy động nguồn vốn, cho phép triển khai chiến lược và tài trợ. Việc triển khai cho chương trình Chuyển dịch năng lượng công bằng dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 4 năm 2023 và đánh dấu cam kết mạnh mẽ của Việt Nam nhằm ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu. Song song với đó, trong khuôn khổ liên danh Châu Âu do AFD khởi xướng, với sự tham gia của KfW và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu, và JICA, các nhà tài trợ sẽ cùng thẩm định với EVN một dự án tiêu biểu của quá trình Chuyển dịch Năng lượng Công bằng – dự án thủy điện tích năng Bắc Ái (1200MW) nhằm tăng cường công suất mạng lưới điện quốc gia.
Nhận thức được mục tiêu lớn và xét tới quan hệ lịch sử của AFD và các đối tác Việt Nam, ông Rémy Rioux mong muốn gặp gỡ các đối tác phát triển của quốc gia nhằm nuôi dưỡng các thảo luận sắp tới sẽ diễn ra tại Paris. Ông Rémy Rioux đã có các cuộc gặp với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành và Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV Lê Ngọc Lâm. Việt Nam là một đối tác quan trọng của AFD trong khu vực Đông Nam Á. AFD đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 1994, và trong 29 năm qua, AFD đã cam kết tài trợ 2.4 tỷ euro cho quốc gia và tiếp tục mở rộng cam kết này thông qua các hỗ trợ dành cho Việt Nam trong quá trình triển khai Thỏa thuận Khí hậu Paris và các cam kết khí hậu của quốc gia.
Ngoài ra, AFD đã xây dựng quan hệ đối tác tin cậy với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, đặc biệt trong khuôn khổ đánh giá các tác động kinh tế xã hội của biến đổi khí hậu (Chương trình GEMMES Việt Nam) và quan hệ đối tác thành công với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để hiện đại hóa mạng lưới điện và phát triển năng lượng tái tạo cùng các giải pháp trữ điện. AFD hỗ trợ kế hoạch chương trình đầu tư của EVN thông qua các khoản vay có bảo lãnh và không bảo lãnh Chính phủ với tổng số tiền hơn 500 triệu EUR từ năm 2000 và đặc biệt với 4 khoản vay không bảo lãnh Chính phủ ký kết từ năm 2019 với tổng số tiền là 250 triệu EUR.
Trong chuyến thăm này, ông Rémy Rioux cho biết: “Việt Nam có mục tiêu lớn về chuyển dịch năng lượng và phát thải các bon thấp và tôi rất vinh dự và tự hào về quan hệ đối tác mà chúng tôi đã xây dựng với các cơ quan Chính phủ và các định chế của quốc gia từ gần 30 năm nay. Trong chuyến công tác lần này, tôi đã có thể khẳng định cam kết của AFD sẽ mang lại những nghiệm và các khoản tài trợ mà Việt Nam cần trong khuôn khổ quan hệ đối tác vì chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP). Kinh nghiệm của Chính phủ Việt Nam, của EVN hay của BIDV, cũng nằm trong nhóm các ngân hàng nhà nước như AFD, được tập hợp trong khuôn khổ mạng lưới IDFC hoặc FiCS, sẽ rất hữu ích để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh vì một Hiệp ước tài chính mới như Tổng thống Cộng hòa Pháp đã công bố và dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới tại Paris”.