Vai trò quan trọng của quan hệ nhân dân trong xây dựng sự hiểu biết và lòng tin giữa hai nước Canada – Việt Nam

Thứ hai, 23/01/2017 19:26

(ĐCSVN) – Nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam Ping Kitnikone về những thành tựu nổi bật trong quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam – Canada; những lĩnh vực ưu tiên trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, thương mại, giáo dục, phát triển và quan hệ nhân dân…

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam Ping Kitnikone (Ảnh: ĐSQ cung cấp)


Phóng viên:
  Năm 2016 là năm đầu nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, Đại sứ đánh giá thế nào về quan hệ song phương  Việt Nam – Canada?

Đại sứ Ping Kitnikone: Năm qua, quan hệ giữa hai nước chúng ta phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, thương mại cho đến giáo dục, phát triển và quan hệ nhân dân.

Hai nước chúng ta tiếp tục tích cực tăng cường quan hệ với ngày càng nhiều chuyến thăm cấp cao. Ví dụ, gần đây nhất vào tháng 9/2016, Bộ trưởng Ngoại giao Canada lúc đó là ông Stéphane Dion đã đến Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ; vào tháng 11/2016, bên lề Hội nghị Cấp cao APEC tại Peru, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã hội kiến Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang. Những chuyến thăm và cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước là minh chứng cho việc Canada quan tâm củng cố quan hệ với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.

Hiện Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Canada trong số các nước ASEAN, tính từ 1/1/2016 đến cuối tháng 11/2016, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Canada và Việt Nam đạt 5,2 tỷ đô la. Mức tăng trưởng thương mại đầy ấn tượng này có được là nhờ tính bổ sung lẫn nhau cao giữa hai nền kinh tế, đồng thời cũng phản ánh độ mở cửa cao của kinh tế hai nước.

Phóng viên: Trong những năm qua, bên cạnh việc tăng cường quan hệ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại và đầu tư, giáo dục - đào tạo…, Việt Nam và Canada còn mở rộng các hoạt động giao lưu nhân dân. Vậy đối ngoại nhân dân có vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Canada, thưa Đại sứ?

Đại sứ Ping Kitnikone: Tôi cho rằng, quan hệ nhân dân giữa hai nước không thể thiếu trong việc xây dựng sự hiểu biết và lòng tin giữa hai nước chúng ta. Hiện nay, có hơn 250 ngàn người Việt  sống, làm việc tại Canada và nhiều người trong số họ rất thành đạt, đóng góp mạnh mẽ vào quan hệ thương mại, kinh tế giữa hai nước.

Cũng trong năm 2016, nhiều chương trình giao lưu văn hóa đã diễn ra tại Việt Nam với sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của Canada như nghệ sĩ vĩ cầm đương đại nổi tiếng thế giới Véronique Mathieu biểu diễn tại buổi hòa nhạc Canada – Việt Nam và nghệ sĩ thơ hát nói nổi tiếng David Dufour trong buổi trình diễn giao lưu văn hóa “Tiếng Pháp tôi yêu’ khởi động Tháng Pháp ngữ tháng 3/2016.

Bên cạnh đó, Canada cũng củng cố quan hệ nhân dân thông qua chương trình phát triển, đặc biệt là thông qua các chương trình tình nguyện viên và sinh viên thực tập. Tôi nhận thấy rằng, những thanh niên Canada có dịp được làm việc ở nước ngoài, tại những nơi như Việt Nam, thường có xu hướng duy trì mối quan hệ cá nhân sâu sắc, lâu dài với những nước họ từng đến làm việc. Điều này góp phần củng cố thêm quan hệ giữa hai nước chúng ta. Chúng tôi cũng đang thiết lập mạng lưới các sinh viên từng du học ở Canada trở về sống và làm việc tại Việt Nam. Xét về nhiều mặt, họ chính là những “đại sứ” đóng vai trò quan trọng, là cầu nối thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Canada – Việt Nam.

Phóng viên: Đại sứ có thể cho biết, những lĩnh vực ưu tiên tăng cường hợp tác giữa hai nước trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam là gì?

Đại sứ Ping Kitnikone: Canada và Việt Nam đang có quan hệ tích cực và ngày càng phát triển. Các ưu tiên của tôi trong những năm tới là làm sâu sắc thêm quan hệ giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, thương mại, giáo dục, phát triển và quan hệ nhân dân

Bên cạnh quan hệ song phương giữa hai nước, Canada và Việt Nam đều là thành viên của các diễn đàn đa phương, trong đó có ASEAN – tổ chức Canada là Đối tác Đối thoại đã được 40 năm. Năm 2015 đánh dấu Canada có đại diện ngoại giao thường trú tại tất cả 10 nước ASEAN và chúng tôi đã bổ nhiệm lần đầu tiên Đại sứ phụ trách tại ASEAN năm 2016. Canada – Việt Nam cũng là thành viên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Khối Pháp ngữ và Liên Hiệp Quốc. Góp phần thắt chặt thêm quan hệ Canada – Việt Nam là quan hệ nhân dân mạnh mẽ với cộng đồng 250 nghìn người Canada gốc Việt tại Canada.

Canada – Việt Nam có quan hệ thương mại song phương tích cực và ngày càng phát triển nhờ tính bổ sung lẫn nhau cao giữa hai nền kinh tế và ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam, Canada quan tâm đến thị trường của nhau. Việt Nam hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Canada trong khối ASEAN. Tuy nhiên, quan hệ thương mại song phương còn nhiều tiềm năng để mở rộng hơn nữa. Ví dụ, ngành nông nghiệp và thực phẩm đẳng cấp thế giới của Canada hoàn toàn có thể đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng của Việt Nam đối với các mặt hàng thực phẩm chất lượng hảo hạng và an toàn mà Việt Nam chưa sản xuất. Tôi biết chúng ta còn có thể làm nhiều hơn để thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại này bằng cách tăng cường trao đổi thông tin để khai thác tiềm năng của quan hệ đối tác kinh tế giữa hai nước. Các doanh nghiệp Canada hiện đang tích cực theo đuổi các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác, chẳng hạn như ICT, máy công nghiệp, hàng tiêu dùng, dược phẩm, các sản phẩm y tế, gỗ và lâm sản, hàng không, dịch vụ tài chính, bảo hiểm và công nghệ bền vững. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế và nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiệu quả, nhiều giá trị gia tăng và bền vững hơn, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Canada sẽ tìm thấy các cơ hội kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Một lĩnh vực quan trọng khác của quan hệ đối tác giữa Canada – Việt Nam là giáo dục và đào tạo. Canada là một địa chỉ du học được rất nhiều bạn trẻ Việt Nam biết đến. Năm 2015 đã có hơn 5000 sinh viên Việt Nam được tiếp nhận sang du học tại Canada. Con số này tiếp tục tăng 10 đến 20%/năm. Các sinh viên Việt Nam không chỉ chọn sang Canada du học mà rất nhiều sinh viên cũng đang theo học chương trình của Canada ngay tại Việt Nam tại tất cả các cấp độ, từ cấp mẫu giáo tại Hà Nội và chương trình K-12 tại thành phố Hồ Chí Minh cho đến các chương trình cao đẳng, đại học Canada được giảng dạy với sự hợp tác với các trường đại học Việt Nam như Đại học Thương mại Hà Nội và các trường Đại học Kinh tế và Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc bảo vệ, thúc đẩy các quyền cá nhân, trong đó có quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới (LGBTI) và phụ nữ, là ưu tiên chủ chốt trong chính sách đối ngoại của Canada. Chúng tôi tự hào ủng hộ các sáng kiến tại Việt Nam nhằm xây dựng năng lực để ủng hộ các quyền này. Việc trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái tự nó không chỉ là mục đích mà còn là một yếu tố chủ chốt trong phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế lâu dài. Quỹ Canada dành cho các sáng kiến địa phương tại Việt Nam đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ rất nhiều dự án thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.

Sự quan tâm của chúng tôi không chỉ giới hạn trong phạm vi Việt Nam mà còn mở rộng ra toàn khu vực. Tháng 9/2016, Thủ tướng Canada Trudeau đã công bố dự án 5,5 triệu đô la Canada giúp bảo vệ người lao động di cư trong khu vực ASEAN. Với đối tác là Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Canada sẽ hỗ trợ những nỗ lực khu vực của ASEAN nhằm củng cố các chính sách bảo vệ lao động di cư, đặc biệt là phụ nữ. Trong khuôn khổ Chương trình hành động Canada – ASEAN, Canada ủng hộ ASEAN thông qua các sáng kiến cụ thể trong các lĩnh vực như quản lý nguy cơ thảm họa, quyền con người, củng cố an ninh, thương mại và đầu tư, mô hình đối tác công tư (PPP) trong các dự án cơ sở hạ tầng.

Đại sứ Đại sứ Ping Kitnikone bên tác phẩm thư pháp viết tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám (Ảnh do ĐSQ cung cấp)

 

Việt Nam cũng là một nước quan trọng đối với hợp tác phát triển của Canada. Canada đã hỗ trợ phát triển cho Việt Nam hơn 1,3 tỷ đô la Canada từ năm 1990, không chỉ thông qua hợp tác song phương mà còn thông qua các quan hệ đối tác của Canada, các chương trình trong khu vực và hợp tác đa phương. Canada đang làm việc với Chính phủ Việt Nam để bảo đảm các chương trình của chúng tôi đáp ứng được các ưu tiên trong giảm nghèo và tập trung nâng cao trách nhiệm giải trình cũng như năng lực của các cơ quan nhà nước. Thông qua công việc của mình, chúng tôi đang hỗ trợ xây dựng pháp luật và chính sách, thúc đẩy kinh doanh và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, đào tạo kỹ năng lao động và sáng tạo trong khu vực tư nhân để ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo số liệu thống kê mới nhất, tổng hỗ trợ dành cho Việt Nam 2014 – 2015 là 132,6 triệu đô la Canada.

Canada sẽ xây dựng một dự án trị giá 15,3 triệu đô la Canada về an toàn thực phẩm vì sự phát triển (SAFEGRO) nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm và mở rộng các cơ hội kinh tế cho nông dân Việt Nam. Dự án đã được cựu Bộ trưởng Ngoại giao Canada Stephane Dion công bố bên lề Hội nghị Cấp cao APEC gần đây tại Peru.

Phóng viên:  Chính sách đối ngoại của Thủ tướng Justin Trudeau chủ trương tăng cường quan hệ và gắn kết hơn nữa với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, coi trọng vai trò của ASEAN và mong muốn đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam. Vậy theo Đại sứ, chúng ta phải làm gì để đưa quan hệ hợp tác Việt Nam - Canada đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới?

Đại sứ Ping Kitnikone: Chính phủ của chúng tôi cam kết củng cố vị thế của Canada trên thế giới và tái nạp năng lượng cho những nỗ lực can dự với các đối tác quốc tế, cả trên phương diện song phương và đa phương. Từ lâu, Đông Nam Á là khu vực quan trọng đối với Canada và chúng tôi tiếp tục củng cố sự can dự của mình với ASEAN và các nước thành viên. Năm 2017, chúng tôi sẽ kỉ niệm 40 năm quan hệ Đối tác Đối thoại Canada – ASEAN. Trong khuôn khổ Chương trình hành động Canada – ASEAN, Canada ủng hộ ASEAN thông qua các sáng kiến cụ thể trong các lĩnh vực như quản lý nguy cơ thảm họa, quyền con người, củng cố an ninh, thương mại và đầu tư, mô hình đối tác công tư (PPP) trong các dự án cơ sở hạ tầng.

Một điểm cần chú ý là Canada và Việt Nam đều là thành viên của của rất nhiều tổ chức đa phương. Hai nước chúng ta đều là thành viên APEC - một diễn đàn kinh tế, thương mại đa phương độc đáo cùng hợp tác tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập thương mại. Khi Việt Nam đảm trách vai trò chủ nhà APEC năm 2017, Canada mong hợp tác với Việt Nam để thực hiện kế hoạch công tác cũng như đã đóng góp 4,74 triệu đô la Canada cho Ban thư ký APEC (cho 4 năm) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vi mô, nhỏ và vừa (MSME) tại các nền kinh tế các nước thành viên APEC phát triển và tiếp cận tốt hơn các thị trường khu vực và toàn cầu. Việc tăng cường khả năng cho các MSME để tận dụng các cơ hội toàn cầu sẽ đem lại lợi ích vô cùng to lớn cho nền kinh tế của chúng ta, thúc đẩy hội nhập khu vực hơn nữa và đóng góp đầy ý nghĩa vào công cuộc giảm nghèo.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thức rằng môi trường và bất bình đẳng trong tiếp cận tài nguyên thiên nhiên giữa người dân và giữa các nước có thể tiềm ẩn nguy cơ hủy hoại an ninh khu vực và cuối cùng là an ninh, hòa bình toàn cầu. Đó là lý do tại sao chúng tôi tìm các phương cách thông qua chương trình phát triển để ủng hộ việc sử dụng tài nguyên thiên trong trong khu vực một cách bền vững và công bằng để cho việc tiếp cận nước sạch, không khí sạch và các nguồn năng lượng sạch không biến thành xung đột trong tương lai. 

Phóng viên: Tết Nguyên đán Đinh Dậu của Việt Nam đang đến gần và đây cũng là lần đầu tiên Đại sứ đón Tết Việt. Vậy Đại sứ có thể chia sẻ một số cảm nhận của mình về đất nước con người Việt Nam, về phong tục đón Tết cổ truyền của người Việt?

Đại sứ Ping Kitnikone: Tôi rất ấn tượng về sự năng động và sôi nổi trong tính cách của người dân Việt Nam. Tôi thấy ẩm thực Việt rất tuyệt vời nhất là các món ăn như phở, bánh cuốn và bún chả.

Đây là lần đầu tiên tôi đón Tết cổ truyền Việt Nam và háo hức được thưởng thức thêm nhiều tinh túy ẩm thực Việt Nam nhân dịp này. Ngoài ra, tôi cũng rất thích truyền thống trang trí nhà tôi với hoa đào và cây quất. Ở Canada, nhiều gia đình trang trí cây thông lễ Giáng sinh. Do vậy, tôi rất thích có cây đào treo những đồ trang trí Tết. Tôi cũng đã đến Văn Miếu để thử tự tay viết thư pháp. Ông đồ viết thư pháp động viên những cố gắng của tôi, nhưng đúng là rất khó ngay cả khi ông ấy giúp chữ tôi viết sao cho nhìn có vẻ tự nhiên nhất.

Ngoài các hoạt động trên, tôi cũng đã tìm hiểu về nét cổ truyền và những sự tích về thuần phong mỹ tục của tết Việt. Qua đó, tôi thấy người Canada và người Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng khi ăn mừng năm mới - Đó là thời điểm dành thời gian cho gia đình, người thân của chúng ta, tiễn năm cũ và cầu chúc những điều tốt lành cho năm mới sắp đến.

Tôi chúc nhân dân Việt Nam một cái Tết tuyệt vời bên gia đình và bạn bè. Chúc sang năm Đinh Dậu mọi người có cả 12 tháng hạnh phúc, 52 tuần dồi dào sức khỏe, 365 ngày thịnh vượng và thành công.  Xin có những lời chúc tốt đẹp nhất cho một năm tuyệt vời sắp đến.

Chúc mừng năm mới!.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Khánh Lan (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực