Giúp sinh viên có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo sau tốt nghiệp

Thứ ba, 01/11/2022 16:37
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Mục tiêu quan trọng của Dự án quốc tế “Giám sát xu hướng việc làm của sinh viên tốt nghiệp Việt Nam” là tăng cường kết nối giữa sinh viên và nhà tuyển dụng nhằm giúp sinh viên có được việc làm và có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo sau tốt nghiệp.
 PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu khai mạc Hội thảo.

Ngày 31/10 và 1/11, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã diễn ra hội thảo “Chính sách dựa trên minh chứng và giáo dục đại học: Thực trạng, thách thức và cơ hội”. Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ dự án quốc tế “Giám sát xu hướng việc làm của sinh viên tốt nghiệp Việt Nam” (MOTIVE). Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến và sẽ diễn ra đến ngày 3/11.

Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italia tại Việt Nam Antonio Alessandro, Điều phối viên dự án, Hiệp hội các trường Đại học AlmaLaurea Dorel Nicolae Manitiu cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị và thành viên dự án trong Học viện cùng lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo một số trường Đại học.

Hội thảo là diễn đàn cho các chuyên gia trao đổi kết quả nghiên cứu về tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp và việc sử dụng kết quả này nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đồng thời làm cơ sở để xây dựng các chính sách giáo dục đại học. Việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp là một trong những chỉ số quan trọng về chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục. Tỷ lệ sinh viên có việc làm và tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo luôn là mối quan tâm hàng đầu của các cơ sở giáo dục.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italia tại Việt Nam Antonio Alessandro phát biểu tại Hội thảo. 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, để sinh viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo, các cơ sở giáo dục cần quan tâm ba giải pháp. Trong đó, bản thân chương trình đào tạo phải phù hợp với xu hướng của thị trường lao động. Chương trình phải cung cấp cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng cần thiết để hoàn thành các nhiệm vụ trong thực tế nghề nghiệp.

Đồng thời, cơ sở giáo dục cần tăng cường hoạt động hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp và kết nối sinh viên với nhà tuyển dụng. Ở tầm vĩ mô, các chính sách giáo dục cần dựa trên các minh chứng, thực tiễn cụ thể, đáp ứng các yêu cầu phát triển ngành, lĩnh vực và xu hướng phát triển của đất nước.

Toàn cảnh Hội thảo. 

Chia sẻ tại hội thảo, Đại sứ Italia tại Việt Nam Antonio Alessandro Đại sứ Italia tại Việt Nam đánh giá cao việc xây dựng và triển khai dự án Giám sát xu hướng việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp. Các kết quả của dự án mang tính thiết thực, phục vụ trực tiếp hoạt động đào tạo, hướng nghiệp và hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm. Đại sứ quán Italia tại Việt Nam khẳng định sẽ quan tâm thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam và Italia. Đại sứ quán Italia sẽ tiếp tục ủng hộ việc triển khai dự án MOTIVE và các dự án tương tự trong tương lai.

Tại hội thảo, đồng chí Bùi Tiến Dũng, đại diện Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, các trường đại học cần có những giải pháp để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên. Hoạt động hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cần được quan tâm. Các kết quả của dự án Giám sát xu hướng việc làm của sinh viên tốt nghiệp sẽ có giá trị tham khảo đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng các chính sách giáo dục...

Báo cáo tại hội thảo, TS. Vũ Thanh Vân, Trưởng ban Hợp tác quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, Dự án quốc tế “Giám sát xu hướng việc làm của sinh viên tốt nghiệp Việt Nam” nhằm nghiên cứu thực trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp tại Việt Nam; theo dõi, khảo sát xu hướng và quá trình thích ứng của sinh viên trong thị trường lao động và đưa ra khuyến nghị để đổi mới chính sách đào tạo đại học tại Việt Nam. Một trong những mục tiêu quan trọng của dự án này là tăng cường kết nối giữa sinh viên và nhà tuyển dụng nhằm giúp sinh viên có được việc làm và có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo sau tốt nghiệp. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp luôn là một trong những chỉ số quan trọng về chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục.

Dự án giám sát xu hướng việc làm của sinh viên Việt Nam sau tốt nghiệp (MOTIVE)

  1. Mục đích: Nghiên cứu thực trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp tại Việt Nam; theo dõi, khảo sát xu hướng và quá trình thích ứng của sinh viên trong thị trường lao động thông qua nền tảng trực tuyến và đưa ra khuyến nghị để đổi mới chính sách đào tạo đại học tại Việt Nam.
  2. Đối tượng nghiên cứu:  Đối tượng nghiên cứu chính của dự án là sinh viên tốt nghiệp trong vòng 2-3 năm và khả năng gia nhập vào thị trường lao động của sinh viên.
  3. Đối tượng thụ hưởng của dự án
  • Sinh viên/, sinh viên đã tốt nghiệp
  • Giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên
  • Các trường đại học Việt Nam tham gia thực hiện dự án
  • Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam

       5. Các hoạt động chính của Dự án

  • Chuyển giao và tăng cường năng lực sử dụng công cụ công nghệ thông tin
  • Thu thập và phân tích dữ liệu sinh viên tốt nghiệp
  • Sử dụng dữ liệu thu được định hướng chính sách và chất lượng giáo dục đại học
  • Thành lập Trung tâm theo dõi sinh viên tốt nghiệp quốc gia Việt Nam
Tin, ảnh: PC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực