Ngày 14/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, cùng lãnh đạo một số Vụ, Cục đã làm việc trực tuyến với Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh về đổi mới sách giáo khoa, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT).
Tại buổi làm việc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh Cao Anh Tuấn cho biết: Xác định vai trò đầu tàu trong việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường đã chú trọng đến công tác bồi dưỡng nội bộ nhằm tạo đội ngũ nòng cốt để thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục.
Nhà trường đã cử nhiều lượt cán bộ, giảng viên tham gia các hội thảo, tập huấn do Bộ GDĐT tổ chức liên quan đến xây dựng, triển khai chương trình sách giáo khoa và giáo dục phổ thông mới. Từ năm 2018 đến hết năm 2022, trường đã thực hiện 67 đề tài cấp Bộ và các cấp khác liên quan đến việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
|
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: TT |
Trường cũng đã tổ chức nhiều đợt tập huấn nội bộ cho giảng viên, bao gồm cả giáo viên của Trường Trung học Thực hành Đại học Sư phạm về chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trường đã ban hành các kế hoạch tổ chức Hội thảo - Tập huấn giảng viên sư phạm chủ chốt triển khai các modul bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán và đại trà ngay khi nhận được tài liệu chuyển giao từ Bộ. Kết quả tổng hợp bồi dưỡng giảng viên của trường có khoảng gần 1.000 lượt giảng viên tham gia đối với các mô đun từ 1 đến 9.
Sau khi chương trình giáo dục phổ thông được ban hành, Trường đã tiếp tục tạo điều kiện cho nhiều cán bộ, giảng viên tham gia viết các bộ sách giáo khoa. Trong đó, nhiều cán bộ, giảng viên của trường đóng vai trò chủ chốt như tổng chủ biên, chủ biên nhiều bộ sách giáo khoa, đóng vai trò quan trọng trong việc cho ra đời các bộ sách giáo khoa chất lượng phục vụ việc đổi mới giáo dục của cả nước.
Chú trọng đổi mới công tác quản trị trường học theo hướng tăng tính chủ động
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Bảo Quốc cho hay: Trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân Thành phố (UBND) đã kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể từng nội dung, từng giai đoạn triển khai thực hiện Nghị quyết 88, Nghị quyết 51, phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cơ bản phù hợp với mục tiêu, yêu cầu về đổi mới, cụ thể hóa mục tiêu giáo dục phổ thông, phù hợp khả năng tiếp thu của học sinh, giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống. Các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của các nhà trường, tổ chức dạy học linh hoạt theo Khung kế hoạch thời gian năm học hàng năm theo Quyết định mà Bộ GD&ĐT và UBND Thành phố ban hành.
Các cơ sở giáo dục chủ động đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp học theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất của người học. Nhà trường tổ chức tốt các hoạt động, mô hình giáo dục sáng tạo, lồng ghép định hướng nghề nghiệp, triển khai giáo dục STEM hướng đến việc đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giáo dục đào tạo.
Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cũng chú trọng đổi mới công tác quản trị trường học theo hướng tăng tính chủ động, sáng tạo của cơ sở giáo dục, giáo viên, coi trọng việc tạo động lực cho người dạy và người học; chủ động tham gia quá trình kiểm định chất lượng, sử dụng kết quả tự đánh giá và kiểm định để cải tiến chất lượng nhà trường; thực hiện đổi mới công tác quản lý gắn với chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo; giao quyền tự chủ cho nhà trường và giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch nhà trường, phát triển chương trình giáo dục.
Ngành giáo dục cũng đã quan tâm, đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục. Công tác quản lý, chỉ đạo của đội ngũ cán bộ quản lý đi vào thực chất, lấy mức độ hoàn thành nhiệm vụ và hiệu quả công việc làm tiêu chí đánh giá chính.
Sở GD&ĐT tham mưu UBND Thành phố ban hành kế hoạch biên soạn, thẩm định và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương ở các cấp học với nội dung giáo dục địa phương tuân thủ các quy định nêu trong chương trình tổng thể, chú ý đến đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hóa, dân cư của thành phố, được thiết kế theo hướng mở để phù hợp với điều kiện địa phương, khả năng của giáo viên và các đối tượng học sinh khác nhau.
Phát huy sự chủ động, sáng tạo của cả giáo viên và học sinh
Tại buổi làm việc, đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ GDĐT đã góp ý, trao đổi, nêu các đề xuất, giải pháp tháo gỡ khó khăn liên quan đến các vấn đề như triển khai các môn học tích hợp, các môn học mới của chương trình GDPT 2018; tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các nhà trường; kinh phí ngành giáo dục tại địa phương.
Đánh giá cao sự chủ động, tích cực đổi mới theo đúng yêu cầu của chương trình, đặc biệt là sự chủ động đến với từng giáo viên, từng người học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD&ĐT đã có cả lộ trình xây dựng chương trình rất bài bản, quy củ, đã ban hành các văn bản chuẩn bị cho việc đổi mới sách giáo khoa và chương trình phổ thông ngay trong khi đang thực hiện chương trình hiện hành. Điều này có nghĩa là đổi mới chương trình hoàn toàn có sự chuẩn bị, sự chủ động cao, đội ngũ quản lý, giáo viên không quá bỡ ngỡ, lúng túng.
Thứ trưởng nhận định: Đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo đã thay đổi nhận thức, phát huy vai trò, năng lực, sự chủ động, sáng tạo của cả giáo viên và học sinh, xóa bỏ định nghĩa giáo dục là “viên phấn, bảng đen” như trước đây. Từ đó, phải lan tỏa được những điểm mới, những thành quả đạt được bước đầu của chương trình để xã hội có cái nhìn tích cực, hiểu rõ hơn về chương trình./.