Ngày 24/12, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước nhằm nắm bắt việc thực hiện chủ trương đảm bảo phát triển đồng đều, bình đẳng trong giáo dục giữa các vùng miền; trao đổi một số quan điểm, chủ trương, giải pháp, các nhiệm vụ lớn của ngành giáo dục và lắng nghe nhu cầu của giáo dục địa phương.
Cùng chung khó khăn với giáo dục cả nước, ngành Giáo dục Bình Phước đã trải qua 2 năm thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, với các phương án chủ động, linh hoạt, các trường học đã có giải pháp dạy và học phù hợp; đồng thời triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông mới trong 2 năm đầu tiên.
Mặc dù vậy, so với yêu cầu đặt ra của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục Bình Phước còn nhiều khó khăn. Đó là, cơ sở vật chất trường lớp, đặc biệt ở những địa bàn vùng đồng bào dân tộc còn thiếu thốn; chất lượng giáo dục còn có sự chênh lệch giữa các địa bàn; chưa có nhiều giải pháp, biện pháp mang tính “đột phá” trong nâng cao chất lượng giáo dục cả đại trà lẫn mũi nhọn; đội ngũ giáo viên còn thiếu khoảng gần 2.000 biên chế, chất lượng đội ngũ không đồng đều và còn ở mức thấp…
|
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TT. |
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, để thúc đẩy giáo dục Bình Phước phát triển trong giai đoạn tới, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đề nghị Bộ GD&ĐT hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của tỉnh, bởi hiện nay Bình Phước đang thiếu hụt trầm trọng nhân lực trình độ cao.
Tỉnh cũng mong muốn Bộ GD&ĐT hỗ trợ thực hiện xã hội hóa giáo dục; phát triển một số trường phổ thông tiêu chuẩn cao; dạy nghề và đào tạo cao đẳng; triển khai khoa học, phù hợp với thực tiễn địa phương công tác phân luồng, hướng nghiệp, qua đó, phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chúc mừng tỉnh Bình Phước đã đạt được những kết quả ấn tượng về kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu kép trong năm 2021: vừa phát triển kinh tế, xã hội, vừa ứng phó tốt với dịch bệnh.
Bộ trưởng cũng cảm ơn lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã quan tâm đến công tác giáo dục. Dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã quan tâm, quyết tâm phát triển giáo dục hướng tới phát triển bền vững địa phương. Sự quan tâm, quyết tâm này được thể hiện qua một số hoạt động cụ thể như: Triển khai sớm mô hình trường học thông minh; phát triển các trường dạy toán và các môn Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh; tham gia tích cực đề án ngoại ngữ quốc gia.
Bên cạnh những việc đã làm được, theo Bộ trưởng, tỉnh Bình Phước còn nhiều việc cần tập trung triển khai thời gian tới. Trong đó, trước mắt năm 2022, ngành Giáo dục cần tiếp tục triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm học trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp.
Hiện nay, các địa phương, trong đó có Bình Phước đang triển khai các giải pháp để mở cửa trường học an toàn. Vì vậy, ngay khi học sinh đến trường, Sở GD&ĐT cần lưu ý có kế hoạch củng cố kiến thức, kỹ năng cho các cháu; việc bù đắp thiếu hụt kiến thức, kỹ năng phải xem là ưu tiên hàng đầu.
Tỉnh Bình Phước cũng cần tiếp tục củng cố hệ thống dạy học trên nền tảng số. Đây không phải hoạt động chỉ ứng phó với dịch mà còn là giải pháp lâu dài nên cần tập trung thực hiện có chiều sâu theo xu hướng chuyển đổi số và phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Để khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho dạy và học, Bộ trưởng cho rằng, tỉnh có thể huy động nguồn lực từ nhiều phía gồm ngân sách của tỉnh, các chương trình mục tiêu quốc gia,… Bình Phước hiện là một trong những địa phương có chỉ số kiên số hóa trường học thấp, vì vậy, trong Nghị quyết của tỉnh, cần đưa ra chỉ tiêu cho chỉ số này để tập trung triển khai thực hiện, từ đó nâng cao chỉ lệ kiên cố hóa trường học.
Bộ trưởng cho biết thêm, trong chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ GD&ĐT sẽ chú ý đến nội dung kiên cố hóa trường học, đặc biệt là trường học cho đồng bào dân tộc.
Để giải bài toán thừa thiếu giáo viên, bên cạnh chỉ tiêu cho phép, Bộ trưởng gợi mở địa phương triển khai đa dạng các giải pháp, trong đó có thể tính đến giải pháp xã hội hóa đối với các môn như ngoại ngữ, tin học, thông qua việc ký hợp đồng với doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ trong thiết kế bài giảng elearning, mô hình dạy học trực tuyến,…
Cũng tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trao tặng 30 suất học bổng học sinh nghèo hiếu học tới Trường THPT chuyên Quang Trung và Trường THPT chuyên Bình Long; trao tặng thiết bị phục vụ công tác giảng dạy học tập tới Trường PT DTNT THPT tỉnh; Trường PT DTNT THCS&THPT Bù Gia Mập, và Trường PTDTNT THCS&THPT Điểu Ong./.