Thúc đẩy hợp tác Campuchia-Lào- Myanmar-Việt Nam(CLMV)

Thứ hai, 04/11/2024 17:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Năm 2024 là kỷ niệm 20 năm thành lập hợp tác Campuchia-Lào- Myanmar-Việt Nam (CLMV). Hợp tác CLMV đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của bốn nước và tiểu vùng Mê Công, đặc biệt trong thúc đẩy phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển và xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Năm 2018, trong vai trò Chủ tịch hợp tác Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam (CLMV), Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 8 với việc lãnh đạo các nước đã thống nhất giao các Bộ trưởng Kinh tế phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký ASEAN và đơn vị tư vấn xây dựng Khung khổ Phát triển CLMV và báo cáo lên lãnh đạo cấp cao để phê duyệt. Đây là văn kiện có tính định hướng chiến lược về hợp tác kinh tế giữa các nước CLMV, lần đầu tiên được xây dựng kể từ khi hình thành cơ chế hợp tác CLMV.

Thúc đẩy hợp tác Campuchia-Lào- Myanmar-Việt Nam 

Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Nhật Bản, tháng 12/2003, Tokyo, Nhật Bản, Lãnh đạo Cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đã nhất trí tổ chức Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 1 vào dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 10 (Viêng Chăn, tháng 11/2004).

Ngày 28/11/2004, Hội nghị cấp cao CLMV đã thông qua Tuyên bố Viêng Chăn về Tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế giữa các nước CLMV khẳng định quyết tâm của các nước CLMV tăng cường hợp tác kinh tế và hội nhập trong các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mê Công, ASEAN và khu vực; kêu gọi các nước và các tổ chức quốc tế tăng cường hỗ trợ bốn nước nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển.

Việc hình thành hợp tác CLMV là một trong những nỗ lực đáp ứng yêu cầu khách quan của hội nhập tiểu vùng Mê Công và ASEAN. Năm 2003, ASEAN thông qua Tuyên bố Bali II (Bali Concord II) khẳng định mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN với 3 cột trụ là Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Cộng đồng văn hóa- xã hội ASEAN (ASCC). Hợp tác CLMV khởi nguồn từ ý tưởng thu hẹp khoảng cách phát triển nhằm thúc đẩy hội nhập của các nước CLMV vào tiến trình phát triển chung của khu vực. Hợp tác CLMV là cơ chế hợp tác mở, một mặt phát huy lợi thế, tiềm năng hợp tác sẵn có của các nước CLMV, nhưng mặt khác là kênh kêu gọi hỗ trợ của các nước ASEAN khác và các đối tác phát triển dành cho các nước CLMV. Hơn nữa, hợp tác CLMV cũng là diễn đàn để các nước CLMV phối hợp trong tiến trình liên kết kinh tế ASEAN.

Về cơ chế hợp tác, đến nay Hội nghị cấp cao CLMV được tổ chức hai năm/lần, quyết định những vấn đề lớn và định hướng hợp tác CLMV. Các Hội nghị Bộ trưởng và hội nghị SOM CLMV được tổ chức ngay trước  Hội nghị cấp cao. Để triển khai các lĩnh vực hợp tác, các nước CLMV nhất trí thành lập 8 Nhóm công tác gồm thương mại - đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, công nghệ thông tin và truyền thông, giao thông và du lịch.

Kể từ Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 10 (tháng 12/2020, trực tuyến) đến nay, các thành viên tập trung triển khai Khung khổ Phát triển CLMV và đạt được một số kết quả quan trọng trong như: Xây dựng và thông qua Kế hoạch triển khai Khung khổ Phát triển CLMV tại HNBT Kinh tế CLMV lần thứ 14 (2022); Triển khai các dự án nâng cao năng lực, hội chợ xúc tiến thương mại và đầu tư trong khuôn khổ Kế hoạch hành động CLMV 2021-2022 và 2023-2024; Triển khai các dự án trong Chương trình hành động hợp tác du lịch CLMV 2019-2021 và 2023-2025;  Phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký ASEAN để quản lý và triển khai một số dự án trong Kế hoạch công tác giai đoạn IV của Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI).

Năm 2024 là kỷ niệm 20 năm thành lập hợp tác CLMV. Hợp tác CLMV đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của bốn nước và tiểu vùng Mê Công, đặc biệt trong thúc đẩy phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển và xây dựng Cộng đồng ASEAN; góp phần giúp các nền kinh tế CLMV tăng trưởng ở mức cao trong khu vực (dự báo đạt 4,6% trong năm 2024), trao đổi thương mại với thế giới đạt trên 769 tỷ đô la Mỹ, chiếm 21,8% tổng giá trị trao đổi thương mại của ASEAN với thế giới.

Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm, đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng trong hợp tác CLMV. Ngay từ khi tham gia vào hợp tác CLMV, Việt Nam đã: Chủ động đề xuất và triển khai nhiều ý tưởng mới, đóng góp xây dựng các văn bản quan trọng, hình thành và thúc đẩy các sáng kiến, cung cấp hỗ trợ phát triển cho các nước thành viên trong đó có Quỹ học bổng CLMV cung cấp 20 suất học bổng mỗi năm cho sinh viên các nước CLMV nhằm thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tiểu vùng; Đóng vai trò điều phối một số lĩnh vực hợp tác chuyên ngành (phát triển nguồn nhân lực, công nghệ thông tin và truyền thông, thương mại và đầu tư), triển khai được nhiều hoạt động thiết thực giúp thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa năm quốc gia như tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại thường niên giữa các nước CLMV; Thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, tích cực thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia vì sự phát triển chung của khu vực, thúc đẩy hợp tác Mê Công ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Năm 2018, trong vai trò Chủ tịch hợp tác CLMV, Việt Nam đã tổ chức thành công HNCC CLMV lần thứ 8 với việc Lãnh đạo các nước đã thống nhất giao các Bộ trưởng Kinh tế phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký ASEAN và đơn vị tư vấn xây dựng Khung khổ Phát triển CLMV và báo cáo lên Lãnh đạo Cấp cao để phê duyệt. Đây là văn kiện có tính định hướng chiến lược về hợp tác kinh tế giữa các nước CLMV, lần đầu tiên được xây dựng kể từ khi hình thành cơ chế hợp tác CLMV.

Các Hội nghị Cấp cao CLMV gần đây

Tại HNCC CLMV lần thứ 9 (16/6/2018, Băng Cốc, Thái Lan), các Lãnh đạo đều đánh giá hợp tác có những bước phát triển, tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng, triển khai còn chậm, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, chất lượng lao động còn thấp. Đồng thời, Hội nghị thống nhất ưu tiên các biện pháp giúp thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực, phát triển nông nghiệp chất lượng cao, thúc đẩy du lịch và tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi. Đối với việc huy động nguồn lực, Lãnh đạo các nước nhất trí cần đa dạng hóa kênh vận động tài trợ, không chỉ qua Ban thư ký ASEAN mà cả các đối tác phát triển và các tổ chức tài chính quốc tế. Các hội nghị cũng nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân tham gia các dự án, thúc đẩy hợp tác công – tư.

Tại HNCC CLMV lần thứ 10 (tháng 12/2020), Hội nghị ghi nhận những kết quả tích cực mà các nước CLMV đạt được trong thời gian qua, đặc biệt ở một số lĩnh vực hợp tác như kết nối về cơ sở hạ tầng, năng lượng, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, phát triển du lịch, nông nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hội nghị cũng đánh giá cao nỗ lực của các nước trong việc xây dựng Khung khổ Phát triển CLMV và Kế hoạch hành động CLMV 2020-2022 nhằm thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hợp tác thời gian tới. Về văn kiện Hội nghị, Lãnh đạo các nước nhất trí thông qua Khung khổ phát triển CLMV nhằm xây dựng khu vực CLMV thành trung tâm kinh doanh quốc tế và hướng đến mục tiêu trở thành các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình cao trong năm 2030.

Khung khổ Phát triển CLMV: Các nội dung chính trong Khung khổ Phát triển CLMV bao gồm: Khung khổ Phát triển CLMV đề ra mục tiêu hỗ trợ các nước CLMV trở thành những nền kinh tế có thu nhập trung bình và khá vào năm 2030; trở thành một Trung tâm kinh doanh tiến bộ toàn cầu (Adcanved Global Business Hub). Đây là văn kiện có tính định hướng chiến lược về hợp tác kinh tế giữa các nước CLMV: Các nội dung chính của Khung khổ Phát triển bao gồm: Kết nối (giao thông và các hoạt động tạo thuận lợi, phấn đầu trở thành một trung tâm logistics của khu vực, cải thiện hạ tầng internet, nâng cao năng lực công nghệ số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong các dịch vụ tài chính);  Các nhân tố hỗ trợ (thể chế luật pháp, lực lượng lao động có năng lực, tiếp cận điện năng);  Các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của các nước CLMV (nông nghiệp, thực phẩm, du lịch).

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực