Hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát về đổi mới giáo dục phổ thông

Thứ hai, 24/04/2023 22:22
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ GD&ĐT, các Bộ, ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện báo cáo, giải trình bổ sung gửi đến Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trước khi Đoàn làm việc với Chính phủ.

Ngày 24/4, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Bộ GD&ĐT; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc. Dự cuộc làm việc có Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các Phó Trưởng Đoàn giám sát: Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Trưởng Ban công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và các thành viên Đoàn giám sát.

 Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TT

Về cơ bản, các bộ sách giáo khoa mới đã đáp ứng được mục tiêu

Báo cáo một số vấn đề cần lưu ý qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Phó Trưởng Đoàn Giám sát cho biết: Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 đã được Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành Trung ương, 63 tỉnh, thành phố và toàn ngành giáo dục nỗ lực triển khai thực hiện, đạt được nhiều kết quả. Các mục tiêu, yêu cầu, nội dung, giải pháp, nhiệm vụ đề ra đã cơ bản được tổ chức thực hiện.

Bộ GD&ĐT đã chú trọng công tác tham mưu trình Chính phủ ban hành và trực tiếp ban hành hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, bao quát được cơ bản những vấn đề cốt lõi, cần thiết nhất bao gồm: việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới; việc chuẩn bị về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông; xây dựng Đề án và triển khai thực hiện công tác quán triệt, tuyên truyền về chủ trương đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sâu, rộng đến đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và các tầng lớp Nhân dân.

Bộ GD&ĐT đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức triển khai biên soạn sách giáo khoa để cụ thể hoá và đáp ứng các yêu cầu đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các yêu cầu cơ bản của Nghị quyết 88 về nội dung này đã được Bộ cụ thể hoá và hướng dẫn thực hiện, đã xây dựng được các bộ sách giáo khoa để triển khai Chương trình theo lộ trình quy định tại Nghị quyết 51 của Quốc hội. Về cơ bản, các bộ sách giáo khoa đã đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, hỗ trợ việc đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá học sinh theo năng lực, phẩm chất.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo do Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội trình bày cũng chỉ ra những vấn đề cần lưu ý về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và những nội dung đề nghị Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan bổ sung, giải trình, làm rõ.

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: TT

Các đánh giá cần quan tâm đến tác động toàn diện, nhiều mặt từ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn giám sát. Bộ trưởng nhìn nhận các ý kiến trao đổi cho thấy tinh thần trách nhiệm, sự thấu hiểu, chia sẻ với ngành Giáo dục. Như vậy, trong công cuộc đổi mới, ngành Giáo dục không đơn độc bởi có được sự quan tâm từ nhiều phía.

“Trong bối cảnh ứng phó với dịch bệnh, các quốc gia khác duy trì được hoạt động giáo dục bình thường đã là một cố gắng lớn. Nhưng chúng ta, một nước bắt đầu phát triển, vừa ứng phó với dịch bệnh, duy trì hoạt động giáo dục bình thường, lại vừa đổi mới một cách sâu sắc, toàn diện, triệt để - đó có thể nói là một thách thức với cả quốc gia, không chỉ thách thức với ngành Giáo dục”- Bộ trưởng nói.

Chia sẻ điều này, Bộ trưởng mong rằng, các đánh giá cần quan tâm đến tác động toàn diện, nhiều mặt từ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Mặt khác, Chương trình 2018 dù phân cấp, phân trách nhiệm giữa Bộ GD&ĐT, các địa phương, các chủ thể rất rõ ràng, song mức độ vào cuộc, mức độ tham gia và hoàn thành công việc còn rất khác nhau. Điều đó cũng ảnh hưởng đến chất lượng của quá trình triển khai, cần được đánh giá sâu.

Bộ trưởng cũng cho rằng, tại thời điểm này, khi triển khai giám sát, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang trong lộ trình triển khai thực hiện, nhiều thứ mới dừng ở mức độ dự đoán, bước đầu đánh giá, phải đến khi triển khai hết một chu trình mới có thể đánh giá được kết quả. Bởi đối với giáo dục và đối với con người, có những thứ nhìn thấy ngay, nhưng có những thứ - kể cả tích cực, tiêu cực - có khi một vài năm sau và lâu hơn nữa chúng ta mới đánh giá, mới nhìn thấy được.

Nên một chương trình, một bộ sách giáo khoa hay một chương trình, nhiều sách giáo khoa?

Về câu hỏi đặt ra "nên một chương trình một bộ sách giáo khoa hay một chương trình nhiều sách giáo khoa", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu cụ thể 4 góc nhìn về vấn đề này: từ chuyên môn, từ chính sách, từ thực tế và từ dư luận.

Từ góc độ chuyên môn, Bộ trưởng cho biết, ở thời điểm biên soạn và ban hành chương trình, giới chuyên môn đã bàn rất nhiều trước khi đưa ra quyết định. Với một số ý kiến còn khác nhau ở thời điểm hiện tại, Bộ trưởng khẳng định sẽ ghi nhận, tiếp thu và phân tích kỹ lưỡng để điều chỉnh ở một nhịp phù hợp; còn ở điểm đang triển khai, các ý kiến chuyên môn trực tiếp điều chỉnh ngay về chính sách sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện.

Từ góc độ chính sách, Bộ trưởng nhắc lại quá trình tính toán đề án của Chính phủ để đề xuất một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, tới yêu cầu trong Nghị quyết 88 về một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Bộ trưởng cũng đề cập tới một số phân tích trong đề án về một chương trình nhiều bộ sách như: Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa nhằm thống nhất triết lý về sự đổi mới là thống nhất trong đa dạng và đa dạng trong thống nhất; có nhiều bộ sách giáo khoa là phù hợp với thông lệ quốc tế; nhiều bộ sách phù hợp với mục tiêu đề cao tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động của nhà trường và hoạt động của giáo viên mà chương trình mới đặt ra…

“Nếu coi chương trình là chuẩn thống nhất, sách giáo khoa là học liệu thì học liệu đa dạng sẽ tốt hơn chỉ có một học liệu”, Bộ trưởng nói, đồng thời nhấn mạnh: Hiện nay việc đổi mới đang đi giữa chặng đường, nếu điều chỉnh chính sách quy mô lớn tại thời điểm chưa kết thúc quá trình có thể sẽ tạo nên khủng hoảng trong triển khai chính sách. “Ban hành chính sách cần đánh giá thấu đáo, điều chỉnh chính sách giữa chừng càng cần tính đến tác động, đặc biệt là tính đến thiệt hại từ tâm lý và sự ủng hộ của người dân với chính sách”.

Từ góc độ thực tiễn, theo Bộ trưởng, việc triển khai một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa sau những lúng túng, bỡ ngỡ vài năm đầu từ lựa chọn sách, sử dụng sách… đến nay đã tạm ổn định, địa phương đã chọn lựa nhiều bộ sách đưa vào giảng dạy, giáo viên đã quen với nhiều bộ sách. “Việc này bắt đầu thành một thói quen và dần thành bình thường. Nếu thay đổi lại sẽ làm thay đổi sự bình thường mà ngành Giáo dục đã hết sức cố gắng xác lập được trong mấy năm vừa qua”, Bộ trưởng chia sẻ.

Từ góc độ dư luận, Bộ trưởng cho rằng, đổi mới khó tránh khỏi áp lực, khó tránh khỏi những ý kiến băn khoăn. Tuy nhiên là những người đang thực hiện, ngành Giáo dục hết sức lắng nghe, xem xét thấu đáo với tinh thần cầu thị. Cũng theo Bộ trưởng, công tác thông tin, truyền thông, giải thích chưa được ngành Giáo dục làm tốt và đây sẽ là một trong những vấn đề được nêu trong báo cáo gửi Đoàn giám sát.

Một trong những kiến nghị được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập là kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ổn định chính sách trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bởi theo Bộ trưởng, đến năm 2025, khi kết thúc một chu trình, nếu có thay đổi có tính chất định hướng hoặc thay đổi lớn thì lúc đó sẽ xem xét thấu đáo. “Ổn định về mặt chính sách là hết sức quan trọng để chúng ta có thể hoàn thành được trách nhiệm trước Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân”, Bộ trưởng chia sẻ.

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận cuộc làm việc. Ảnh: TT

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là nhiệm vụ chính trị lớn

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn giám sát nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung báo cáo, giải trình của Bộ GD&ĐT và các Bộ liên quan. Các báo cáo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng với nhiều số liệu, nhận định, đánh giá cụ thể, phản ánh khá đầy đủ, toàn diện về các nội dung, từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện cho tới đổi mới nội dung chương trình, đổi mới phương pháp giáo dục, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; từ việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt và phát hành sách giáo khoa cho tới việc chuẩn bị các điều kiện triển khai về đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng theo yêu cầu đổi mới. Nội dung báo cáo, giải trình nhìn chung đáp ứng yêu cầu đặt ra của Đoàn giám sát.

Trưởng Đoàn giám sát đánh giá: Việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 là nhiệm vụ lớn có tính chất quan trọng nhưng được bắt đầu triển khai trong bối cảnh hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là Bộ GD&ĐT cùng với sự nỗ lực, chủ động và sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục từ trung ương tới địa phương và cơ sở giáo dục, việc thực hiện đổi mới đã có những kết quả bước đầu. Nhiều địa phương, cơ sở giáo dục đã có những cách làm hay, phát huy được tinh thần chủ động, linh hoạt của cơ sở và của giáo viên trong thực hiện đổi mới xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài giảng, đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường. Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bước đầu có những chuyển biến theo hướng tích cực.

Về một số khó khăn, vướng mắc và hạn chế, ông Trần Thanh Mẫn nhìn nhận: Một số văn bản pháp quy hướng dẫn triển khai ban hành chậm, gây lúng túng trong triển khai. Công tác tuyên truyền, quán triệt về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong một số thời điểm còn chưa được quan tâm đúng mức nên chưa thực sự tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Việc tổ chức xây dựng, biên soạn, thẩm định và phê duyệt chương trình; yêu cầu về nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá ở một số môn học/ hoạt động giáo dục chưa thực sự phù hợp với điều kiện triển khai thực tiễn. Chưa thực sự rõ vai trò, trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả các nguồn lực hiện có…

Tán thành với những giải pháp và kiến nghị của Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan để nâng cao hiệu quả việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết:  Các kiến nghị của Bộ sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, xây dựng Báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội.

Đối với các ý kiến trao đổi tại phiên làm việc này, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị Bộ GD&ĐT, các Bộ, ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện báo cáo, giải trình bổ sung gửi đến Đoàn giám sát trước khi Đoàn làm việc với Chính phủ./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực