Tiếp tục đưa quan hệ Ấn Độ - Việt Nam lên tầm cao mới

Thứ sáu, 03/02/2017 16:54

(ĐCSVN)Trong 45 năm qua, kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (7/1/1972 – 7/1/2017), quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ đã không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, vào tháng 9/2016, Ấn Độ và Việt Nam đã nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Đây là hành động thể hiện sự trân trọng mà lãnh đạo hai nước dành cho mối quan hệ bền chặt lâu dài của hai quốc gia.

Đó là nhận định của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp Tết Đinh Dậu 2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm chính thức Việt Nam, tháng 9/2016 (Ảnh: TTXVN)

Phóng viên: Trong 45 năm qua, kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (7/1/1972 – 7/1/2017), quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ đã không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực. Đại sứ đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa hai nước trong những năm gần đây?

Đại sứ Parvathaneni Harish: Mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ đã có lịch sử hơn 2.000 năm với những minh chứng từ việc du nhập của Đạo Phật từ Ấn Độ vào Việt Nam cũng như những di tích của nền văn minh Hindu Chàm ở Việt Nam. Những nhà sư, thương nhân và nhân dân hai nước đã tiếp xúc với nhau qua nhiều thế kỷ và những trao đổi văn hóa sâu sắc đã ghi dấu ấn lên cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập của hai dân tộc dưới sự lãnh đạo của Mahatma Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai vị lãnh đạo đã giữ mối quan hệ hữu nghị và tin tưởng thân thiết; mối quan hệ đã được những thế hệ lãnh đạo kế tiếp duy trì và phát triển trong suốt quá trình đấu tranh giữ nước và xây dựng đất nước của Việt Nam.

Trong năm 2017, hai quốc gia sẽ kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm ngày thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tháng 9/2016, ông đã cùng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thực hiện quyết định lịch sử, nâng tầm mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam từ Đối tác chiến lược lên Đối tác chiến lược toàn diện. Đây là hành động thể hiện sự trân trọng mà lãnh đạo hai bên dành cho mối quan hệ bạn bè bền chặt lâu dài của hai quốc gia.

Những năm gần đây, đã có nhiều chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước trong đó có cả cấp lãnh đạo cao nhất. Chúng ta vui mừng trước mối quan hệ bền chặt giữa hai đảng lãnh đạo và hai cơ quan lập pháp cũng như việc thành lập các cơ chế hợp tác song phương. Mối quan hệ của hai quốc gia được đánh dấu bằng sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau cũng như tầm nhìn chung về nhiều vấn đề quốc tế và tình hình an ninh của khu vực châu Á.

Thương mại song phương đã phát triển mạnh mẽ và hiện tại đạt mức 8 tỷ USD. Lãnh đạo hai nước đã đặt mục tiêu tăng kim ngạch thương mại lên 15 tỷ USD đến năm 2020 và cả hai bên đã thống nhất sẽ đạt được mục tiêu này. Ấn Độ mong muốn tăng đầu tư vào Việt Nam và hy vọng trong vài năm có thể đạt gấp ba lần mức 1,2 tỷ USD hiện nay một khi mà những đầu tư về cơ sở hạ tầng được hoàn thành. Chúng tôi cũng mong muốn các công ty và doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư vào Ấn Độ.

Ấn Độ là đối tác quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác an ninh và quốc phòng, phát triển và đào tạo nhân lực, khoa học công nghệ. Chúng ta cũng đang tích cực tăng cường hợp tác văn hóa và gia lưu nhân dân. Mối quan hệ giữa lãnh đạo, nhân dân, chính phủ, cơ quan pháp luật và và đảng chính trị của hai quốc gia rất vững mạnh và chúng tôi cam kết sẽ đưa mối quan hệ này lên những tầm cao mới.

Phóng viên: Trong nhiều năm qua, mặc dù hợp tác kinh tế - thương mại luôn được coi là một trong những mục tiêu chiến lược trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ song vẫn còn chưa tương xứng với nền tảng quan hệ chính trị cũng như tiềm năng của hai nước. Vây nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên và chúng ta phải làm gì để thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ, thưa Đại sứ?

Đại sứ Parvathaneni Harish: Mặc dù Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ về chính trị sâu sắc song hợp tác trên lĩnh vực kinh tế vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được phát triển. Để đạt được mục tiêu đưa kim ngạch song phương đạt 15 tỷ USD vào năm 2020, chúng ta cần chủ động thắt chặt mối quan hệ về thương mại. Các sản phẩm và hàng hóa được đặt trọng tâm là dệt may, dược, linh kiện điện tử, máy móc và thiết bị... cùng với nhiều hoạt động quảng bá đã được lên kế hoạch để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực này. Chúng tôi đang tích cực khuyến khích sự hợp tác của Phòng Thương mại và Công nghiệp của hai quốc gia nhằm tăng cường hơn nữa việc trao đổi đoàn và hợp tác thương mại.

Trao đổi thương mại và đầu tư hai bên đôi khi được thông qua nước thứ ba và điều này làm phức tạp các số liệu. Những chi tiết thuộc về kỹ thuật này nên được tìm hiểu và các cơ quan liên quan của hai quốc gia đang hợp tác để giải quyết những điểm khác biệt và trao đổi thông tin dựa trên quy tắc của Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

Tuy nhiên những hàng rào thuế quan và phi thuế quan vẫn là những rào cản cho sự phát triển của thương mại song phương và chúng đang được cả hai quốc gia nhìn nhận, xem xét. Ấn Độ và Việt Nam đã đồng ý hỗ trợ hợp tác thương mại giữa hai bên bằng việc hạn chế áp dụng những rào cản thương mại và từng bước xóa bỏ, giảm thuế quan thương mại dựa trên Thỏa thuận khung về Hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Ấn Độ. Trong năm 2018, thương mại sẽ có bước tiến vượt bậc khi mà thuế quan cho nhiều mặt hàng sẽ không còn.

Phóng viên: Năm 2016 là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ khi lãnh đạo hai nước đã nhất trí nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Vậy trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, Đại sứ sẽ làm gì để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ?

Đại sứ Parvathaneni Harish: Việc nâng mối quan hệ Đối tác chiến lược lên Đối tác chiến lược toàn diện của hai quốc gia và một hành động thiện chí thể hiện sự tin tưởng và sự trân trọng của hai bên cho mối quan hệ song phương. Đây cũng là sự công nhận đối với mối quan hệ chặt chẽ về an ninh, quốc phòng và mong muốn của hai bên được đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng của khu vực. Mối quan hệ này bao gồm nhiều lĩnh vực như hợp tác phát triển, trao đổi chính trị, an ninh quốc phòng, phát triển nhân lực, kinh tế và thương mại, trao đổi văn hóa và học bổng cũng như hỗ trợ ODA.

Tuy mối quan hệ giữa hai quốc gia rất đa dạng nhưng vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển cho xứng tầm với mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Mục tiêu 15 tỷ USD tới năm 2020 chỉ được thực hiện bằng việc nâng tầm hợp tác thương mại ở cả cấp ngành và cấp chính phủ cũng như loại bỏ các rào cản thương mại. Các lĩnh vực ưu tiên đã được xác định bởi lãnh đạo hai bên cần được tập trung phát triển.

Quốc phòng cũng là một lĩnh vực quan trọng trong mối quan hệ giữa hai quốc gia và vì vậy Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9/2016 đã công bố một gói tín dụng quốc phòng mới dành cho Việt Nam trị giá 500 triệu USD  để tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng giữa hai bên.

Hai quốc gia sẽ đạt được nhiều lợi ích khi mở đường bay thẳng và kết nối hàng hải. Hãng Hàng không Vietjet được kỳ vọng là sẽ mở ra đường bay thẳng từ Việt Nam đến Ấn Độ trong năm 2017. Hợp tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng đang được đẩy mạnh. Trong năm 2016, chi nhánh của Ngân hàng Ấn Độ đã được mở tại thành phố Hồ Chí Minh và chúng tôi rất vui mừng vì trong tuần này Ngân hàng Ấn Độ đã nhận được giấy phép giao dịch ngoại tệ và điều này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam.

Ấn Độ có các chương trình phát triển nguồn nhân lực và năng lực cho Việt Nam về các lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, tiếng Anh, phát triển doanh nghiệp, siêu máy tính và các lĩnh vực khoa học công nghệ khác. Hai bên cũng đang hợp tác trong lĩnh vực sử dụng công nghệ hạt nhân cho mục đích hòa bình. Một Thỏa thuận khung về vấn đề này đã được ký trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới Ấn Độ vào tháng 12/2016. Chúng ta cũng đang hợp tác trong việc khám phá không gian cho mục đích hòa bình và một Thỏa thuận khung về lĩnh vực này cũng đã được hai bên ký kết trong chuyến thăm của Thủ tướng Modi năm ngoái.

Chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa giao lưu nhân dân bằng việc tăng cường du lịch và văn hóa. Cần nhiều hơn nữa các trao đổi về văn hóa giữa hai bên. Đại sứ quán Ấn Độ hiện nay cấp 250 suất học bổng hàng năm cho công dân Việt Nam dưới nhiều chương trình khác nhau. Ngoài ra chúng tôi cũng thực hiện rất nhiều các hoạt động văn hóa, ví dụ như tổ chức các chương trình ca nhạc và múa, tập yoga, lễ hội phim…

Cần phải có sự tiếp cận nhiều mặt để thực hiện hóa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia và khai thác các tiềm năng phát triển mà hai bên có.

Phóng viên: Năm 2017 có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam - Ấn Độ, là năm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (2007 – 2017). Xin Đại sứ cho biết, Đại sứ quán Ấn Độ sẽ tổ chức những hoạt động gì để chào mừng những sự kiện trên?

Đại sứ Parvathaneni Harish: Năm 2017 là năm quan trọng trong mối quan hệ song phương của hai đất nước. Chúng ta sẽ kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm ngày thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược; đây là cơ hội tuyệt vời để tăng cường mối quan hệ văn hóa hóa, xã hội của hai quốc gia. Chúng tôi có kế hoạch tổ chức rất nhiều chương trình trong lĩnh vực trao đổi văn hóa – xã hội. Chúng tôi dự kiến sẽ hợp tác với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để tổ chức một Hội thảo quốc tế vào tháng 3/2017 và phối hợp với Viện Khoa học Xã hội Việt Nam để tổ chức một hội thảo nữa cuối năm 2017 ở Đà Nẵng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang lên kế hoạch tổ chức các sự kiện khác như Lễ hội Phim Ấn Độ, Lễ hội Ẩm thực và tổ chức Ngày Yoga Quốc tế với quy mô lớn.

Trung tâm Văn hóa Ấn Độ (ICC) tại Hà Nội sẽ tạo cơ hội cho nhiều người Việt Nam tiếp cận với các thông tin về văn hóa và du lịch của Ấn Độ và đồng thời cũng là nơi trưng bày những nét văn hóa và nghệ thuật của Ấn Độ. Chúng tôi đang tổ chức thành công các lớp múa truyền thống, nhạc và yoga tại ICC. Thư viện của Trung tâm cũng được mở cho công chúng vào đọc và tại đây bạn đọc có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều cuốn sách và tác phẩm văn học đa dạng của Ấn Độ. Chúng tôi sẽ sớm mở rộng các hoạt động để tổ chức các triển lãm và những chương trình văn hóa khác tại trung tâm.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish (Ảnh: Khánh Lan)

Phóng viên: Đây là năm đầu tiên nhận nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, Đại sứ có thể chia sẻ cảm nhận về đất nước, con người Việt Nam, về không khí đón Tết Nguyên đán của người dân Việt Nam?

Đại sứ Parvathaneni Harish: Tôi đã đạt được rất nhiều thành công chỉ trong thời gian ngắn từ khi bắt đầu nhiệm kỳ. Tôi đã có cơ hội tổ chức những chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao như chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ tới Việt Nam vào tháng 6/2016, Thủ tướng Ấn Độ tới thăm Việt Nam vào tháng 9/2016, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới thăm Ấn Độ vào tháng 12/2016. Đồng thời, sự hợp tác trong các lĩnh vực thương mại và quốc phòng cũng được tăng cường với chuyến thăm của nhiều đoàn cán bộ.

Với cá nhân tôi, tôi thấy bạn bè Việt Nam rất tốt bụng và luôn dành cho tôi sự chào đón nồng nhiệt. Sự ấm áp trong mối quan hệ giữa hai quốc gia được thể hiện trong tình cảm và tình hữu nghị của nhân dân hai nước dành cho nhau.

Tôi cảm thấy rất háo hức với những hoạt động sôi nổi diễn ra trong dịp Tết Nguyên đán của các bạn. Trên toàn đất nước Việt Nam đều rộn ràng không khí lễ hội. Tôi muốn chuyển lời chúc một năm mới An khang – Thịnh vượng tới tất cả bạn bè Việt Nam.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Khánh Lan (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực