Tăng cường hợp tác văn hóa, du lịch Việt Nam - Trung Quốc

Thứ ba, 21/05/2024 22:21
(ĐCSVN) - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu nhấn mạnh, “Hội thảo văn hóa: Trà và thế giới” và hội thảo xúc tiến du lịch văn hóa Quảng Tây (Trung Quốc) là dịp quan trọng để chúng ta cùng nhau khám phá, tôn vinh vẻ đẹp văn hóa, du lịch của Quảng Tây nói riêng và Trung Quốc nói chung, đồng thời cũng là cơ hội để thắt chặt giao lưu, hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực văn hóa, du lịch.
 Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Vương Quần phát biểu tại sự kiện. 

Nhân dịp “Ngày Quốc tế Trà” lần thứ năm, sáng 21/5, tại Hà Nội, Trung tâm văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội cùng Sở Văn hóa và Du lịch Quảng Tây phối hợp tổ chức sự kiện “Hội thảo văn hóa: Trà và thế giới” và hội thảo xúc tiến du lịch văn hóa Quảng Tây (Trung Quốc), giới thiệu các loại trà, nghệ thuật thưởng trà của Trung Quốc cùng nét văn hóa, du lịch đặc sắc của tỉnh Quảng Tây.

Thưởng trà - nét tương đồng trong văn hóa Việt Nam - Trung Quốc

Phát biểu tại sự kiện, ông Vương Quần, Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho biết, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng xã hội chủ nghĩa “núi liền núi, sông liền sông”, cùng chung nhiều giá trị văn hóa, và trà là một trong số những giá trị văn hóa quan trọng ấy.

Trung Quốc là quê hương của trà. Người Trung Quốc lấy trà làm thuốc và cả thức ăn đã có đến hơn bốn nghìn năm lịch sử. Trà không chỉ là thứ không thể thiếu trong cuộc sống của người dân mà còn là một thói quen, một lối sống. Trong những bữa tiệc với bạn bè, hội họp, đón tiếp hay các ngày lễ lớn, trà có tác dụng như một nghi lễ, từ đó tạo nên văn hóa trà đa dạng: các nghi thức với trà, phong tục uống trà, nghệ thuật trà, ẩm thực trà, hay trà đạo.Trà đã xuyên qua dòng chảy lịch sử, vượt qua biên giới quốc gia và nhận được sự yêu mến của người dân trên toàn cầu, trở thành một trong ba loại đồ uống chính trên thế giới, là cầu nối giúp người dân Trung Quốc và thế giới làm quen, tìm hiểu lẫn nhau, để văn minh Trung Hoa và văn minh thế giới được giao lưu học hỏi, đồng thời trở thành tài sản chung của nền văn minh nhân loại.

Các đại biểu thưởng thức trà Quảng Tây. 
 

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Du lịch Quảng Tây Hoàng Diệu Lâm cho rằng, Trung Quốc và Việt Nam đều có văn hóa thưởng trà lâu đời. Trà của hai nước có nét đặc sắc riêng, hương vị độc đáo, phong tục đa sắc màu. Trà Quảng Tây là một phần quan trọng của văn hóa trà Trung Quốc. Năm 2022, "Nghệ thuật trà truyền thống và các phong tục liên quan đến trà của Trung Quốc" được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trong đó có công nghệ chế biến trà Lục Bảo và tập tục pha trà dầu của dân tộc Dao. Ngoài ra, trà hoa nhài của Quảng Tây cũng nổi tiếng trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, trà xanh và trà hoa sen cũng lừng danh thế giới. Đặc biệt là trà hoa sen đã thu hút biết bao tín đồ yêu trà bởi mùi vị đặc trưng của trà khô hòa quyện với hương thơm khó cưỡng của hoa sen.

Tham dự và phát biểu tại sự kiện, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có sự tương đồng về văn hóa và tình hữu nghị do các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân hai nước giao lưu và tìm hiểu văn hóa du lịch. Do đó, “Hội thảo văn hóa: Trà và thế giới” và hội thảo xúc tiến du lịch văn hóa Quảng Tây (Trung Quốc) là dịp quan trọng để chúng ta cùng nhau khám phá, tôn vinh vẻ đẹp văn hóa, du lịch của Quảng Tây nói riêng và Trung Quốc nói chung, đồng thời cũng là cơ hội để thắt chặt giao lưu, hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực văn hóa, du lịch.

Du lịch kết nối người dân hai nước gần nhau hơn

Các đại biểu tham quan khu trưng bày tranh ảnh du lịch văn hoá Quảng Tây. 

Phát biểu tại hội thảo xúc tiến du lịch văn hóa Quảng Tây, Công sứ Vương Quần khẳng định, tăng cường trao đổi và hợp tác du lịch là cách quan trọng để thúc đẩy trao đổi văn hóa giữa Trung Quốc và Việt Nam. Quảng Tây và Việt Nam núi sông liền một dải, có đặc điểm địa hình nổi bật, nội hàm văn hóa phong phú, tài nguyên du lịch đa dạng và điều kiện giao thông thuận tiện, là cánh cửa quan trọng của du lịch Trung Quốc, để chào đón thêm nhiều bạn bè Việt Nam đến thăm Quảng Tây và du lịch trải nghiệm tại các địa điểm khác.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết, trước đại dịch COVID-19, năm 2019, Trung Quốc là thị trường hàng đầu gửi khách đến Việt Nam với trên 5,8 triệu lượt, chiếm khoảng 30% trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Đồng thời Việt Nam cũng là thị trường gửi khách lớn thứ hai của Trung Quốc (chỉ xếp sau Myanmar) với gần 8 triệu lượt khách Việt Nam (bao gồm cả khách du lịch trong ngày xuất biên nhập biên). Năm 2023, Việt Nam đón trên 1,7 triệu lượt khách Trung Quốc, khôi phục 30% so với thời điểm 2019. 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón gần 1,25 triệu lượt khách Trung Quốc, khôi phục hơn 73% so với cùng kỳ 2019. Việt Nam cũng gửi nhiều đoàn khách du lịch tới Trung Quốc. Lượng trao đổi khách giữa hai bên thời gian qua đã có sự phục hồi đáng kể nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hữu nghị và quan hệ tốt đẹp giữa hai bên. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển du lịch của cả hai bên còn rất lớn và cần được đẩy mạnh khai thác.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. 

Ông Hà Văn Siêu cho rằng, hội thảo xúc tiến du lịch văn hóa Quảng Tây (Trung Quốc) không chỉ là dịp để quảng bá và xúc tiến du lịch Quảng Tây mà còn là cơ hội để thúc đẩy trao đổi khách giữa hai nước, tăng cường sự giao lưu, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển du lịch bền vững. Sự kiện này là cơ hội tốt để các doanh nghiệp du lịch của Việt Nam hiểu sâu hơn về vẻ đẹp, sự hấp dẫn của các sản phẩm, dịch vụ độc đáo của Quảng Tây, từ đó có thể phối hợp với đối tác Quảng Tây xây dựng các chương trình du lịch đặc sắc cho du khách Việt Nam đến với Quảng Tây.

“Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, giao lưu du lịch văn hóa giữa Việt Nam và tỉnh Quảng Tây nói riêng, cũng như Trung Quốc nói chung, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững cho ngành du lịch trong tương lai, đồng thời sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân hai nước có thể trải nghiệm và khám phá vẻ đẹp của nhau thông qua du lịch.” - ông Hà Văn Siêu khẳng định.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Du lịch Quảng Tây Hoàng Diệu Lâm nhấn mạnh, Quảng Tây và Việt Nam là điểm đến du lịch quan trọng của nhau. Quảng Tây nằm ở duyên hải miền Nam Trung Quốc, núi liền núi, sông liền sông với Việt Nam, nối liền các nước ASEAN bằng đường bộ và đường biển. Với non nước tươi đẹp, kỳ vĩ, cảnh quan địa mạo hùng vĩ và phong tục dân tộc độc đáo, bề dày lịch sử sâu sắc, Quảng Tây được du khách thế giới vô cùng ưa chuộng. Việt Nam sở hữu tài nguyên du lịch phong phú, từ di tích lịch sử cổ kính đến phong cảnh thiên nhiên độc đáo và văn hóa nghệ thuật phong phú, đa dạng đều mang đến cho du khách những trải nghiệm du lịch đặc biệt. Vì vậy, ngành văn hóa, du lịch hai bên đã hợp tác chặt chẽ, tích cực thúc đẩy chính sách cùng có lợi, trao đổi nguồn khách, quảng bá lẫn nhau về sản phẩm du lịch, nhằm hiện thực hóa dòng khách du lịch “hai chiều”./.

Bài, ảnh: Hoàng Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực