Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại
Vương quốc Morocco Trần Quốc Thủy (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Morocco)
Phóng viên (PV): Thưa Đại sứ, được biết, trong nhiều năm qua, cứ vào dịp đầu Xuân Năm mới, Đại sứ quán Việt Nam tại Morocco đều tổ chức gặp mặt mừng Xuân cho cộng đồng người Việt hiện đang sinh sống, làm việc và học tập tại đây. Hoạt động này có ý nghĩa như thế nào đối với cộng đồng người Việt nói riêng cũng như trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam đến với người dân nước sở tại?
Đại sứ Trần Quốc Thủy: Là cơ quan đại diện của Việt Nam tại Morocco, Đại sứ quán luôn là cầu nối về tình cảm giữa bà con và quê hương. Năm nào, Đại sứ quán cũng tổ chức đón Tết một cách trang trọng và ấm áp nhất với sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng người Việt tại Morocco. Đại sứ quán tổ chức trang trí tranh, ảnh giới thiệu cảnh đẹp các vùng miền của Việt Nam, chuẩn bị những món ăn truyền thống mang đậm hương vị quê nhà. Cứ mỗi dịp như vậy, bà con rất háo hức, họ đưa cả con, cháu, họ hàng, thậm chí mời cả hàng xóm cùng đến tham dự. Đặc biệt, năm nay, chúng tôi còn mời Hội võ cổ truyền đến để biểu diễn, múa lân, nhằm tạo không khí vui vẻ trong dịp Năm mới.
Mặc dù số lượng cộng đồng người Việt tại Morocco không nhiều nhưng họ luôn là cầu nối quan trọng góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Thông qua cộng đồng này, nhiều người Morocco đã biết hơn về Việt Nam. Hội cộng đồng, Hội sinh viên...đa được thành lập nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống tại nước sở tại, thường xuyên liên hệ với Đại sứ quán và giúp Đại sứ quán tổ chức các sự kiện lớn.
PV: Sau 56 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (27/3/1961 – 27/3/2017), mặc dù cách xa nhau về địa lý song các thế hệ lãnh đạo và nhân dân Việt Nam và Morocco đã không ngừng nỗ lực vun đắp và phát triển quan hệ giữa hai nước. Đại sứ có thể cho biết một số những thành tựu nổi bật trong quan hệ giữa Việt Nam và Morocco trong thời gian qua?
Đại sứ Trần Quốc Thủy: Sứ mệnh lịch sử đã đưa hai nước xích lại gần nhau từ khi chưa thiết lập quan hệ ngoại giao, và trong 56 năm qua, với quyết tâm chính trị của Lãnh đạo hai nước, quan hệ hai nước đã phát triển khá mạnh trên nhiều lĩnh vực, nhất là từ khi hai nước mở Đại sứ quán tại mỗi bên vào năm 2006. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn thăm lẫn nhau ở tất cả các cấp như Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng…
Ngoại giao nhân dân cũng được đẩy mạnh với việc trao đổi đoàn, hợp tác giữa hai Hội cựu chiến binh hai nước. Hai nước đã thành lập Ủy ban hỗn hợp và tham vấn chính trị, hai năm họp một lần luân phiên ở mỗi nước. Hai bên cũng thường xuyên phối hợp lập trường và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế. Hai bên đã ký nhiều hiệp định và bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực.
PV: Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Morocco, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, trong thời gian qua, hợp tác trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với quan hệ hợp tác chính trị và tiềm năng hợp tác giữa hai nước. Vậy theo Đại sứ, hai bên phải làm gì để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư?
Đại sứ Trần Quốc Thủy chúc mừng năm mới bà con kiều bào tại chương trình Tết Cộng đồng đón Xuân Mậu Tuất 2018 vừa diễn ra ngày 4/2 (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Morocco)
Đại sứ Trần Quốc Thủy: Hiện nay quan hệ thương mại và đầu tư chưa tương xứng với quan hệ chính trị và tiềm năng hợp tác giữa hai bên. Xa cách về mặt địa lý cũng là một trở ngại, tuy nhiên không vì thế mà chúng ta không tìm ra được các biện pháp để đẩy mạnh quan hệ này. Thương mại hai chiều năm 2016 đạt gần 200 triệu USD, tăng 19% so với năm 2015. Sắp tới sẽ diễn ra phiên họp của Ủy ban hỗn hợp, hai bên cần đi sâu tìm ra các điểm chung, các biện pháp cụ thể để thúc đầy quan hệ thương mại và đầu tư, ví dụ như hợp tác về ngân hàng, xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại, xây dựng niềm tin trong kinh doanh giữa hai bên….Vừa qua, Morocco đã quay trở lại là thành viên của Liên minh châu Phi. Một khả năng nữa mà hai bên có thể thảo luận là hợp tác ba bên. Việt Nam sẽ là cửa ngõ cho hàng Morocco vào ASEAN và ngược lại, Morocco sẽ là cầu nối cho hàng hóa Việt Nam vào khu vực Tây Phi.
Bên cạnh sự nỗ lực của lãnh đạo hai nước, của các bộ, ngành liên quan, về phía Đại sứ quán Việt Nam trong những năm qua, với sự giúp đỡ của các Phòng Thương mại các thành phố lớn và các vùng của Morocco, đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo giới thiệu về nền kinh tế và các cơ hội thương mại của Việt Nam thu hút nhiều doanh nhân Morocco tham dự. Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường, doanh nghiệp bạn cho các doanh nghiệp Việt Nam; hàng năm đều tham gia các hội chợ quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam khi sang Morocco tìm kiếm đối tác và thăm dò thị trường. Hy vọng là quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai nước sẽ có sự khởi sắc hơn trong thời gian tới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!