Vì một khu vực GMS hội nhập, thịnh vượng, phát triển bền vững và bao trùm

Thứ năm, 09/09/2021 15:50
(ĐCSVN) - Là thành viên sáng lập của hợp tác GMS, Việt Nam luôn tham gia chủ động, tích cực vào hợp tác. Điều này xuất phát từ mong muốn củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng anh em và phối hợp cùng xây dựng một khu vực GMS ngày càng cởi mở, an toàn, hoà bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.
Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 7 được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: TTXVN

Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) lần thứ 7 được tổ chức trong bối cảnh các nước GMS đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do tác động của dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Do vậy, đây là dịp quan trọng để Lãnh đạo cấp cao sáu nước khẳng định quyết tâm hợp tác và thống nhất phương hướng, biện pháp để cùng vượt qua giai đoạn đặc biệt khó khăn này.

Hội nghị lần này đánh dấu gần 30 năm hoạt động của GMS và mở ra một thập kỷ mới cho cơ chế hợp tác Mê Công lâu năm nhất này.

Hội nghị cũng là cơ hội thu hút sự quan tâm và hỗ trợ của quốc tế đối với sự phát triển của lưu vực sông Mê Công; quảng bá về một tiểu vùng Mê Công mở rộng phát triển năng động tới các đối tác phát triển và cộng đồng doanh nghiệp.

Với Việt Nam, đây là dịp để khẳng định đường lối đối ngoại của ta và chia sẻ quan điểm và giải pháp về các vấn đề lớn của khu vực và thế giới. 

Hội nghị đã thông qua hai văn kiện quan trọng định hướng cho hoạt động của GMS cả trong ngắn hạn và dài hạn. Cụ thể: Hội nghị đã thống nhất “Kế hoạch ứng phó đại dịch COVID-19 và phục hồi của GMS giai đoạn 2021-2023” với các nội dung hợp tác rất cụ thể trên một số lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, du lịch, giao thông và thương mại. Việc triển khai Kế hoạch sẽ đóng góp thiết thực cho nỗ lực của các quốc gia GMS trong kiểm soát dịch bệnh và từng bước phục hồi hoạt động sản xuất, thương mại của nền kinh tế.

Về dài hạn, Hội nghị đã thông qua “Khung chiến lược Chương trình Hợp tác kinh tế GMS 2030” với một tầm khu vực GMS hội nhập, thịnh vượng, phát triển bền vững và bao trùm. Đây là tài liệu mang tính định hướng dài hạn, chiến lược được xây dựng 10 năm một lần. Điểm nổi bật của Khung chiến lược lần này là cách tiếp cận mới, sáng tạo, đặc biệt chú trọng đến quá trình chuyển đổi số, tính bền vững, bao trùm; và có nội hàm hợp tác rất toàn diện. Vấn đề nguồn nước, quản lý bền vững sông Mê Công cũng được nêu đậm hơn so với các khung chiến lược của giai đoạn trước.

Là thành viên sáng lập của hợp tác GMS, Việt Nam luôn tham gia chủ động, tích cực vào hợp tác. Điều này xuất phát từ mong muốn củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng anh em và phối hợp cùng xây dựng một khu vực GMS ngày càng cởi mở, an toàn, hoà bình, thịnh vượng và phát triển bền vững. Đây cũng là một bước thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Những đóng góp của Việt Nam cho hợp tác GMS thể hiện trên ba phương diện: (i) Thúc đẩy các thoả thuận đa phương tạo môi trường chung cho hợp tác và phát triển. Nổi bật là việc Việt Nam là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp định GMS về Tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hoá qua biên giới và cũng là nước thúc đẩy việc ký kết và thực hiện Bản ghi nhớ “Thu hoạch sớm” của Hiệp định. (ii) Đẩy mạnh hợp tác song phương với từng thành viên; và (iii) Triển khai các dự án ở cấp độ quốc gia để bổ trợ cho các nỗ lực hội nhập và kết nối khu vực. Điển hình là việc phát triển cảng biển Đà Nẵng là điểm đầu phía Đông của Hành lang Đông – Tây; xây dựng các tuyến đường kết nối ra cửa khẩu và phát triển các khu kinh tế biên giới.

Đối với Hội nghị lần này, các Bộ, ngành của Việt Nam đã tham gia tích cực vào quá trình dự thảo văn kiện trên tinh thần xây dựng, hợp tác vì lợi ích chung của cả khu vực. Việt Nam cũng là nước đề xuất và khởi động việc xây dựng tài liệu về tầm nhìn 2030 – văn kiện quan trọng nhất của Hội nghị lần này, khi ta là chủ tịch HNTĐ GMS 6 năm 2018. Chúng ta cũng đã phối hợp chặt chẽ cùng các nước thành viên khác để bảo đảm công tác chuẩn bị cẩn thận, chu đáo.

Quan trọng hơn cả là những đề xuất định hướng hợp tác mang tính chiến lược, toàn diện cho sự phát triển của GMS mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu tại Hội nghị. Bên cạnh những phương châm hợp tác rất sâu sắc, thuyết phục, Thủ tướng cũng đã gợi ý các nội dung hợp tác rất cụ thể, thiết thực cho việc triển khai các chương trình hợp tác GMS giai đoạn tới. Những đề xuất của Thủ tướng được Hội nghị đánh giá rất cao; các nhà Lãnh đạo bày tỏ đồng tình và ủng hộ.

                                                                                   Các lĩnh vực của Chương trình Mê Công mở rộng

Giao thông

Các đề án giao thông cho Tiểu vùng Mê Công Mở rộng nhằm xây dựng các hành lang giao thông ưu tiên kết nối tiểu vùng và kết nối giao thông đến các trung tâm dân cư, các điểm đến du lịch, thị trường và các trung tâm hoạt động kinh tế khác. Mục đích của các đề án này là nhằm đẩy mạnh thương mại, du lịch, đầu tư, và cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội và dịch vụ khác. Các hành lang giao thông chính hình thành cơ sở cho ba hành lang kinh tế chính của Tiểu vùng Mêkông Mở rộng, đó là: (i) Hành lang Kinh tế Bắc–Nam, (ii) Hành lang Kinh tế Đông–Tây, và (iii) Hành lang Kinh tế Phía Nam (tham khảo bản đồ).

Hỗ trợ Giao thông và Thương mại

Hỗ trợ Giao thông và Thương mại tại Tiểu vùng Mê Công Mở rộng tập trung vào các biện pháp phi vật chất hoặc “phần mềm” nhằm tăng cường kết nối và gắn kết giữa các quốc gia thành viên để đẩy mạnh đầu tư và thương mại xuyên biên giới. Hiệp định tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng Mê Công Mở rộng là khuôn khổ cho các nỗ lực hỗ trợ giao thông và thương mại nhằm hỗ trợ hiệu quả vận chuyển hàng hóa, xe cộ và hành khách xuyên biên giới tại tiểu vùng.

Năng lượng

Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tại Tiểu vùng Mê Công Mở rộng nhằm thiết lập một thị trường điện năng khu vực cạnh tranh và hội nhập qua đó phát triển bền vững các nguồn lực năng lượng phong phú của Tiểu vùng Mê Công Mở rộng, cải thiện an ninh năng lượng và cải thiện cơ hội tiếp cận các nguồn năng lượng hiện đại và trong khả năng chi trả của người dân.

Nông nghiệp

Chương trình Hỗ trợ Nông nghiệp Trọng tâm của Tiểu vùng Mê Công Mở rộng Giai đoạn II (2011–2020) đặt mục tiêu về một tiểu vùng sẽ được công nhận trên toàn cầu là nơi sản xuất thực phẩm an toàn hàng đầu bằng các biện pháp nông nghiệp thân thiện với khí hậu và hội nhập với các thị trường toàn cầu qua các hành lang kinh tế khu vực.

Môi trường

Chương trình Môi trường Trọng tâm của Tiểu vùng Mê Công Mở rộng nhằm hình thành nên một khu vực trong đó tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Chương trình Môi trường Trọng tâm Giai đoạn II (2012–2016) tập chung vào ba chuyên đề ưu tiên: đa dạng hóa sinh học và giảm nghèo, thích ứng và giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu, và tăng cường năng lực.

Phát triển Nguồn Nhân lực

Chiến lược và kế hoạch hành động phát triển nguồn nhân lực tại Tiểu vùng Mê Công Mở rộng tập trung vào đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động và di cư, và phát triển xã hội. Các đề án hợp tác còn bao gồm các chương trình về kiểm soát bệnh truyền nhiễm, phòng chống HIV/AIDS, di cư an toàn, đào tạo kỹ thuật và nghề, giáo dục bậc cao và nghiên cứu.

Phát triển Đô thị

Lĩnh vực phát triển đô thị tại Tiểu vùng Mê Công Mở rộng tập trung vào đầu tư cho các dịch vụ và hạ tầng đô thị ưu tiên tại các thành phố nhỏ và vừa dọc các hàng lang giao thông GMS. Ngoài mục đích chuẩn bị cho tăng trưởng dân số, những hoạt động đầu tư này còn góp phần chuyển đổi các hành lang giao thông thành hành lang kinh tế và nâng cao cơ hội tiếp cận việc làm và thị trường tại các vùng nông thôn.

Du lịch

Lĩnh vực du lịch tại Tiểu vùng Mê Công Mở rộng sẽ xây dựng và khuyếch trương khu vực GMS thành một điểm đến duy nhất với sự đa dạng về những sản phẩm tiểu vùng có lợi ích cao, chất lượng tốt, nhằm giúp phân bổ lợi ích của du lịch được rộng rãi hơn trong khi giảm thiểu tối đa những tác động bất lợi. Đầu tư vào các cơ sở hạ tầng du lịch, kết hợp với nâng cao năng lực, đào tạo và phát triển du lịch dựa vào cộng đồng sẽ góp phần giảm nghèo, tạo việc làm và phát triển bền vững.

Công nghệ Thông tin và Truyền thông

Các nỗ lực về công nghệ thông tin và truyền thông tại Tiểu vùng Mê Công Mở rộng nhằm cải thiện kết nối viễn thông, cung cấp các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, hỗ trợ đẩy mạnh cơ hội tiếp cận thông tin truyền thông nhằm giảm chi phí giao dịch và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực GMS.

Các khu Kinh tế Cửa khẩu và Đa ngành khác

Trọng tâm Khuôn khổ Chiến lược của Tiểu vùng Mê Công Mở rộng nhằm phát triển các hành lang kinh tế đã xúc tác đẩy mạnh sự quan tâm đến các đặc khu kinh tế, đặc biệt là các khu kinh tế cửa khẩu, đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều ngành lĩnh vực. Để tối đa hóa lợi ích của các hành lang kinh tế, ta cần phải có ngày càng nhiều các dự án đa ngành với sự tham gia đầu tư của khu vực công và tư nhân, bao gồm cả những can thiệp về phần cứng và phần mềm.


Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực