Phó Giám đốc Cơ quan Hợp tác Liên bang - Liên bang Nga P.Aleksey Vladimirovich phát biểu tại Lễ trao giải. (Ảnh: Khánh Lan)
Tham dự buổi Lễ có: Phó Giám đốc Cơ quan Hợp tác Liên bang – Liên bang Nga Phrolov Aleksey Vladimirovich; Quyền Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội Shafinskaya Natalia Valerievna; Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Liên bang 13 nước Châu Á gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Banglades, Pakistan, Afganistan, Lào, Malaisia, Nepal, Indonesia, Mông Cổ, Việt Nam và hơn 200 giáo viên, học sinh, sinh viên đến từ các trường THPT và các trường Đại học trong cả nước.
Cuộc thi đã thu hút được sự tham gia của hơn 200 giáo viên, học sinh, sinh viên cũng như những người yêu văn học Nga trên toàn quốc. Theo đó, các thí sinh có thể lựa chọn dịch các trích đoạn của hai tác phẩm của hai nhà văn Nga nổi tiếng là chuyện cổ tích "Mười hai tháng" và "Chuyện lạ bình thường".Với sự hỗ trợ của Ban Giám khảo là những dịch giả nổi tiếng của Việt Nam, Ban Tổ chức đã lựa chọn và trao giải Nhất cho thí sinh Lê Thị Hiền, giáo viên trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội với phần thưởng trị giá một chuyến du thuyền sông Volga (Nga) dành cho 2 người. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng đã trao 2 giải Nhì, 2 giải Ba và 4 giải Khuyến khích cho các thí sinh có bài dự thi đạt chất lượng cao.
Phát biểu tại Lễ trao giải, chúc mừng các thí sinh đã đoạt giải Cuộc thi, Phó Giám đốc Cơ quan Hợp tác Liên bang – Liên bang Nga Phrolov Aleksey Vladimirovich cho rằng, Cuộc thi dịch thuật văn học “Người kể chuyện cổ tích tài hoa” là một trong những hoạt động ý nghĩa do Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội phát động nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của nhà văn Nga S.Ya. Marshak và 120 năm ngày sinh của E.L. Shvarts.
Ông P. Aleksey Vladimirovich trao giải Nhất cuộc thi cho cô giáo Lê Thị Hiền (Ảnh: Khánh Lan)
Đánh giá cao sự tham gia đông đảo của các thí sinh Việt Nam trong Cuộc thi dịch thuật văn học “Người kể chuyện cổ tích tài hoa”, ông Phrolov Aleksey Vladimirovich nhấn mạnh, sự tham gia nhiệt tình của đông đảo giáo viên và học sinh đến từ mọi miền đất nước Việt Nam thể hiện tình cảm yêu mến đất nước, con người Nga nói chung cũng như ngôn ngữ Tiếng Nga nói riêng, góp phần tăng cường sự hiểu biết về văn hóa giữa nhân dân hai nước./.