Người lao động nên cân nhắc kỹ việc xin hưởng BHXH một lần

Thứ tư, 12/09/2018 15:25
(ĐCSVN) – Nhiều ý kiến lo ngại về việc xu hướng người lao động nhận BHXH một lần tiếp tục gia tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động khi hết tuổi lao động

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trong tháng 8/2018, toàn ngành BHXH đã giải quyết cho 69.193 người hưởng trợ cấp 1 lần. Lũy kế 8 tháng đầu năm đã giải quyết 539.527 người hưởng trợ cấp 1 lần.

Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 8 ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho hay, tình trạng người lao động nhận BHXH một lần không giảm mà tiếp tục gia tăng, nhất là với nhóm người lao động sau độ tuổi 35. Hiện, tại các doanh nghiệp dệt may, da giày, do điều kiện lao động khắc nghiệt nên một mặt chính những công nhân sau 35 tuổi không còn điều kiện sức khoẻ để đáp ứng yêu cầu công việc đã tự động rút khỏi thị trường lao động.

Ảnh minh họa. Nguồn: TL.

Mặt khác, chính chủ sử dụng lao động tại các doanh nghiệp này cũng tìm mọi cách để đào thải lao động ở độ tuổi này để giảm chi phí lương, BHXH. Thậm chí, chủ sử dụng còn đưa ra các hình thức hỗ trợ, khuyến khích lao động độ tuổi này “tự nguyện” rút khỏi thị trường lao động.

Ông Lê Đình Quảng dẫn chứng Trung tâm việc làm Hà Nội cho thấy có trên 90%, tương đương với 10.000 lao động nhận trợ cấp thất nghiệp là có độ tuổi trên 35.

Đáng chú ý, theo ông Quảng, đầu năm 2018, trong số hơn 85.000 lao động nhận BHXH 1 lần thì phần lớn là lao động trên 35 tuổi.

“ Thực tế, nhóm lao động ở diện này khi ra khỏi thị trường lao động, họ không có cơ hội quay lại thị trường lao động nên đa phần phải lựa chọn nhận BHXH một lần”, ông Quảng nói

Để hạn chế tình trạng này, ông Lê Đình Quảng khuyến nghị, các cấp, ngành cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động, BHXH; đặc biệt, cần tăng cường công tác truyền thông để người lao động biết được lợi ích ưu việt của việc tham gia BHXH để nhận lương hưu khi về già. Đồng thời, các bộ, ngành liên quan cần phải nghiên cứu, tăng cường đào tạo nghề, chuyển hướng nghề nghiệp cho nhóm người lao động  sau 35 tuổi có khả năng bị đào thải khỏi thị trường lao động này tiếp tục có cơ hội việc làm thích hợp.

Theo Phó ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam Đỗ Ngọc Thọ, người lao động cần ý thức rằng thời gian đóng BHXH chính là thành quả của quá trình lao động, là một khoản tích lũy của bản thân. Lương hưu (bao gồm cả BHYT) chính là “của để dành”, “cứu cánh” cho cuộc sống khi về già, do đó người lao động cần cân nhắc, tính toán kỹ sẽ hưởng BHXH một lần hay tiếp tục tham gia BHXH.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cũng nhấn mạnh, mục tiêu của chính sách BHXH là BHXH toàn dân; quỹ BHXH được xây dựng từ sự đóng góp của người lao động cùng người sử dụng lao động nhằm đảm bảo an sinh lâu dài cho người lao động.

Theo đó, không có lý do gì khi còn trẻ, còn sức lao động, còn cơ hội lao động để trang trải cuộc sống lại nhận BHXH một lần - tiêu trước phần để dành cho lúc ốm đau, bệnh tật, không còn sức lao động khi về già.

Vì vậy, người lao động cần cân nhắc kỹ quyền lợi của mình bởi khi ở lại hệ thống BHXH lâu hơn thì sẽ được hưởng quyền lợi tốt hơn.

Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXh đề ra nhiệm vụ, giải pháp: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng; cải cách hệ thống chính sách theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng chế độ hưu trí, chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần, tăng tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế của người lao động; điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH…

Những cải cách này được kỳ vọng sẽ là động lực để tăng diện bao phủ BHXH hiệu quả hơn; và giảm số người hưởng BHXH một lần…/.

Tâm An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực