Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường

Thứ ba, 07/11/2023 18:04
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, tính đến ngày 5/11, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, liên quan đến 2.016 học sinh, trong số đó có 854 học sinh nữ. Theo Bộ trưởng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường.

Chiều 7/11, Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: QH 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn tiếp tục sử dụng trong năm tới

Chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, đại biểu Lý Tiết Hạnh (tỉnh Bình Định) nêu ý kiến, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, kiến thức phổ thông cơ bản được trang bị đến hết bậc THCS.

THCS là dấu mốc quan trọng để tiếp tục thực hiện phân luồng học sinh. Tuy nhiên, hiện nay, khi kết thúc chương trình THCS, học sinh không thi tốt nghiệp mà xét tốt nghiệp; trong đó khi kết thúc THPT thì lại thi tốt nghiệp.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh đặt câu hỏi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có cần thay đổi lại việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THCS kết hợp với xét tuyển vào lớp 10 và xét tốt nghiệp THPT không?

Cũng theo đại biểu, vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có gặp gỡ, trao đổi với khoảng 1 triệu giáo viên và đã nhận được trên 6.000 câu hỏi. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, những trăn trở, vướng mắc lớn nhất của đội ngũ giáo viên hiện nay? Đồng thời cho biết kế hoạch để giải quyết những vấn đề đó?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng cho biết, ngày 15/8 vừa qua, trước thềm năm học, Bộ GD&ĐT có tổ chức gặp gỡ, trao đổi trực tuyến với hơn 1 triệu giáo viên. Tại cuộc gặp gỡ, có hơn 6.300 câu hỏi, ý kiến của nhà giáo đã được gửi đến, bày tỏ sự đồng tình với xu hướng đổi mới giáo dục đào tạo do Đảng, Quốc hội, Chính phủ đang dẫn dắt.

Theo Bộ trưởng, dù công tác đổi mới giáo dục đang gặp nhiều khó khăn, song đây cũng là vinh dự lớn nên các thầy, cô giáo đều thể hiện quyết tâm vượt qua. Bên cạnh đó, các nhà giáo cũng bày tỏ tâm tư khi đối diện với thách thức lớn, đời sống và các điều kiện của nhà giáo còn hạn chế, khó khăn, nhất là giáo viên trẻ, mới vào nghề.

Nhiều giáo viên gặp khó khăn về mức lương. Giáo viên ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện cơ sở vật chất hạn chế. Các giáo viên mong muốn xã hội, phụ huynh có thêm sự chia sẻ với công việc lớn mà giáo viên đang làm, đồng thời cần có sự cải thiện về mức lương, điều kiện sống.

Đối với cơ cấu của các kỳ thi trong chương trình giáo dục phổ thông, Bộ trưởng cho biết, theo thiết kế chương trình, cấp THCS là giáo dục cơ bản nền, tảng tích hợp để trang bị những kiến thức cơ bản nhất của giáo dục phổ thông.

Lên đến cấp THPT sẽ tăng cường yếu tố phân luồng hướng nghiệp, tăng sự chủ động lựa chọn cho học sinh. Việc tổ chức dạy học tích hợp cũng như trang bị kiến thức ở trung học cơ sở đảm bảo cơ bản và nền tảng cũng đã được triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, nếu trong 12 năm phổ thông nếu có quá nhiều kỳ thi thì sẽ quá nặng cho học sinh. Dư luận xã hội, phụ huynh và ngành giáo dục đều nhận thức sự cần thiết phải giảm các kỳ thi khi kết thúc THCS để chuyển sang THPT.

Kết thúc THPT, dù là giai đoạn phân luồng hướng nghiệp, nhưng vẫn trong phạm vi giáo dục phổ thông. Kết thúc 12 năm giáo dục phổ thông, cần thiết có một kỳ thi tốt nghiệp, điều này đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục 2019.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ nhằm mục đích đánh giá kết quả học tập của học sinh, mà còn là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học xét tuyển. Với mục đích, ý nghĩa như vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn tiếp tục sử dụng trong năm tới.

 Bạo lực học đường diễn biến khá phức tạp

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Vương Quốc Thắng (tỉnh Quảng Nam) cho biết, trong Báo cáo số 508 ngày 03/10/2023 của Chính phủ gửi đến các đại biểu Quốc hội đánh giá việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tại trang 54 có tự đánh giá tình trạng bạo lực học đường diễn ra phức tạp. Vậy theo Bộ trưởng, có những nguyên nhân nào gây ra tình trạng này và hướng khắc phục thật căn cơ của Bộ trong thời gian tới như thế nào?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, tính đến ngày 5/11, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, liên quan đến 2.016 học sinh, trong số đó có 854 học sinh nữ. Có thể nói, diễn biến của bạo lực học đường khá phức tạp.

 Theo Bộ trưởng, bình quân khoảng 50 cơ sở giáo dục thì có xảy ra một vụ bạo lực học đường. Đáng ngại, số học sinh nữ tham gia nhiều hơn, cũng là nguyên nhân khiến ngành giáo dục quan tâm, lo lắng và tìm mọi cách để xử lý vấn đề này.

 Về nguyên nhân, theo Bộ trưởng, có nguyên nhân từ phía ngành giáo dục, khi việc xác nhận và xử lý những cái tình huống bạo lực vẫn đang giao cho giáo viên kiêm nhiệm. Tại các trường, việc tư vấn tâm lý hay xử lý đều giao cho giáo viên. Tuy nhiên, khi phát hiện bạo lực học đường, vẫn còn lúng túng về thực hiện các kỹ năng xử lý. Nguyên nhân khác, dịch bệnh kéo dài, học sinh học online lâu đã ảnh hưởng đến tâm lý. Bên cạnh đó, những vấn đề về tâm lý, lứa tuổi, tâm sinh lý tuổi đang trưởng thành cũng là yếu tố ảnh hưởng.

Theo Bộ trưởng, những ảnh hưởng của mạng xã hội, phim ảnh, đặc biệt là những bộ phim bạo lực được giới trẻ quan tâm, cũng là nguyên nhân. “Tôi mong các ngành có liên quan hỗ trợ, cùng với ngành giáo dục giải quyết những vấn đề này”./.

Khôi Nguyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực