|
Bảng xếp hạng các trường ĐH của Việt Nam theo VNUR. |
Theo đó, vị trí số 1 thuộc về ĐHQG Hà Nội với 100 điểm. Tiếp đến là ĐHQG TP Hồ Chí Minh với 95 điểm. Những cái tên tiếp theo trong top 10 là: Trường ĐH Tôn Đức Thắng (89,8 điểm), ĐH Bách khoa Hà Nội (86,9 điểm), Trường ĐH Duy Tân (79,7 điểm), Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh (70,1 điểm), Trường ĐH Cần Thơ (69,2 điểm), Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (68,2 điểm), ĐH Đà Nẵng (67,9 điểm), ĐH Huế (67,5 điểm).
Bảng xếp hạng này ra đời sau hơn 2 năm nhóm nghiên cứu làm việc trong khuôn khổ hoạt động của một tổ chức phi lợi nhuận.
Bảng xếp hạng đại học đánh giá với tổng điểm 100 chia cho 6 tiêu chuẩn và 17 tiêu chí quan trọng, đảm bảo được sự đối sánh toàn diện và cân bằng nhất.
Trong 6 tiêu chuẩn dùng để xếp hạng gồm: Chất lượng được công nhận (30%), Dạy học (25%), Công bố bài báo khoa học (20%), Nhiệm vụ khoa học công nghệ và Sáng chế (10%), Chất lượng người học (10%), Cơ sở vật chất (5%).
Thành viên chủ chốt của VNUR - ThS. Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) - cho biết: VNUR dựa vào các tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp với thực tiễn, cũng như định hướng về chuẩn mực và chất lượng của giáo dục ĐH Việt Nam, các nguyên tắc xếp hạng quốc tế.
Cụ thể, VNUR tiến hành việc xếp hạng các trường ĐH thông qua thu thập, xử lý số liệu theo 6 tiêu chuẩn, bao gồm 17 tiêu chí quan trọng, bảo đảm đối sánh toàn diện và cân bằng nhất. Ngoài thông tin về xếp hạng chung, người đọc có thể tham khảo các khía cạnh xếp hạng trường ĐH theo loại hình công lập hoặc tư thục, theo vùng/miền, theo tỉnh/thành, theo khối ngành và theo từng tiêu chuẩn.
VNUR sẽ giúp học sinh phổ thông, phụ huynh học sinh có những thông tin thân thiện, dễ hiểu, đáng tin cậy về các trường ĐH Việt Nam; từ đó có thể chọn trường phù hợp để theo học. Đây cũng là một trong những công cụ đánh giá mà các doanh nghiệp, các trường ĐH trong và ngoài nước có thể sử dụng để lựa chọn trường liên kết và hợp tác.
Một mục đích khác của VNUR là giúp sinh viên ĐH có thông tin chính xác để cân nhắc việc điều chỉnh ngành nghề học tập; nếu cần thiết thì lựa chọn lại trường cho phù hợp hơn với năng lực, điều kiện của cá nhân. Giúp các giảng viên tìm các vị trí giảng dạy cụ thể hoặc đưa ra quyết định hợp tác với trường ĐH.
Lãnh đạo các trường ĐH có thể dùng VNUR để đánh giá mức độ cạnh tranh của mình với các trường ĐH khác trong nước, từ đó đưa ra các quyết định quản lý phù hợp để cải thiện toàn diện tính cạnh tranh của trường; đồng thời có thể là công cụ giúp các nhà quản lý giáo dục ĐH Việt Nam đánh giá, định hướng phát triển cho hệ thống này./.