Giám sát thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông tại tỉnh Bắc Kạn

Thứ sáu, 17/02/2023 10:34
(ĐCSVN) - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị, tỉnh Bắc Kạn bổ sung một phần đánh giá chuyển biến trong nhận thức, tư tưởng, sự thấu hiểu về Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt, báo cáo cần dự báo, nhìn nhận khách quan được tác động vĩ mô của chương trình tới giáo dục địa phương.

Ngày 16/2, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh nhằm giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại địa phương. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dự buổi làm việc của Đoàn giám sát.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng báo cáo tại buổi làm việc. (Ảnh: TT) 

Triển khai đi vào nề nếp nhưng còn thiếu điều kiện thực hiện

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết: Để triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, HĐND tỉnh đã ban hành các Nghị quyết về chính sách đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Các Nghị quyết được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh ủy Bắc Kạn cũng đã ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới và ban hành Nghị quyết về phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025. UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; chỉ đạo UBND huyện, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện, thành phố nhằm đảm bảo sự thống nhất, toàn diện sự tham gia của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện

Đánh giá việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ông Phạm Duy Hưng cho hay: Việc triển khai với các lớp theo lộ trình đã cơ bản đi vào nề nếp. Việc lựa chọn sách giáo khoa đúng quy trình, minh bạch; cung ứng sách giáo khoa cơ bản đáp ứng nhu cầu. Giáo viên đã thực hiện tốt việc tự chủ chương trình, khai thác có hiệu quả sách giáo khoa, nguồn học liệu và các thiết bị, đồ dùng dạy học phù hợp; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh. Học sinh hoàn thành tốt các mục tiêu cần đạt theo quy định của chương trình, phát huy được các phẩm chất, năng lực trong quá trình học tập.

Các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục và kế hoạch bài dạy theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT; bố trí thời gian thực hiện chương trình đảm bảo tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh; linh hoạt trong tổ chức thực hiện dạy học các môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, quy định của chương trình. 

Việc tổ chức thực hiện dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp theo lộ trình được thực hiện nghiêm túc, có nề nếp, phù hợp với thực tiễn địa phương; học sinh hoàn thành tốt các mục tiêu cần đạt theo quy định của chương trình, phát huy được các phẩm chất, năng lực trong quá trình học tập.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại tỉnh Bắc Kạn còn gặp không ít khó khăn về các điều kiện thực hiện. Đội ngũ giáo viên hiện còn thiếu về số lượng, chưa đồng bộ về cơ cấu theo từng môn học, cấp học, vẫn còn một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019; đặc biệt là cấp tiểu học thiếu giáo viên dạy môn Tin học, Tiếng Anh đối với lớp 3. Bên cạnh đó, còn thiếu giáo viên ở một số môn học khác do chưa tuyển dụng đủ số lượng nên nhiều giáo viên vẫn phải dạy vượt định mức và phải sử dụng thêm đội ngũ giáo viên hợp đồng.

 Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: TT)

Về cơ sở vật chất, trong những năm qua, bằng nguồn vốn từ các chương trình, dự án của Trung ương, ngân sách địa phương, vận động xã hội hóa để đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học của các cấp học từng bước được cải thiện. Đến nay, tỷ lệ phòng học được kiên cố hoá mầm non đạt 65%, tiểu học đạt 53%, trung học đạt 81%.

Tuy nhiên, các phòng thư viện, phòng thí nghiệm, nhà công vụ, phòng học bộ môn, phòng họp, nhà ăn, ở bán trú, công trình vệ sinh, nước sạch, sân chơi, bãi tập, khuôn viên, tường rào của các cở sở giáo dục còn thiếu rất nhiều và chưa đồng bộ. Số phòng học bán kiên cố xuống cấp, hết niên hạn sử dụng ở bậc học mầm non, tiểu học còn chiếm tỷ lệ lớn (mầm non 35%, tiểu học 47%), nhiều trường phải sử dụng hoặc cải tạo phòng học làm phòng học bộ môn, phòng thiết bị, thư viện... nên không đảm bảo theo quy định

Tỉnh Bắc Kạn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh chính sách tiền lương đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cho phù hợp. Đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí cho tỉnh để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo lộ trình (xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị phục vụ dạy và học, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên...). Đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ không thực hiện cắt giảm biên chế giáo viên đối với ngành GD&ĐT, đồng thời nghiên cứu thực hiện tinh giản có xem xét tới yếu tố vùng, miền…

 Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

“Triển khai chương trình mới không phải để đạt thành tích mà để đạt đến những chỉ số phát triển của giáo dục”

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ sự cần thiết được tham gia làm việc cùng Đoàn giám sát của đại biểu Quốc hội các địa phương, những ý kiến được lắng nghe trực tiếp từ các địa phương sẽ hữu ích cho báo cáo của Bộ GD&ĐT với Đoàn giám sát của Quốc hội, cũng như quá trình chỉ đạo triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Với cuộc làm việc này, Bộ trưởng nhìn nhận, đã cho thấy nhiều việc, nhiều khía cạnh của bức tranh giáo dục tỉnh Bắc Kạn. Báo cáo và những trao đổi cho thấy sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo địa phương. Những ý kiến trao đổi của Đoàn giám sát mang lại nhiều thông tin sát thực về quá trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Từ thực tế triển khai thời gian qua, Bộ trưởng “đặt hàng” Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn có một báo cáo giám sát không chỉ dừng lại ở mục đích gửi về Văn phòng Quốc hội mà còn là góc nhìn về giáo dục của một tỉnh khó khăn hàng đầu cả nước. Theo Bộ trưởng, trong làm chính sách sẽ chú ý tới nhóm ở giữa - nhóm này chiếm số đông, không lấy nhóm khó khăn nhất hay thuận lợi nhất để làm chính sách, song từ chính sách cho số đông sẽ có kế hoạch hỗ trợ cho nhóm khó khăn và mở đường cho nhóm thuận lợi.

“Mong rằng báo cáo của tỉnh Bắc Kạn sẽ đóng góp cho cái chung, không chỉ cho một tỉnh mà còn là của một nhóm, qua đó thấy được những điểm cần tăng cường hỗ trợ, những điều chỉnh chính sách vĩ mô”, Bộ trưởng bày tỏ, đồng thời mong muốn tỉnh Bắc Kạn sẽ có báo cáo giám sát khách quan nhất, sát thực tế nhất, để có bức tranh đầy đủ, khách quan từ thực tế địa phương, bởi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang triển khai không phải để đạt thành tích mà để đạt đến những chỉ số phát triển của giáo dục.

Bộ trưởng đề nghị bổ sung vào báo cáo đánh giá cụ thể về những việc đã làm được, những việc còn vướng mắc; bổ sung một phần đánh giá chuyển biến trong nhận thức, tư tưởng, sự thấu hiểu về chương trình phổ thông; tăng cường đánh giá về chuyên môn của chương trình, việc đổi mới phương pháp dạy và học, tiếp nhận của học sinh… Đặc biệt, báo cáo cần dự báo, nhìn nhận khách quan được tác động vĩ mô của chương trình tới giáo dục địa phương.

Một quan điểm được Bộ trưởng mong muốn sẽ có trong báo cáo giám sát, đó là nhìn nhận chương trình mới đổi mới rất sâu, tốc độ nhanh, đòi hỏi cao, tính kế thừa chương trình cũ rất lớn, nên trong quá trình triển khai không thể nóng vội, đổi mới giáo dục không thể một sớm một chiều. Những gì cấp bách đặt ra phải làm ngay, những gì cần hoàn thiện từng bước. “Trong khó khăn có thuận lợi, trong thuận lợi có khó khăn. Còn một nửa chặng đường phía trước, cần tính toán bước đi phù hợp với nhóm khó khăn, để đạt đến mục tiêu nhưng phù hợp với điều kiện của địa phương”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cùng với mối quan tâm về báo cáo giám sát, Bộ trưởng cũng mong muốn đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn lên tiếng mạnh mẽ về việc cắt giảm biên chế trong ngành Giáo dục, nếu có cắt giảm phải tính đến đặc thù của địa phương. Cùng với đó, phải có một kế hoạch về kiên cố hóa trường lớp học và triển khai ráo riết với lộ trình cụ thể từng năm, vì Bắc Kạn hiện vẫn là địa phương thuộc nhóm có tỷ lệ trường học kiên cố thấp nhất cả nước. Đặc biệt, cần có chiến lược xây dựng lực lượng giáo viên, hỗ trợ nhà giáo vì đây là nhân tố quyết định.

Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần linh hoạt hơn nữa ở những nội dung thuộc thẩm quyền của tỉnh, trên tinh thần bám sát chỉ đạo của Trung ương. Quá trình thực hiện có khảo sát, đánh giá sơ bộ để rút kinh nghiệm cho triển khai ở các lớp sau.

Ông Hoàng Duy Chinh đồng thời đưa ra những lưu ý để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tốt hơn trong thời gian tới. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh tập trung hơn nữa cho công tác thông tin, truyền thông, để cấp ủy đảng, nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hiểu, chia sẻ, ủng hộ, quyết tâm triển khai đổi mới./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực