Thúc đẩy hợp tác biển trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác

Thứ năm, 18/11/2021 16:35
(ĐCSVN) - Phát biểu tại Diễn đàn Biển ASEAN lần thứ 11 và Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng lần thứ 9, Trưởng đoàn Việt Nam đánh giá cao vai trò của các diễn đàn trong thúc đẩy hợp tác biển trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực cũng như trong lĩnh vực hợp tác biển...

Trong hai ngày 16 - 17/11/2021, Diễn đàn biển ASEAN (AMF) lần thứ 11 và Diễn đàn biển ASEAN mở rộng (EAMF)  lần thứ 9 đã được tổ chức trực tuyến dưới sự chủ trì của nước Chủ tịch ASEAN năm 2021 - Bru-nây. Diễn đàn có sự tham dự của đại diện các nước ASEAN và đối tác, cùng nhiều chuyên gia, học giả uy tín khu vực và quốc tế.

Các đại diện ASEAN tham dự Diễn đàn biển ASEAN (AMF) lần thứ 11 tại Đà Nẵng (Ảnh minh họa) 

Tại Diễn đàn biển ASEAN (AMF), các nước ASEAN đánh giá tổng thể về hợp tác và an ninh biển do các cơ chế chuyên ngành ASEAN triển khai thời gian qua và trao đổi hướng hoạt động sắp tới của Diễn đàn. Các đại biểu phát biểu đề cao vai trò của AMF trong thúc đẩy đối thoại, xây dựng nhận thức chung và tăng cường nghiên cứu định hướng chính sách. Với tính đa diện, đa ngành của vấn đề biển, AMF đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả điều phối và hợp tác giữa 12 cơ quan chuyên ngành ASEAN về hợp tác biển.

Các nước hoan nghênh Tuyên bố của các Lãnh đạo ASEAN về Kinh tế biển xanh thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 (26/10/2021) hướng tới hình thành nhận thức chung của ASEAN về hợp tác kinh tế biển xanh và xác định các lĩnh vực hợp tác tiềm năng trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác. Nhiều nội dung hợp tác quan trọng đã được thông tin cập nhật và thảo luận tại cuộc họp như kết nối biển, bảo vệ môi trường biển, rác thải biển, đánh bắt cá trái phép, an ninh, an toàn hàng hải… Nhân dịp này, trên cương vị nước đồng chủ trì Cuộc họp nhóm giữa kỳ Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về An ninh biển giai đoạn 2018-2021, Việt Nam đã điểm lại kết quả đạt được trong những năm qua, cập nhật tình hình triển khai Kế hoạch công tác ARF về an ninh biển cũng như chia sẻ kỳ vọng về hợp tác an ninh biển và các lĩnh vực ưu tiên cần được thúc đẩy trong giai đoạn tới.  

Tại Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng (EAMF), ba chủ đề chính được thảo luận gồm: duy trì hòa bình và đề cao trật tự khu vực dựa trên luật lệ nhằm củng cố luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển (UNCLOS) 1982, thúc đẩy kinh tế biển xanh và bảo vệ môi trường biển. Đề cao vai trò quan trọng của UNCLOS 1982, các đại biểu khẳng định tính thống nhất và phổ quát của Công ước, là khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương. Các đại biểu đã trao đổi quan điểm về khái niệm "kinh tế biển xanh", xác định các lĩnh vực hợp tác tiềm năng cũng như các thách thức đang đặt ra. Thảo luận về vấn đề môi trường biển, các đại biểu khẳng định tầm quan trọng của thúc đẩy sử dụng bền vững môi trường biển và ven biển, kêu gọi tăng cường hợp tác trong bảo vệ và bảo tồn môi trường biển, chia sẻ kinh nghiệm, bài học, và thực tiễn tốt trong quản lý và bảo vệ môi trường biển.

Điểm lại kết quả hợp tác trong EAMF, các đại biểu khẳng định EAMF đóng vai trò quan trọng thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, cách tiếp cận đa phương trong việc xử lý các thách thức chung, cũng như chia sẻ thông tin, trao đổi về các vấn đề thuộc quan tâm chung. Các đại biểu chia sẻ quan ngại về nhiều thách thức đang đặt ra như suy thoái môi trường biển, cướp biển, khủng bố, buôn lậu, mua bán người, biến đổi khí hậu, thiên tai… Trong bối cảnh thúc đẩy phục hồi sau dịch bệnh COVID-19, nhiều đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối và giao thông biển, bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng ở khu vực và toàn cầu.

Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, coi đây là lợi ích chung; nhấn mạnh tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, kêu gọi kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Diễn đàn cũng ghi nhận năm 2022 là dấu mốc quan trọng đánh dấu 40 năm kỷ niệm UNCLOS 1982 và 20 năm DOC.

Phát biểu tại các diễn đàn AMF và EAMF, ông Vũ Hồ, Trưởng đoàn Việt Nam đánh giá cao vai trò của các diễn đàn trong thúc đẩy hợp tác biển trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực cũng như trong lĩnh vực hợp tác biển, khuyến khích các đối tác tiếp tục ủng hộ ASEAN trên tinh thần minh bạch, tin cậy và tham vấn, tăng cường hợp tác với ASEAN thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

Trong bối cảnh các nước cần tập trung phục hồi sau tác động nặng nề của dịch bệnh, Việt Nam chia sẻ tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, sự cần thiết của đối thoại, tham vấn, tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 và đề cao tinh thần trách nhiệm và thiện chí của các nước trong việc thực hiện cam kết. Ông Vũ Hồ đặc biệt nhấn mạnh sự cấp thiết của việc duy trì và bảo vệ môi trường biển, đề nghị coi đây là một chủ đề thường xuyên trong các trao đổi về biển trong khu vực thời gian tới.

Trước diễn biến phức tạp trên Biển Đông, Việt Nam khẳng định lại lập trường nguyên tắc, nhấn mạnh lợi ích và trách nhiệm của các nước trong phấn đấu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác, và ổn định./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực