Tết cổ truyền của Việt Nam và Iran có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, tập quán

Thứ sáu, 20/01/2023 16:05
(ĐCSVN) - Tết cổ truyền của Việt Nam và Nowruz của Iran (Năm mới của Iran, vào khoảng 21/3 Dương lịch) có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, tập quán giữa hai dân tộc Iran và Việt Nam. Vào dịp Tết, chúng ta đều bận rộn mua sắm thực phẩm, quần áo mới chuẩn bị cho lễ tết. Ngày đầu năm mới, chúng ta đều quây quần, tập trung về nhà bố mẹ, đi thăm chúc tết họ hàng, những người lớn tuổi, tặng quà cho trẻ nhỏ, dọn dẹp trang trí nhà cửa và chúc nhau những điều tốt đẹp.

Đó là chia sẻ của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam Ali Akbar Nazari với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam Ali Akbar Nazari (Ảnh: Khánh Lan) 

- Phóng viên: Với tư cách là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa Iran và Việt Nam trong những năm qua?

- Đại sứ Ali Akbar Nazari: Iran và Việt Nam luôn có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Trong suốt 50 năm qua, mối quan hệ này từng bước được hình thành dựa trên ba yếu tố. Đó là: tôn trọng, hữu nghị; tăng cường quan hệ song phương trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; hợp tác xây dựng ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Với tư cách là Đại sứ nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, tôi có động lực và mong ước mạnh mẽ muốn tạo ra các giá trị gia tăng đóng góp vào tiến trình xây dựng quan hệ hữu nghị Việt Nam – Iran. Quan hệ hai nước đã có nhiều tiến triển và cải thiện ở cả ba khía cạnh mà tôi đã đề cập trong những năm qua.

Về trao đổi đoàn, từ ngày 13 đến 15/10/2014, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Cộng hòa Hồi giáo Iran. Trong chuyến thăm này, 05 văn bản hợp tác giữa các cơ quan hai nước gồm hợp tác hải quan; hợp tác tránh đánh thuế hai lần; hợp tác khoa học, giáo dục, công nghệ và hợp tác giữa các phòng thương mại công nghiệp đã được ký kết. Ngoài ra, phiên họp lần thứ nhất của Nhóm công tác về trao đổi thương mại Iran-Việt Nam cũng đã được tổ chức vào dịp này. Tất cả những điều đó cho thấy tiềm năng phát triển quan hệ hữu nghị Iran – Việt Nam và tính cấp thiết của việc phát triển toàn diện quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa, nghị viện giữa hai quốc gia.

Tháng 3/2016, nguyên Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang sang thăm chính thức Cộng hòa Hồi giáo Iran. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, văn kiện hợp tác giữa ngân hàng trung ương hai nước đã được ký kết.

Ở chiều ngược lại, vào tháng 10/2016, nguyên Tổng thống Iran Rouhani, cũng đã đến thăm chính thức Việt Nam. Tháng 4/2018, Chủ tịch Quốc hội Iran đã dẫn đầu đoàn đại biểu sang thăm Việt Nam theo lời mời Chủ tịch Quốc hội Việt Nam.

Tháng 12/2022, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Quang Phương dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội sang thăm Iran.

Cho đến nay, đã có 09 cuộc họp của Ủy ban hỗn hợp về kinh tế và 7 phiên họp tham vấn chính trị Việt Nam – Iran được tổ chức. Trong đó, cuộc họp tham vấn chính trị gần đây nhất vì lý do dịch bệnh COVID-19 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Tôi đã đưa ra đề xuất thành lập Cơ chế đối thoại tham vấn giữa các Vụ trưởng khu vực – Bộ Ngoại giao hai nước và may mắn thay sáng kiến này được cả hai bên hoan nghênh. Theo đó, ngày 24/08/2022, cuộc họp đầu tiên của cơ chế này đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Iran kiêm Tổng Vụ trưởng Vụ Châu Á, Thái Bình Dương Reza Zabib và Vụ trưởng Vụ Trung Đông Châu Phi – Bộ ngoại giao Việt Nam Bùi Hà Nam. 

Trên các diễn đàn quốc tế, quan hệ hữu nghị hai nước được thiết lập dựa trên hợp tác xây dựng, ủng hộ lẫn nhau. Iran luôn ủng hộ Việt Nam ứng cử vào các vị trí trong các tổ chức quốc tế như Hội đồng bảo an, Hội đồng nhân quyền LHQ, Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, ngược lại chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ quý báu của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương. Tôi hy vọng sự hợp tác mang tính xây dựng này sẽ tiếp tục được phát triển trong tương lai.

- Phóng viên: Thời gian qua, mặc dù Iran và Việt Nam đã chú trọng tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Vậy theo Đại sứ, đâu là nguyên nhân của những hạn chế đó trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước?

Đại sứ Ali Akbar Nazari (thứ hai từ phải sang) và các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm Di sản nghệ thuật Iran ngày 13/7/2022 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Ảnh: Khánh Lan) 

- Đại sứ Ali Akbar Nazari: Như tôi đã đề cập ở câu trả lời trước, quan hệ song phương Việt Nam – Iran trên mọi lĩnh vực trong đó có kinh tế và thương mại đều rất lạc quan. Tôi đồng ý với bạn là quan hệ thương mại của chúng ta vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Kim ngạch thương mại hai chiều trong những năm gần đây đều dưới 500 triệu USD, trong khi từ năm 2016, dựa trên tiềm lực thực tế của hai quốc gia, lãnh đạo của chúng ta đã đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 2 tỷ USD vào năm 2020. Việc chưa đạt được mục tiêu đề ra chắc chắn có lý do của nó. Để tháo gỡ những khó khăn và rào cản cần có sự phân tích chuyên sâu của các chuyên gia. Có thể coi các yếu tố như việc thiếu thông tin về tiềm năng và năng lực để hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước; dịch bệnh COVID-19; vận tải biển chưa ổn định, chưa có đường bay thẳng; khoảng cách địa lý; cấm vận và việc tuyên truyền tiêu cực do một số nước thực hiện là những nguyên nhân khiến chúng ta chưa đạt được mục tiêu đề ra. Chúng ta có ý chí chính trị, có mong muốn và sự sẵn sàng thúc đẩy quan hệ thương mại, do đó chúng ta phải tạo điều kiện để hiện thực hóa nó thông qua hợp tác trí tuệ và sức mạnh tổng hợp.

- Phóng viên: Từ những nguyên nhân và hạn chế nêu trên, theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để khắc phục những hạn chế này nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại?

- Đại sứ Ali Akbar Nazari: Hiện nay đại dịch COVID-19 đã phần nào được kiểm soát, do đó để phát triển hợp tác, cần tập trung vào việc xác định chính xác thực lực thương mại và kinh tế của hai nước. Thông tin người dân hai nước biết về nhau chưa đầy đủ. May mắn là sau khi người dân Việt Nam và Iran đi sang thăm nhau với mục đích du lịch hay thương mại, khi họ tìm hiểu được các thông tin về năng lực của nhau đều mong muốn thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước

Dựa trên những kinh nghiệm của tôi trong lĩnh vực này, tôi cho rằng việc quảng bá và tuyên truyền rất quan trọng, có hiệu quả cao. Tôi tin rằng kiến thức và sự hiểu biết của người dân về thực tế mỗi nước có tác động rất tích cực đến việc tăng cường kinh tế và thương mại. Tổ chức các triển lãm, hội chợ thương mại, giới thiệu sản phẩm, năng lực của các công ty mỗi nước có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền về thế mạnh của mỗi nước nhưng dường như cho đến nay việc này vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Về phần mình, hiểu được những khó khăn, thách thức của việc chưa có đường bay thẳng và thiếu các tuyến vận tải hàng hải kết nối các cảng lớn giữa Việt Nam và Iran, Đại sứ quán Iran tại Việt Nam đang cố gắng tháo gỡ những khó khăn này, hỗ trợ thiết lập đường bay thẳng và đường vận tải biển trực tiếp. Hiện các cuộc đàm phán sơ bộ đã được khởi động giữa cơ quan hai bên về vấn đề này.

Một vấn đề quan trọng khác giúp tạo thuận lợi và tăng cường quan hệ thương mại, đó là ký kết các văn kiện như hiệp định thương mại ưu đãi, tiến tới là các hiệp định thương mại tự do.

Tôi rất tin tưởng vào vai trò của việc trao đổi thông tin, trao đổi đoàn để các chuyên gia đánh giá, cùng nhau tìm ra những tiềm năng hợp tác mới. Vì vậy, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai.

Điểm hữu ích khác có thể giúp khắc phục các hạn chế, thúc đẩy thương mại, kinh tế hai nước đó là đẩy nhanh quy trình tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại. Tôi lấy một ví dụ để các bạn có thể hình dung, nếu Giấy phép nhập khẩu trái cây tươi từ Iran sớm được các bộ ban ngành liên quan của Việt Nam cấp phép, không chỉ giúp kim ngạch thương mại song phương gia tăng, mà người dân Việt Nam còn được tiếp cận với các loại trái cây đặc sản của Iran có giá rất cạnh tranh.

- Phóng viên: Ngoài thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, hai nước có thể thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác nào, thưa Đại sứ?

- Đại sứ Ali Akbar Nazari: Ngoài thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, chúng tôi cho rằng tăng cường giao lưu nhân dân và quan hệ văn hóa cũng rất quan trọng. Nó giúp nhân dân Việt Nam – Iran nắm được thông tin chính xác tình hình thực tế đất nước.

Năm ngoái, chúng tôi đã tổ chức Triển lãm giới thiệu văn hóa, nghệ thuật Iran tại Hà Nội và được người dân Việt Nam đón nhận nồng nhiệt. Đất nước Iran của chúng tôi và tình hình thực tế của chúng tôi phải được nhìn và cảm nhận bằng mắt để có thể thấy được sự khác biệt giữa “nghe nói” và “nhìn thấy”. Những người bạn Việt Nam khi đến thăm Iran đều thốt lên điều đó. Với Việt Nam cũng tương tự như vậy, người dân Iran rất mong muốn được đến Việt Nam du lịch, nhưng họ đang gặp phải nhiều vướng mắc để xin thị thực, chúng tôi hy vọng trên cơ sở các cuộc họp tham vấn đã được tổ chức, những vướng mắc này sẽ sớm được giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy du lịch và thương mại.

Văn hóa, du lịch cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam và Iran có thể hợp tác. Năm ngoái, ba bộ phim của Iran đã tham gia Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam và đã giành được ba giải thưởng ở các hạng mục khác nhau. Thành công của các bộ phim Iran tại Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam cũng như thành công của Triển lãm giới thiệu văn hóa, nghệ thuật Iran tại Hà Nội cho thấy tiềm năng để hợp tác văn hóa và nghệ thuật giữa hai quốc gia.

- Phóng viên: Năm 2023 là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Iran khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023), Đại sứ quán Iran tại Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan của Việt Nam tổ chức những hoạt động gì nhân kỷ niệm này sự kiện quan trọng này?

- Đại sứ Ali Akbar Nazari: Tôi đồng ý với bạn rằng năm 2023 có ý nghĩa biểu tượng, là năm rất quan trọng trong quan hệ song phương, đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Iran. Từ đầu năm 2022, các thành viên trong sứ quán chúng tôi đã họp, trao đổi ý kiến và lên ý tưởng để kỷ niệm dấu mốc quan trọng này. Theo đó, có nhiều hoạt động được đề xuất triển khai như: trao đổi đoàn thăm viếng cấp cao; đồng tổ chức các triển lãm giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ, biểu diễn âm nhạc tại Tehran và Hà Nội; xuất bản các bài viết về Việt Nam và Iran trên báo Iran và báo Việt Nam; tổ chức các trận đấu giao lưu giữa đội tuyển quốc gia hai nước ở các môn thể thao; tổ chức Tuần lễ phim tại Hà Nội và Tehran… Những đề xuất này đã được gửi tới Bộ ngoại giao Việt Nam và Bộ ngoại giao Iran để lấy ý kiến chấp thuận. Trong cuộc gặp với Ngài Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, tôi cũng đã đề cập đến nội dung này, Ngài Bộ trưởng đã rất hoan nghênh và phân công Vụ Trung Đông Châu Phi Bộ ngoại giao Việt nam phối hợp với chúng tôi để triển khai.

Chúng tôi hy vọng rằng, chúng tôi sẽ tổ chức thành công sự kiện quan trọng này với sự hợp tác chặt chẽ, sự ủng hộ của Bộ Ngoại giao hai nước cũng như các cơ quan hữu quan.

- Phóng viên: Được biết, đây là năm thứ 3 Đại sứ đón Tết Cổ truyền của Việt Nam, vậy Đại sứ có thể chia sẻ cảm nhận về phong tục đón Tết của Việt Nam và phong tục đón Tết của người Việt Nam có sự khác biệt như thế nào với phong tục đón Tết của người Iran?

Đại sứ Ali Akbar Nazari (áo vest xanh) và phu nhân tham gia chương trình đón Tết cổ truyền Việt Nam năm 2021 do Đoàn Ngoại giao tổ chức (Ảnh do ĐSQ Iran tại Việt Nam cung cấp )

- Đại sứ Ali Akbar Nazari: Trước hết, tôi xin trân trọng cảm ơn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo cơ hội để tôi được chia sẻ với bạn đọc Việt Nam về những kết quả tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp của hai nước Iran và Việt Nam trong những năm qua và những triển vọng của mối quan hệ này trong thời gian tới.  

Năm nay là năm thứ 3 tôi đón Tết cổ truyền Việt Nam, càng sinh sống và làm việc tại Việt Nam, tôi lại càng phát hiện ra thêm nhiều điểm tương đồng văn hóa giữa hai nước chúng ta, trong đó phải kể đến phong tục đón Tết cổ truyền của hai nước.

Tôi nhận thấy, Tết cổ truyền của Việt Nam và Nowruz của Iran (Năm mới của Iran, vào khoảng 21/3 Dương lịch) có quá nhiều điểm chung về văn hóa, tập quán giữa hai dân tộc Iran và Việt Nam. Vào dịp Tết, chúng ta đều bận rộn mua sắm thực phẩm, quần áo mới chuẩn bị cho lễ tết. Vào dịp năm mới, chúng ta đều quây quần, tập trung về nhà bố mẹ, đi thăm chúc tết họ hàng, những người lớn tuổi, tặng quà cho trẻ nhỏ, dọn dẹp trang trí nhà cửa và chúc nhau những điều tốt đẹp. Vào những ngày cuối năm, chúng ta đều đi tảo mộ, bày tỏ sự tôn kính đến những người đã khuất... Có lẽ điểm khác biệt duy nhất là ở Việt Nam, mọi người dùng hoa đào hoặc hoa mai và mâm ngũ quả để trưng bày, còn ở Iran, chúng tôi sẽ gieo mạ lúa mì (gọi là sabzi) và chuẩn bị mâm haftsin gồm 7 thứ bắt đầu bằng chữ “sin” trong tiếng Ba Tư để trưng bày tết. Ngoài ra một điểm khác nữa là kỳ nghỉ năm mới cổ truyền dành cho học sinh và sinh viên tại các trường học Iran thường kéo dài hơn Việt Nam, vào khoảng 02 tuần.

Nhân dịp Tết cổ truyền Việt Nam, cho phép tôi gửi lời chúc mừng năm mới đến toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và toàn thể độc giả của Báo.

- Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ. Chúc Đại sứ và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Iran đón Tết cổ truyền  Việt Nam thật vui vẻ và đầm ấm!

Khánh Lan (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực