Thúc đẩy đầu tư và xã hội hóa giáo dục
Nghị định được xây dựng với mục đích thúc đẩy việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho người học và người dạy, góp phần đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo. Giúp thu hút sinh viên nước ngoài vào học tập tại Việt Nam; thúc đẩy đầu tư và xã hội hóa giáo dục. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài tại cơ sở giáo dục; giúp đảm bảo quyền lợi của người học và người dạy.
Nghị định cũng giúp nâng cao công tác biên soạn giáo trình, học liệu bằng tiếng nước ngoài. Khắc phục những hạn chế và phát huy các ưu điểm của Quyết định số 72/2014/QĐ-TTg và các văn bản có liên quan; giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn; phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và các cam kết và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký hoặc là thành viên.
Nghị định áp dụng đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học và không áp dụng đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư của nước ngoài trong giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: TL. |
Theo dự thảo Nghị định, việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài phải xuất phát từ nhu cầu của xã hội, sự tự nguyện của người học và năng lực, điều kiện bảo đảm chất lượng dạy và học bằng tiếng nước ngoài của cơ sở giáo dục.
Các môn học, mô-đun, học phần được dạy và học bằng tiếng nước ngoài phải bảo đảm mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục của chương trình đã được phê duyệt ở từng cấp học, trình độ đào tạo, các chương trình giáo dục và tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến giáo dục và giáo dục nghề nghiệp.
Không sử dụng kết quả của việc học bằng tiếng nước ngoài làm cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của người học.
Giáo viên dạy học bằng tiếng nước ngoài có năng lực ngoại ngữ tối thiểu bậc 4
Theo Dự thảo Nghị định, giáo viên dạy môn học bằng tiếng nước ngoài ở bậc tiểu học, THCS phải có năng lực ngoại ngữ tối thiểu bậc 4.
Đối với bậc THPT phải có tối thiểu bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.
Giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ ngoại ngữ không thấp hơn trình độ bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.
Những người được đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ toàn thời gian ở nước ngoài được miễn yêu cầu về năng lực ngoại ngữ trong trường hợp ngoại ngữ đó là ngôn ngữ giảng dạy ở các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Người học tham gia chương trình dạy và học bằng tiếng nước ngoài theo tinh thần tự nguyện và có khả năng theo học môn học được dạy và ngoại ngữ.
Đối với giáo dục phổ thông, việc kiểm tra, thi cuối năm học, cuối cấp học của các môn học được dạy và học bằng tiếng nước ngoài có thể được thực hiện bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài. Người học có thể làm thêm bài kiểm tra, bài thi bằng tiếng nước ngoài để được hưởng chế độ khuyến khích trong học tập do cơ sở giáo dục xây dựng trong đề án tổ chức dạy và học bằng tiếng nước ngoài.
Đối với giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, việc kiểm tra, thi, đánh giá, công nhận tốt nghiệp, cấp văn bằng, chứng chỉ đối với tất cả các môn học được dạy và học bằng tiếng nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đối với giáo dục thường xuyên, việc kiểm tra, thi, đánh giá, công nhận kết quả học tập, công nhận tốt nghiệp, cấp văn bằng, chứng chỉ đối với các môn học, nội dung và chương trình giáo dục được dạy và học bằng tiếng nước ngoài được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đối với chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Việc bảo đảm chất lượng đối với các môn học, học phần, các nội dung được dạy và học bằng tiếng nước ngoài theo quy định của pháp luật hiện hành đối với cơ sở giáo dục, chương trình giáo dục./.