Viện Nghiên cứu châu Âu – vẻ vang 30 năm thành lập

Thứ ba, 26/09/2023 15:19
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập là một dấu mốc quan trọng của Viện Nghiên cứu châu Âu. Với bề dày truyền thống và thành tích 30 năm qua, Viện Nghiên cứu châu Âu sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành công mới, có nhiều đóng góp thiết thực hơn nữa vào sự nghiệp phát triển của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và đất nước.

Sáng 26/9, Viện Nghiên cứu châu Âu tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Viện và Hội thảo quốc tế 50 năm quan hệ Việt Nam – châu Âu.

Tới dự buổi lễ gồm có các lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Viện Nghiên cứu châu Âu, cùng nhiều thế hệ các cán bộ, viên chức và người lao động đã và đang công tác tại Viện. Về phía khách mời có đại diện một số bộ, ban, ngành, các Đại sứ quán Belarus, Nga, Azerbaijan, Ukraine ... và một số tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Viện Nghiên cứu châu Âu và chặng đường vẻ vang 30 năm thành lập

PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu phát biểu khai mạc buổi lễ. 

Trong bài diễn văn khai mạc buổi lễ, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu đã cùng các thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động ôn lại chặng đường 30 năm thành lập Viện.

Cách đây 30 năm, ngày 13/9/1993, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 466/TTg về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu SNG và Đông Âu, nay là Viện Nghiên cứu châu Âu. Tổ chức tiền thân của Viện Nghiên cứu Châu Âu ngày nay là Trung tâm Nghiên cứu SNG và Đông Âu được thành lập theo Quyết định số 466/TTg ngày 13/9/1993 của Thủ tướng Chính phủ.

“Từ đó đến nay sự phát triển của Viện Nghiên cứu châu Âu luôn gắn với quá trình phát triển của Viện Hàn lâm khoa học Xã hội, gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam giao phó, đáp ứng những yêu cầu ngày càng tăng về nghiên cứu châu Âu ở Việt Nam. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về nghiên cứu châu Âu học phản ánh vai trò ngày càng quan trọng của lĩnh vực nghiên cứu này trong nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn của đất nước” - PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng nhấn mạnh.

Các chức năng chính của Viện Nghiên cứu châu Âu là nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học Xã hội của các nước và tổ chức khu vực của châu Âu nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước đối với Liên minh châu Âu, các tổ chức khu vực và các quốc gia trong khu vực châu Âu; tư vấn khoa học và tham gia đào tạo phát triển nguồn nhân lực khoa học xã hội liên quan đến khu vực châu Âu.

Trong 30 năm qua, Viện Nghiên cứu châu Âu đã chủ trì, thực hiện và tham gia hàng trăm đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu chính sách, tư vấn và dịch vụ tư vấn khoa học; các dự án hợp tác khoa học với các cơ quan nhà nước, bộ, ngành, địa phương trong nước và nhiều chương trình hợp tác quốc tế. Tính đến nay, Viện đã chủ trì, thực hiện 5 đề tài thuộc các Chương trình trọng điểm về khoa học Công nghệ cấp Nhà nước, 5 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học hợp tác quốc tế theo Nghị định thư với các quốc gia như LB Nga, Ukraine, Hungary… và 10 đề tài của Quỹ Nafosted. Viện đã thực hiện hơn 90 chương trình, đề tài cấp Bộ, hàng trăm đề tài cấp Viện.

Một nhiệm vụ quan trọng của Viện là kết hợp nghiên cứu với đào tạo, góp phần tham gia phát triển nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước. Nhiều cán bộ của Viện tham gia giảng dạy đại học và sau đại học ở nhiều cơ sở đào tạo trong nước như: Học viện Khoa học Xã hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính quốc gia, Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, Đại học Thái Nguyên, Đại học Vinh, Đại học sư phạm Hà Nội…

Với những thành tựu đạt được, Viện Nghiên cứu châu Âu đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng 3, cờ thi đua của Chính phủ, cờ thi đua của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và bằng khen của Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, một số cán bộ của Viện được trao tặng danh hiệu cao quý. Ngoài ra, hàng năm, nhiều cán bộ của Viện đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Cơ sở và cấp Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng tin tưởng, đây chính là những tiền đề quan trọng để Viện tiếp tục phát triển và có những đóng góp lớn hơn trong giai đoạn tới.    

Cán bộ, người lao động Viện Nghiên cứu châu Âu vinh dự đón nhận Cờ thi đua cho đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Cùng hành trang là những thành tựu đạt được trong 30 năm qua, trước những yêu cầu nhiệm vụ phát triển mới của Viện nghiên cứu châu Âu nói riêng, và của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nói chung, trong thời gian tới, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng đã chỉ ra những mục tiêu trọng tâm của Viện Nghiên cứu Châu Âu bao gồm: Tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học theo hướng đa ngành và liên ngành; Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học; Xây dựng đội ngũ chuyên gia trong từng lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, đồng thời củng cố vị thế và bản sắc nghiên cứu của Viện trong giới nghiên cứu khoa học, phấn đấu đến năm 2030 mỗi lĩnh vực nghiên cứu ít nhất có một chuyên gia chuyên môn sâu có khả năng giải đáp kịp thời các câu hỏi, các nhiệm vụ cấp thiết; Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trên các phương diện: nghiên cứu khoa học, ứng dụng và đào tạo; duy trì và phát triển các mối quan hệ với các đối tác truyền thống; Tăng cường góp ý, tư vấn và phản biện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, chương trình và dự án phát triển của đất nước và địa phương theo yêu cầu của Chính phủ, của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cũng như các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

“Trong phạm vi Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Châu Âu phấn đấu trở thành đầu mối kết nối hoặc hỗ trợ các tổ chức, viện nghiên cứu của Viện Hàn lâm hợp tác nghiên cứu với các tổ chức liên quan ở khu vực châu Âu. Trong lĩnh vực hợp tác nghiên cứu và đào tạo về châu Âu học, cũng như trong tư vấn chính sách, Viện phấn đấu trở thành trung tâm cung cấp thông tin, kết nối hoặc điều phối hợp tác với các tổ chức ở các nước trong khu vực châu Âu” - PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng nói.

Viện Nghiên cứu châu Âu có nhiều đóng góp chung cho sự nghiệp phát triển đất nước

Bày tỏ vui mừng vui mừng tới dự Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập Viện Nghiên cứu châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam ghi nhận: “Qua 30 năm xây dựng và phát triển, Viện Nghiên cứu châu Âu đã thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là trong công tác nghiên cứu cơ bản, tư vấn chính sách, góp phần cung cấp luận cứ khoa học trong hoạch định các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đóng góp thiết thực vào thành công chung của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, của đất nước”.

  TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam ghi nhận, qua 30 năm xây dựng và phát triển, Viện Nghiên cứu châu Âu đã thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ được giao

Theo TS. Phan Chí Hiếu, châu Âu là khu vực có vai trò địa chính trị quan trọng. Đây là khu vực có những nước lớn, thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, thành viên của G7 như Nga, Đức, Anh, Pháp, Ý có vai trò, ảnh hưởng rất lớn trong các vấn đề hòa bình, hợp tác, phát triển trên toàn cầu và khu vực. Đây cũng là khu vực có nhiều đối tác quan trọng của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa - xã hội, như Nga, Ucraine, các nước EU và nhiều quốc gia khác.

Trong bối cảnh quốc tế đang biến đổi nhanh chóng, nhiều nước trong khu vực châu Âu đang điều chỉnh chính sách, hướng đến khu vực châu Á và Việt Nam nhiều hơn. Chúng ta đang được chứng kiến những bước phát triển vượt bậc trong quan hệ của Việt Nam với các nước châu Âu. Việt Nam đã ký các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với Liên minh Kinh tế Á – Âu, Liên minh châu Âu, với Vương quốc Anh, mở ra triển vọng lớn cho việc tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư và một số lĩnh vực quan trọng khác. Trong năm 2022 và 2023 diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam với nhiều nước khu vực châu Âu. Đây là những cơ sở quan trọng cho việc định hình các nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn khoa học đặt ra đối với Viện nghiên cứu châu Âu.

Có thể nói, kết quả đạt được trong thời gian qua rất đáng tự hào, nhưng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho thời gian tới cũng hết sức nặng nề. Để đáp ứng được tốt hơn nữa yêu cầu về nghiên cứu tư vấn cho Đảng, Nhà nước trong thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với các nước châu Âu cũng như phát huy hơn nữa những thành tích đạt được trong 30 năm xây dựng và phát triển, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề nghị tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động Viện Nghiên cứu châu Âu tiếp tục nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, trí tuệ, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ về nghiên cứu, đào tạo đội ngũ cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy của Viện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả… Cụ thể là trong năm 2023 và những năm tới đây, Viện cần tham gia tích cực, chất lượng vào các hoạt động tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới  trong 40 năm qua ở Việt Nam; tham gia chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng theo nhiệm vụ được phân công; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng, góp phần thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á - Âu. 

*Ngay sau Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Viện Nghiên cứu châu Âu, cũng trong sáng 26/9 đã diễn ra Hội thảo quốc tế 50 năm quan hệ Việt Nam – châu Âu.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài tham luận của các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài về tổng quan 50 năm quan hệ Việt Nam – châu Âu cũng như triển vọng quan hệ giữa Việt Nam và các nước châu Âu như: Đức, LB Nga, Thụy Điển… Nhìn chung, các ý kiến đều khẳng định, mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Việt Nam và châu Âu đã thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại... Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Trong chặng đường đã qua tuy có những lúc còn thăng trầm, nhưng dòng chủ lưu vẫn là sự hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ, an ninh - quốc phòng... với tinh thần "hợp tác cùng thắng"./.

Tin, ảnh: T.Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực