Đổi mới giáo dục cần bình tĩnh, tự tin, làm tốt từng việc

Thứ năm, 09/02/2023 06:15
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN)- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, chỉ khi chính quyền địa phương vào cuộc thực sự thì những khó khăn như thừa thiếu giáo viên, tuyển dụng giáo viên, cơ sở vật chất, hỗ trợ chuyên môn cho đội ngũ… mới giải quyết được.

Chiều 8/2, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại quận Đống Đa, Hà Nội.

Trưởng đoàn giám sát là bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Trong các thành viên đoàn giám sát có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Tại đây, Đoàn đã tới kiểm tra tại Trường THCS Bế Văn Đàn và làm việc với UBND quận Đống Đa.

Đoàn giám sát thăm lớp học, trò chuyện với học sinh Trường THCS Bế Văn Đàn. Ảnh: TT

“Cơ hội để giáo viên thay đổi, nhà trường thay đổi”

Báo cáo Đoàn giám sát về quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Trường THCS Bế Văn Đàn, bà Đào Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Triển khai Chương trình, nhà trường đã thực hiện đầy đủ các văn bản chỉ đạo của các cấp, truyền thông tới đội ngũ giáo viên, phụ huynh, học sinh tại địa phương. Nhà trường đã chú trọng phát huy năng lực tự học, sáng tạo của mỗi giáo viên và tổ chuyên môn trong thực hiện chương trình mới. Các điều kiện bảo đảm về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất cơ bản đầy đủ, đáp ứng yêu cầu.

Năm học 2022-2023, Trường THCS Bế Văn Đàn có 1.776 học sinh, với 20 lớp đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6 và lớp 7. Đội ngũ giáo viên của trường hiện có 87 người. “Mọi cán bộ giáo viên của trường đều thấm nhuần tư tưởng, nắm bắt được tinh thần của chương trình mới”. Trao đổi điều này, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Thời điểm mới bắt đầu có nhiều lo lắng, không biết giáo viên có đáp ứng được chương trình hay không, song với sự quan tâm của nhà trường, sự nỗ lực của mỗi thầy cô giáo, đội ngũ của nhà trường đã có sự đổi mới rất lớn.

Lấy ví dụ về đội ngũ giáo viên dạy môn tích hợp Khoa học Tự nhiên, bà Đào Thị Hồng Hạnh cho biết: Theo chương trình 2006 nhà trường có 3 giáo viên dạy môn Hoá học, 6 giáo viên dạy môn Sinh học, 3 giáo viên dạy môn Vật lý. Năm học 2021-2022 khi triển khai ở lớp 6, các giáo viên được phân công dạy theo mạch kiến thức từng chuyên môn thầy cô được đào tạo nhưng sau khi nhà trường chủ động cho thấy cô đi tập huấn, bồi dưỡng chứng chỉ, đến năm học 2022-2023 triển khai ở lớp 7, toàn bộ 12 giáo viên đã đảm nhiệm được trọn vẹn môn Khoa học Tự nhiên.

Về cơ sở vật chất, ngoài khối phòng học, Trường THCS Bế Văn Đàn hiện có 9 phòng chức năng phục vụ cho việc giảng dạy, bên cạnh đó còn có khối phụ trợ, qua đó đáp ứng được yêu cầu. Nhà trường tận dụng tối đa các thiết bị dạy học của chương trình 2006 đưa vào sử dụng phù hợp chương trình mới. Ngoài ra, giáo viên cũng tích cực việc tự làm thiết bị dạy học và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

“Đổi mới là một quá trình, luôn đi kèm với khó khăn, thách thức nhưng đó lại là cơ hội để giáo viên thay đổi, nhà trường thay đổi, nỗ lực làm mới mình. Động lực của đổi mới là học sinh được thụ hưởng, do đó chúng tôi hoàn toàn tin tưởng sẽ có một thế hệ học trò phát triển toàn diện”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bế Văn Đàn chia sẻ, đồng thời mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp để “thầy và trò nhà trường cán đích thành công”.

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi tại cuộc làm việc. Ảnh: TT

Đổi mới là quá trình, không thể trong một sớm, một chiều

Trao đổi tại cuộc làm việc với UBND quận Đống Đa, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao sự nghiêm túc trong công tác chuẩn bị cho hoạt động giám sát của quận, thông qua sự chuẩn bị có thể thấy được mức độ quan tâm tới giáo dục của địa phương.

Khẳng định quan điểm “không thể bàn lùi” trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ trưởng nhấn mạnh: Triển khai Chương trình là thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, thực hiện chương trình hành động của Chính phủ, kế hoạch của thành phố Hà Nội.... Chương trình đã có một quá trình lấy ý kiến từ nhiều phía, khảo sát xã hội rất lớn. Đây là một bản đại thiết kế, một kịch bản rất hệ trọng cho giáo dục. Trong quá trình tiến hành phải kịp thời nhận diện các vấn đề, nhất là triển khai trong tình hình mỗi địa phương một điều kiện. Làm sao để vừa tạo tiền đề cho nhóm có điều kiện phát triển, chú ý được số đông và hỗ được cho nhóm khó khăn.

Góp ý cho báo cáo gửi Đoàn giám sát của quận Đống Đa, Bộ trưởng đề nghị cần nêu thêm nội dung về nhận thức, tư tưởng, tinh thần, sự vào cuộc của các bên liên quan.  Trong đó, làm rõ việc các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đã nhận thức đến đâu về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và những việc cần làm. Từ cấp quận, phòng GDĐT, lãnh đạo các trường, giáo viên đã làm gì là đã làm đúng vai hay chưa? Đặc biệt là sự thấu hiểu về chương trình của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường.

Đề cập tới vai trò quan trọng của chính quyền địa phương, Bộ trưởng cho rằng, chỉ khi chính quyền địa phương vào cuộc thực sự thì những khó khăn như thừa thiếu giáo viên, tuyển dụng giáo viên, cơ sở vật chất, hỗ trợ chuyên môn cho đội ngũ… mới giải quyết được. Với quận Đống Đa, chính quyền đã vào cuộc tích cực, tuy nhiên cần tiếp tục vào cuộc tốt hơn nữa.

Bộ trưởng cũng yêu cầu làm rõ hơn trong báo cáo nhóm vấn đề về chuyên môn. Theo đó, dù việc triển khai vẫn đang trong quá trình thực hiện, chưa nhìn thấy kết quả song cần đánh giá đường từng chặng, từng bộ phận, làm rõ những việc đã làm tốt, những việc còn vướng mắc. Đặc biệt phải đánh giá được “phần lõi” là lực lượng nhà giáo, sự vào cuộc của đội ngũ, những thay đổi về kỹ năng, phương pháp của nhà giáo - khâu quyết định của đổi mới; cùng với đó là những thay đổi trong việc xây dựng kế hoạch nhà trường, quản trị trường học…

“Đổi mới là quá trình, không thể trong một sớm, một chiều. Quyết tâm triển khai cao nhưng cần hết sức bình tĩnh, tự tin, làm tốt từng việc. Những cái cơ bản, cốt lõi, không thể khác thì cần làm ngay, còn lại hoàn thiện dần và tăng cường kiến nghị”, Bộ trưởng chia sẻ.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội yêu cầu UBND quận Đống Đa tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đặc biệt là ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT để bổ sung, hoàn thiện báo cáo.

Để triển khai tốt hơn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong thời gian tới, bà Phạm Thị Thanh Mai đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm, tập trung truyền thông, tuyên truyền để xã hội, đặc biệt phụ huynh hiểu về chương trình mới, từ đó đồng hành với ngành Giáo dục, thầy cô, nhà trường.

Địa phương cũng cần đặc biệt quan tâm đến đội ngũ giáo viên, trong đó có việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, tập huấn giáo viên. Tiếp tục quan tâm mua sắm trang thiết bị dạy học, không để chậm hơn nữa. Quan tâm, rà soát, cập nhật bổ sung trong quỹ đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất để giải quyết bài toán về diện tích trường học./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực