Chuyển đổi số trong giáo dục ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Thứ năm, 04/11/2021 23:36
(ĐCSVN)- Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề của một tổ chức, một cá nhân hay một trường học, mà đã trở thành vấn đề toàn cầu. Do đó, giáo dục và đào tạo không thể nằm ngoài quy luật chuyển đổi để kịp thời nắm bắt những thành tựu của khoa học kỹ thuật, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao chất lượng dạy và học.

Ngày 4/11, Học viện Quản lý Giáo dục, Bộ GD&ĐT phối hợp với Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Chuyển đổi số trong giáo dục ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với hơn 200 điểm cầu tham dự là các chuyên gia giáo dục trong nước và quốc tế cùng các nhà quản lý giáo dục, các trường học tham dự.

 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TL

Trong khuôn khổ của hội thảo các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tập trung vào ba nhóm vấn đề liên quan đến thực trạng và giải pháp để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo ở Việt Nam gồm: Ứng dụng cấu trúc chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; Chuyển đổi số trong dạy học giáo dục (số hóa học liệu, bài giảng điện tử…); Mô hình và giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.

Theo thống kê, hiện nay cả nước có gần 1,4 triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, do đó, để thực hiện được chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo là một thách thức khổng lồ. Để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo ở nước ta một cách thực chất thì cần một hệ thống giải pháp đồng bộ và sự thay đổi tư duy của các cấp lãnh đạo, quản lý giáo dục đến từng thầy giáo, cô giáo, giảng viên và học sinh, sinh viên.

Trong giai đoạn hiện nay khi giáo dục Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc bồi dưỡng giáo viên cũng đang được Bộ GD&ĐT áp dụng công nghệ thông tin, thành tựu của chuyển đổi số để thực hiện, mang lại hiệu quả và tiết kiệm được chi phí, thời gian bồi dưỡng.

Nếu như trước đây, tài liệu bồi dưỡng được in trên giấy, gây khó khăn cho việc nghiên cứu thì nay các tài liệu, học liệu bồi dưỡng này được số hóa và lưu trữ trên các không gian ảo. Hệ thống này sẽ được truy cập không giới hạn các khoá học. Tài liệu hướng dẫn mọi lúc, mọi nơi dành cho tất cả giáo viên. Các lớp bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán được tổ chức theo phương thức trực tuyến kết hợp với trực tiếp thông qua lớp học ảo.

Các ý kiến tại hội thảo khẳng định, chuyển đổi số không chỉ là vấn đề của một tổ chức, một cá nhân hay một trường học, mà đã trở thành vấn đề toàn cầu. Do đó, giáo dục và đào tạo không thể nằm ngoài quy luật chuyển đổi để kịp thời nắm bắt những thành tựu của khoa học kỹ thuật, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao chất lượng dạy và học.

Một số ý kiến cho rằng, vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo cần một nhận thức xuyên suốt và toàn diện. Thực chất trong quá trình vừa qua, chuyển đổi số đã được quan tâm thực hiện, nhất là dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, việc áp dụng công nghệ thông tin trong dạy và học đã có những chuyển biến to lớn. Bộ GD&ĐT cũng có nhiều văn bản, hướng dẫn để áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ trong dạy và học./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực