|
Hội Nông dân tỉnh tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2023. |
Trong nhiều năm qua, Quảng Ninh luôn kiên trì kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh. Với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, tỉnh Quảng Ninh đã luôn quan tâm hoàn thiện thể chế, chế định pháp lý và thiết chế văn hóa bảo đảm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đáng chú ý, năm 2024, tỉnh Quảng Ninh lựa chọn chủ đề công tác năm là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, cùng với việc ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, đã tiếp tục thể hiện quyết tâm lớn của tỉnh trong việc đầu tư cho phát triển văn hóa, con người.
Từ đà động lực của tỉnh trong năm 2023 là kinh tế Quảng Ninh liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tỉnh lập kỳ tích giữ vững đà tăng trưởng kinh tế 2 con số trong 9 năm liên tiếp, đứng đầu Vùng đồng bằng sông Hồng. Cùng với đó, những thành tựu về phát triển văn hóa cũng tạo nền tảng vững chắc để các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.
Trong những thành quả đó, vai trò của Hội Nông dân các cấp đã góp phần quan trọng làm cho diện mạo nông thôn tỉnh Quảng Ninh thay đổi rõ rệt, khởi sắc rõ nét. Đặc biệt, các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã phát huy vai trò của nông dân trong xây dựng gia đình, khu dân cư văn hóa, xây dựng văn hóa nông thôn lành mạnh, làm cho đời sống của người nông dân ngày càng sung túc, đủ đầy, giàu bản sắc văn hóa, nông thôn ngày càng trở thành những miền quê đáng sống.
|
Hội thi nông dân Quảng Ninh với an toàn thực phẩm tạo sân chơi bổ ích thiết thực, hiệu quả, tuyên truyền đến hội viên nông dân và người dân về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong cuộc sống và lao động, sản xuất. |
Những kết quả nổi bật đó được thể hiện trong thời gian qua, các cấp Hội Nông dân bằng những cách làm sáng tạo, trúng, đúng, hiệu quả, đã khơi dậy và phát huy vai trò nông dân, lấy nông dân làm lực lượng nòng cốt chung tay cùng tỉnh xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, nông dân tỉnh Quảng Ninh đã tự tin thể hiện vai trò chủ thể nông thôn mới, trực tiếp tham gia xây dựng nông thôn mới. Hội viên nông dân toàn tỉnh đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng, hơn 50.000 ngày công lao động góp sức xây dựng nông thôn mới; đồng thời, tích cực đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng và phát triển hàng nghìn mô hình sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao...
Đáng chú nhất là hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã triển khai đồng bộ phong trào xây dựng gia đình văn hóa gắn với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Từ đây, nhiều mô hình, điển hình kinh tế mới, hộ gia đình nông dân tiêu biểu đã xuất hiện từ phong trào nông dân, số hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp tăng lên hàng năm. Chỉ tính riêng năm 2023 đã có gần 48.000 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tạo nên lực lượng lao động sản xuất kinh doanh giỏi, tự tin hội nhập và làm giàu trên chính quê hương mình, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, hoạt động hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững được tăng cường và sử dụng có hiệu quả. Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt hơn 85 tỷ đồng, dư nợ tín dụng ủy thác qua các ngân hàng đạt trên 2.360 tỷ đồng, nhờ đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động vay vốn, tiếp cận khoa học kỹ thuật, tham gia các mô hình phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Nông dân mạnh dạn đầu tư, hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tích cực tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, tạo tiền đề cho việc mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm, từ đó tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo, thu nhập giữa nông thôn và thành thị.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với sự chung tay của tổ chức Hội Nông dân và nông dân, đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh đã có 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 54/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 26/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 13/13 địa phương cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Tiên Yên và huyện Đầm Hà đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành các nội dung, tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia tỉnh, thành phố, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới sớm hơn một năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, lần thứ XV đề ra.
Giờ đây, diện mạo nông thôn tỉnh Quảng Ninh thay đổi rõ rệt. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư, nâng cấp, ngày càng hoàn thiện và từng bước hiện đại hóa. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng nông thôn tiếp tục được cải thiện. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục đi vào chiều sâu. Toàn tỉnh có 95% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 96% khu dân cư đạt danh hiệu “Thôn, khu phố văn hóa”. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở cũng thường xuyên được nâng cấp, phát huy được hiệu quả sau đầu tư, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao, học tập cộng đồng, phát triển các câu lạc bộ về lĩnh vực văn hóa, thể thao trên địa bàn…
|
Hội viên nông dân tham gia Hội thi cấy trong khuôn khổ Lễ hội xuống đồng diễn ra vào tháng 6 âm lịch hằng năm, góp phần giữ gìn nét đẹp trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người dân đảo Hà Nam (Thị xã Quảng Yên). |
Từ những thành quả chung của tỉnh đạt được, tư duy và nhận thức về văn hóa, xã hội, xây dựng con người mới của nông dân tỉnh Quảng Ninh đã có những bước phát triển cùng với sự đổi mới và phát triển của tỉnh Quảng Ninh. Nổi bật, sự vào cuộc của các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh và hưởng ứng tích cực phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của người nông dân đã đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội. Nông dân Quảng Ninh thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy ước, hương ước của địa phương, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Bình quân hằng năm, có trên 90.000 hộ nông dân đăng ký đạt chuẩn gia đình văn hóa, trong đó trên 96% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Các gia đình văn hóa đều là những hạt nhân tích cực trong các cuộc vận động, phong trào thi đua, là những điển hình tiêu biểu trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Đáng chú ý, để thực hiện tiêu chí môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp, các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân trong bảo vệ môi trường nông thôn. Duy trì hơn 600 mô hình nông dân gắn với bảo vệ môi trường như: "Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng", "Tuyến đường nông dân tự quản”; "Nói không với túi nilon và rác thải nhựa"; "Thu gom, phân loại và xử lý rác thải, chất thải thành phân bón tại nguồn"; "Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật”, được duy trì tốt...
Đồng thời, các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã tích cực vận động hội viên và cộng đồng dân cư nông thôn sử dụng nước sạch, tham gia cải thiện môi trường làng nghề; cải tạo hồ, ao, kênh, mương bị ô nhiễm; hạn chế sử dụng túi nilon và sống thân thiện với môi trường. Hướng dẫn hội viên phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả phân bón an toàn, thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao bì thuốc sau khi sử dụng; xử lý chất thải trong chăn nuôi, bảo vệ môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản… góp phần nâng cao đời sống và sức khỏe cho gia đình hội viên.
Ngoài ra, Hội Nông dân các cấp tỉnh Quảng Ninh đã tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số xây nhà tiêu hợp vệ sinh, góp phần nâng cao nhận thức, làm thay đổi thói quen, tập tục lạc hậu của hội viên nông dân, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao sức khoẻ và chất lượng cuộc sống cho người dân vùng cao.
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tích cực vận động nông dân tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu về y tế, giáo dục, an toàn lao động, an toàn thực phẩm, bình đẳng giới, chăm sóc, giáo dục trẻ em; các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phát triển rộng rãi trong từng thôn, xóm; hội viên nông dân là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động lễ hội tại các địa phương.
Ở các địa phương, nông dân tỉnh Quảng Ninh luôn tích cực tham gia các phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh” cũng như hưởng ứng các ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, ngày hội “Quốc phòng toàn dân”, ngày hội “Biên phòng toàn dân”… Toàn tỉnh hiện có 89 mô hình tự quản về an ninh trật tự của nông dân tại 13/13 huyện, thị xã, thành phố với 4.500 thành viên; 152/152 cơ sở Hội có Câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật" với 4.560 thành viên... Đây là lực lượng quan trọng tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.
Có thể khẳng định, với nhiều hoạt động thiết thực, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã phát huy, vận dụng và coi trọng tiêu chí văn hóa, lấy văn hóa làm nền tảng xây dựng nông thôn mới, qua đó đã góp phần quan trọng động viên, cổ vũ nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hăng hái tham gia xây dựng đời sống văn hóa gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, là những hạt nhân tích cực trong các cuộc vận động, phong trào thi đua… khẳng định hình ảnh nông dân Quảng Ninh văn minh, hiện đại, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên phạm vi toàn tỉnh gắn với đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất, bền vững, nâng cao chất lượng đời sống hội viên nông dân. Tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển dịch vụ hướng đến du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng góp phần phát huy giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa riêng có của tỉnh Quảng Ninh.
Đồng thời, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân và các cấp Hội trong xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh; gia đình văn hóa, làng, xã văn hóa, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; vận động cán bộ, hội viên nông dân và nhân dân phát triển các câu lạc bộ sinh hoạt nghệ thuật văn hóa dân gian trong cộng đồng dân cư; tích cực bảo tồn và tham gia các lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa, tuần văn hóa - thể thao các dân tộc vùng Đông bắc; bảo tồn, quảng bá, giới thiệu văn hóa truyền thống, kiến trúc đặc trưng, không gian văn hóa sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc thiếu số trên địa bàn tỉnh…