“Giáo dục Thủ đô phải hướng tới nền giáo dục thanh lịch”

Thứ ba, 12/11/2024 14:15
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Giáo dục Thủ đô cần hướng tới mục tiêu cao hơn yêu cầu chung cả nước, hướng tới giáo dưỡng, tạo nên những công dân Thủ đô thanh lịch, có tầm văn hóa, trách nhiệm xã hội và biết sống hạnh phúc cho mình và cho cộng đồng. Muốn vậy, nền giáo dục Thủ đô phải hướng tới là nền giáo dục thanh lịch”.

Sáng 12/11, tại Trung tâm hội nghị quốc gia, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GD&ĐT Thủ đô, 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lẵng hoa chúc mừng.

Dự buổi lễ, về phía thành phố Hà Nội có Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài; Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; cùng lãnh đạo các Sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, Quận ủy, Hội đồng nhân dân, UBND các quận, huyện, thị xã... Về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ; đại diện các cục, vụ, văn phòng, thanh tra Bộ.

Các đại biểu dự buổi Lễ. Ảnh: TL. 

Giáo dục Thủ đô phát triển mạnh mẽ về quy mô, chất lượng

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm ngành Giáo dục Thủ đô, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GD&ĐT Thủ đô và 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp đặc biệt để nhìn lại hành trình phát triển kể từ giai đoạn khởi đầu đầy gian khó, từng bước chuyển mình và đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ đến ngày thống nhất đất nước, mạnh mẽ, tự tin và vươn mình bứt phá trong giai đoạn đổi mới, hội nhập quốc tế.

Trong 70 năm qua, với sự nỗ lực xây dựng, đổi mới, sáng tạo không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, nhà giáo và cán bộ; bằng việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, ngành GD&ĐT Thủ đô đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, xứng tầm là trung tâm giáo dục lớn; nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô, đất nước.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương  báo cáo kết quả của ngành Giáo dục Hà Nội. Ảnh: TL. 

Trải qua 70 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Thành phố Hà Nội không những phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn trở thành trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu. Ngành GD&ĐT Thủ đô đã chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế với các nước trên thế giới, thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đem lại từ hợp tác quốc tế cho công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học; triển khai thực hiện công tác lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận thành phố Hà Nội là Thành phố học tập - trở thành thành viên mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu.

Khẳng định kỷ niệm 70 năm không chỉ là cột mốc kỷ niệm mà còn là cơ hội để khẳng định sứ mệnh và định hướng phát triển của giáo dục Hà Nội trong tương lai, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh: “Toàn ngành GD&ĐT Thủ đô hôm nay sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của lịch sử cách mạng Hà Nội và lịch sử truyền thống của ngành 70 năm qua, luôn ghi nhớ và quyết tâm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù có khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”, đem hết sức mình phục vụ, đất nước, phục vụ Nhân dân. Quyết tâm thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm phấn đấu phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong đó, lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực của sự phát triển; quan tâm đến vấn đề thời gian, trí tuệ, khát vọng, tiềm lực, hội nhập để đưa nền giáo dục, đào tạo ngang tầm, theo kịp các nước phát triển với tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”.

Phát huy nền giáo dục thanh lịch, văn minh của vùng đất Thăng Long – Hà Nội

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thay mặt Lãnh đạo ngành GD&ĐT gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới giáo dục Thủ đô Hà Nội bởi những kết quả và thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển thành công của đất nước, của Thủ đô và của ngành Giáo dục nói chung.

“Những thành quả của  giáo dục Thủ đô đạt được trong 70 năm qua sẽ là tiền đề quan trọng, tạo đà để ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục phát triển, vượt qua những thách thức mới, sứ mệnh mới để đáp ứng được nhu cầu phát triển của Thủ đô trong thời kỳ mới”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn  phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: TL.

Bộ trưởng cũng chỉ ra, giáo dục Thủ đô với tư cách là một đơn vị trụ cột của ngành Giáo dục cả nước cũng đang đối mặt với những thách thức và cơ hội chung của toàn ngành Giáo dục. Một trong những thách thức lớn, theo Bộ trưởng, là cần tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho một giai đoạn phát triển mới với nhiều yêu cầu mới của đất nước trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng, nhu cầu và yêu cầu nguồn nhân lực đa dạng, biến đổi không ngừng. Cùng với đó là rất nhiều thách thức trong triển khai các nhiệm vụ lớn của ngành Giáo dục. Ngoài ra, giáo dục Thủ đô còn phải đối mặt với những thách thức đặc thù như: Học sinh tập trung đông, phân bổ không đều và nhiều biến động, dẫn đến khó khăn trong việc phân tuyến, đáp ứng nhu cầu học tập lớn và tình trạng thiếu trường học công lập cục bộ tại một số khu vực. Việc thiếu không gian, việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp học ở một số quận nội thành, những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, các khu đô thị mới... còn nhiều khó khăn thách thức...

Nhấn mạnh đất nước ta đang trên đà phát triển, GD&ĐT đang không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng; trong thời đại mới, kế tục bề dày nghìn năm và truyền thống 70 năm thời hiện đại, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn giáo dục Thủ đô kế tục truyền thống, tiếp tục là mẫu mực và tiên phong cho giáo dục cả nước.

Theo Bộ trưởng, giáo dục hiện nay nhấn mạnh việc lấy phát triển toàn diện con người là trọng tâm, là mục tiêu. Trong sự phát triển toàn diện con người, giáo dục Thủ đô cần hướng tới mục tiêu cao hơn yêu cầu chung cả nước, hướng tới giáo dưỡng, tạo nên những công dân Thủ đô thanh lịch, có tầm văn hóa, trách nhiệm xã hội và biết sống hạnh phúc cho mình và cho cộng đồng.

Muốn vậy, nền giáo dục Thủ đô phải hướng tới là nền giáo dục thanh lịch. Trong đó, trường học là trường học thanh lịch, thầy cô và học sinh thanh lịch. Ở đó, trường học phải là nơi người học được đảm bảo an toàn, không có bạo lực học đường, không có nói tục chửi bậy, không có ép buộc học thêm. Ở đó, tệ nạn bị tránh xa và ở đó hiện hữu một môi trường học đường văn hóa tiêu biểu. Quan trọng nhất, ở đó, con người ứng xử với nhau bằng tình yêu thương và trách nhiệm.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Ảnh: TH.

Muốn có hệ thống giáo dục thanh lịch, Bộ trưởng cho rằng, cần triển khai tốt văn hóa giáo dục và giáo dục văn hóa. Sự thanh lịch của giáo dục hoàn toàn có thể dựng xây trên nền những thành quả tốt đẹp mà chúng ta đã và đang có.

Bộ trưởng đồng thời lưu ý, giáo dục Thủ đô cần tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết như: Giảm khoảng cách chênh lệch trong chất lượng giáo dục giữa các khu vực, các trường; giảm khoảng cách giữa kết quả giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà để học sinh ở khu vực nào, trường nào, lớp nào cũng được tiếp cận môi trường giáo dục và chất lượng giáo dục tốt nhất.

Giáo dục Thủ đô cũng cần giải quyết tốt hơn các mối quan hệ nhà trường và xã hội, nhà trường và địa phương, thầy cô và phụ huynh,... để tạo lập một môi trường giáo dục có lề lối ngay ngắn; ở đó chất lượng giáo dục được đảm bảo, sự tôn nghiêm của nghề giáo được xem trọng, thầy tiêu biểu, trò tiêu biểu. Chỉ có bằng một nền giáo dục thanh lịch, hướng tới chuẩn quốc tế, chúng ta mới có thể tạo dựng được những con người Thủ đô văn minh thanh lịch trong thời đại mới.

Vinh danh 56 nhà giáo vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”. Ảnh: TL.

Đứng trước giai đoạn phát triển mới, ngành Giáo dục Hà Nội cần phát huy tốt nhất những kết quả đã đạt được, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa phương pháp giảng dạy và công tác quản lý để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thay mặt lãnh đạo ngành GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi tới các thầy cô lời cảm ơn và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Đồng thời bày tỏ niềm tự hào sâu sắc về các thầy các cô và mong các cô các thầy luôn tìm thấy niềm vui trong công việc và luôn hạnh phúc với nghề nghiệp của mình.

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Nhân dịp này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã vinh danh 56 nhà giáo vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”.

Trải qua 70 năm phát triển, đến nay, ngành GD&ĐT Thủ đô có quy mô lớn nhất cả nước với 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp, gần 2,3 triệu học sinh và gần 130.000 giáo viên, 1 trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục, 29 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Trong đó, gần 80% trường công lập đạt chuẩn quốc gia, 23 trường chất lượng cao; 120 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố với gần 1 triệu sinh viên. Tính đến nay, toàn ngành có gần 130.000 giáo viên các cấp học, ngành học; 342 nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”... 

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực