Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) kỷ niệm 70 năm thành lập

Chủ nhật, 14/11/2021 13:31
(ĐCSVN) - Là một trong những cơ sở đào tạo và nghiên cứu ngữ văn danh tiếng nhất Việt Nam, 70 năm qua, Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đã đạt được nhiều thành tích với những đóng góp to lớn, không chỉ trong đào tạo và nghiên cứu khoa học mà còn trong nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội.

Văn học và ngôn ngữ trong thế giới đương đại: Bản sắc và hội nhập

Sáng ngày 14/11, Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập (11/10/1951- 11/10/2021). Do điều kiện dịch bệnh, Lễ kỷ niệm được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với nhiều điểm cầu ở trong nước và nước ngoài.

 Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Khoa Ngữ văn tại điểm cầu Hà Nội (Ảnh chụp màn hình) 

Trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm, PGS.TS Đỗ Hải Phong, Trưởng Khoa Ngữ văn cho biết: Cách đây 70 năm, phân hiệu dự bị Đại học Văn khoa, tiền thân của Khoa Ngữ văn được thành lập, những bài giảng văn đầu tiên của thời “giảng đường mái lá” được bắt đầu vào mùa xuân năm 1952 cùng tên tuổi những “người thầy đầu tiên” của nền khoa học ngữ văn nước nhà: Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Tường, Phạm Huy Thông, Trần Văn Giàu, Trương Tửu, Nguyễn Lương Ngọc… Trong số những người sinh viên văn khoa từ những “giảng đường đầu tiên” ấy, có người được vinh danh không phải trên bục giảng như Nhạc sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Trọng Bằng, song phần lớn những người còn lại đều “cả đời theo nghề giáo” như cô Đặng Thanh Lê, thầy Phan Trọng Luận, thầy Trần Thanh Đạm, thầy Nguyễn Xuân Nam, thầy Nguyễn Hoàng Tuyên... 

Đi qua thời giảng đường mái lá sau này còn là những tháng năm sơ tán trong chiến tranh khốc liệt. Năm 1970, dưới sự đùm bọc của cán bộ và nhân dân xã Phúc Lương, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, cán bộ, sinh viên hai khoa Văn – Sử đã đồng cam cộng khổ, trèo đèo lội suối dựng lán làm lớp học, nhà ăn, phòng họp, bỡ ngỡ làm quen với những gian khổ của cuộc sống núi rừng. Rồi những tháng năm sơ tán ở Phù Cừ, sau tập trung chủ yếu về thôn Quần Ngọc, xã Cộng Hòa (nay là Trung Hòa), huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ở nhờ nhà dân, dựng thêm lán làm lớp học, đào hầm, gánh gạo, gánh than, tham gia thực tế sản xuất, chiến đấu cùng địa phương, vậy mà thầy trò Khoa Ngữ văn vẫn bảo đảm mọi hoạt động giảng dạy, ngoại khóa, văn nghệ, thậm chí vẫn phát động được phong trào tăng cường giờ tự học tốt cho sinh viên.

Trong những năm không quân Mỹ bắn phá ác liệt, khu ký túc xá sinh viên Khoa Văn ở trường trở thành trận địa pháo, sân thượng nhà A7 trở thành đài quan sát, người Khoa Văn được vinh danh là “con mắt phía Tây thành phố”, đội tự vệ Khoa Văn đóng góp thành tích bắn rơi máy bay Mỹ.

Những năm bao cấp khó khăn, thiếu thốn trăm bề, từ ký túc xá A7 dành cho sinh viên, từ khu nhà chủ yếu dành cho cán bộ Khoa Ngữ văn K2 – K3 đến giảng đường UNICEF, giảng đường nhà A, nhà E, thầy trò Khoa Ngữ văn vẫn một lòng với văn chương, vẫn vang tiếng cười, tiếng hát, dù có lúc: “Đọc câu thơ tiết cuối đói run vần”.

Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Khoa Ngữ văn tại một trong các điểm cầu ở Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: BH)  

Từ những tháng năm gian khó đó cho đến những năm đầu thời kỳ đổi mới, Khoa Ngữ văn vẫn khẳng định được chính mình, đồng thời chi viện cho khoa Văn các trường sư phạm khác như Đại học Sư phạm Vinh, Thái Nguyên, Hà Nội 2, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Thực hiện được điều đó chính là nhờ một thế hệ các thầy cô giỏi giang, tận tình, tâm huyết: Lê Trí Viễn, Huỳnh Lý, Trương Chính, Vũ Đình Liên, Bùi Văn Nguyên, Đỗ Bình Trị, Hoàng Hữu Yên, Nguyễn Trác, Hoàng Dung, Quách Hy Dong, Nguyễn Nghĩa Dân, Đỗ Hữu Châu, Diệp Quang Ban, Đinh Trọng Lạc, Bùi Hoàng Phổ, Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Hải Hà, Phùng Văn Tửu, Nguyễn Khắc Phi, Lưu Đức Trung, Đặng Thanh Lê, Đặng Anh Đào, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Hoành Khung, Trần Hữu Tá, Đặng Đức Siêu, Nguyễn Đình Cao, Nguyễn Ngọc San, Nguyễn Văn Hạnh, Thành Thế Thái Bình, Trần Đình Sử, Bùi Văn Ba, Nguyễn Nghĩa Trọng, … và rất nhiều thầy cô khác. Công sức và nghĩa tình của các thầy cô đã ươm mầm cho sự trưởng thành của lớp lớp thế hệ sinh viên, học viên. Hàng ngàn nhà giáo trên khắp mọi miền đất nước, cùng nhiều nhà hoạt động chính trị có uy tín, nhà quân sự, nhà kinh doanh, nhà khoa học, nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Khoa Điềm, Ma Văn Kháng, Phạm Tiến Duật, Hoàng Triều Ân, Nguyễn Bắc Sơn, Tô Nhuận Vỹ, Dương Thụ... đã trưởng thành từ giảng đường Khoa Ngữ văn. 

Sang thế kỷ mới, Khoa Ngữ văn tiếp tục vượt qua những khó khăn lớn lao trong công cuộc chuyển giao thế hệ. Công cuộc bổ sung và bồi dưỡng đội ngũ mới diễn ra thật không dễ dàng với nhiều thử thách, khó khăn, song đặc biệt là 10 năm trở lại đây đội ngũ cán bộ năng lực cao trong Khoa đã được bổ sung đáng kể, giữ vị trí hàng đầu trong khoa Ngữ văn của các trường đại học. Hiện nay trong số 51 cán bộ của Khoa có 3 GS.TS, 22 PGS.TS, 22 TS (25 giảng viên cao cấp, 14 giảng viên chính). Số cán bộ giảng dạy có trình độ từ tiến sĩ trở lên của Khoa hiện nay xấp xỉ 90%, nhiều bộ môn đã phổ cập 100% tiến sĩ.

PGS.TS Đỗ Hải Phong, Trưởng Khoa Ngữ văn khẳng định: Nhìn lại lịch sử 70 năm qua, có thể thấy Khoa Ngữ văn đã đạt được những thành tích lớn. Đến nay, Khoa đã đào tạo khoảng 18.000 sinh viên chính quy, khoảng 6.000 sinh viên ngoài chính quy, khoảng 2.000 thạc sĩ, 408 tiến sĩ. Khoa mở rộng quan hệ hợp tác với nước ngoài, ở trình độ đại học, Khoa đã đào tạo hàng nghìn sinh viên Lào, Hàn Quốc, Trung Quốc; ở trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, Khoa đã đào tạo trên 20 học viên, nghiên cứu sinh người Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia, Lào... Khoa đã có 4 người được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 10 người được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ, có 15 Nhà giáo nhân dân, 26 Nhà giáo ưu tú, nhiều cá nhân được tặng thưởng danh hiệu cao quý. 

Cán bộ, giảng viên Khoa Ngữ văn trong dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Khoa (Ảnh: HM)  

Khoa Ngữ văn không chỉ đạt được nhiều thành tích trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, mà còn đóng góp công lao trong nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, thầy trò và cán bộ của Khoa đã có hàng trăm người cầm súng trực tiếp chiến đấu và tham gia phục vụ chiến đấu, có những cán bộ, sinh viên đã anh dũng hy sinh như thầy Lê Đăng Bảng, các cựu sinh viên như Võ Tề, Vũ Đình Văn... Đoàn thanh niên Khoa Ngữ văn tham gia hoặc khởi xướng nhiều hoạt động, trong đó nhiều phong trào đã trở thành truyền thống, như phong trào “Ba sẵn sàng” (thời kỳ kháng chiến chống Mỹ), "Sinh viên tình nguyện", "Dạy học tình nguyện cho trẻ em khuyết tật", "Chung sức cùng cộng đồng"... Khoa Ngữ văn đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1994), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2001), nhiều cá nhân và bộ môn cũng từng được tặng thưởng Huân chương Lao động từ hạng Ba đến hạng Nhất, nhiều bằng khen của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo./.

Thành Tâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực