Không vì COVID mà ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ

Thứ ba, 26/04/2022 17:00
(ĐCSVN)- Theo ước tính, trong hai năm 2021-2022, dịch bệnh COVID-19 đã làm khoảng 4,4 triệu trẻ em Việt Nam bị gián đoạn tham gia Giáo dục mầm non (GDMN). Nhiều cơ sở GDMN công lập và ngoài công lập đã phải tạm dừng hoạt động. Với đặc thù bậc học mầm non không thể tổ chức dạy học trực tuyến, nên giáo viên tại các cơ sở GDMN phải tổ chức các hoạt động phối hợp chăm sóc giáo dục trẻ tại gia đình bằng các video qua các kênh trực tuyến.

Chiều 26/4, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ngô Thị Minh chủ trì Tọa đàm “Tìm giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em và duy trì hoạt động của các cơ sở GDMN trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19”. Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với điểm cầu trung tâm tại Bộ GD&ĐT kết nối tới 63 Sở GD&ĐT.

 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì Tọa đàm. Ảnh: TT

Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia tập trung thảo luận, chia sẻ giải pháp đảm bảo an toàn, các phương án ứng phó; giải pháp trong quản lý, chỉ đạo, thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19; giải pháp của các địa phương trong thực thi chính sách của Chính phủ hỗ trợ các cơ sở GDMN, giáo viên ổn định các điều kiện để tổ chức, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ trực tiếp trong các cơ sở GDMN.

Nhiều ý kiến tham luận cũng tập trung trình bày các giải pháp, kinh nghiệm đảm bảo tỷ lệ giáo viên trên lớp sau khi mở cửa trở lại. Các giải pháp bổ sung nhân viên y tế để đảm bảo an toàn và ứng phó với dịch bệnh. Một số tham luận cho rằng cần tìm giải pháp để trẻ em được tiếp cận với chương trình GDMN nhằm đảm bảo quyền trẻ em, đặc biệt là đối với trẻ em 5 tuổi để chuẩn bị sẵn sàng vào lớp 1 trong bối cảnh nhiều cha mẹ chưa yên tâm cho trẻ đến trường. Ý kiến các chuyên gia cũng cho rằng cần thiết tham mưu với Chính phủ, đề xuất với Bộ Y tế tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố, đến ngày 18/4/2022, các cơ sở GDMN trong toàn quốc đã hoạt động trở lại. Tại thời điểm này, số giáo viên cơ bản đáp ứng được nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em đến trường, lớp học trực tiếp. Nếu những ngày đầu, tỷ lệ trẻ em đến trường ở một số địa phương rất thấp, thì đến nay, con số này đã đạt tỷ lệ con. Hoạt động nuôi dưỡng, dạy học trực tiếp đối với trẻ mầm non tại các cơ sở GDMN được các địa phương duy trì ở mức tốt nhất.

Chia sẻ những kinh nghiệm vận động cho trẻ đến trường và đảm bảo an toàn cho trẻ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, ông Hideyoshi Kobayashi, chuyên gia giáo dục Nhật Bản cho biết: Chính phủ Nhật Bản luôn ưu tiên tối đa để đưa trẻ đến trường, đảm bảo trẻ được hưởng sự giáo dục tốt nhất ngay từ năm tháng đầu đời, không vì dịch bệnh COVID mà làm mất đi nụ cười của trẻ. Trong bối cảnh dịch bệnh thì nhà trường phải là nơi an toàn nhất để trẻ được học tập, vui chơi và được yêu thương.

Phát biểu kết luận tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đánh giá cao các ý kiến tham luận và cho rằng, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, sự phối hợp sâu giữa gia đình và nhà trường thời gian qua đã mang lại những hiệu quả rất tích cực trong hoạt động đưa trẻ mầm non quay trở lại học tập trực tiếp.

Theo Thứ trưởng, mầm non là cấp học mở cửa cuối cùng, do đó, cần chia sẻ những khó khăn với cấp học này. Kinh nghiệm của các địa phương được chia sẻ tại tọa đàm là bài học quý giá để các địa phương cùng rút kinh nghiệm trong ứng phó, thích ứng an toàn với diễn biến của dịch bệnh, tạo dựng môi trường an toàn, nâng cao nhận thức cho phụ huynh học sinh.

Nhấn mạnh quan điểm “Không vì COVID ảnh hưởng tới nụ cười của trẻ”, “Không vì COVID mà ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị các địa phương quan tâm tới hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập, trong đó có thể tính toán tới việc liên thông giữa khối mầm non công lập với khối mầm non ngoài công lập để đảm bảo quyền học tập cho trẻ em.

Về các chính sách hỗ trợ cho cơ sở GDMN và giáo viên mầm non bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đã tham mưu ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; trình Chính phủ ban hành gói hỗ trợ tín dụng 1.400 tỷ đồng dành cho các cơ sở GDMN, tiểu học ngoài công lập; ban hành các văn bản hướng dẫn về an toàn, hướng dẫn chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ trực tiếp tại cơ sở GDMN. Đến thời điểm này cơ bản các địa phương đã và đang triển khai những chính sách hỗ trợ này./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực