|
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: TT |
Nhiều chỉ số đạt khá trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Nghị quyết 29 của Tỉnh uỷ Kiên Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang Trần Quang Bảo cho biết: Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp ủy đàng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo và triển khai thực hiện.
Các chỉ số phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh đạt mức khá trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và trên mức bình quân chung cả nước, hoàn thành mục tiêu đề ra. Tỉnh được Bộ GD&ĐT công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào cuối năm 2016 (đạt mục tiêu). Việc huy động trẻ trong độ tuổi đến trường hằng năm đều tăng, tỷ lệ trẻ em đi nhà trẻ đạt 6,5% (mục tiêu 30%), trẻ 3-4 tuổi vào mẫu giáo đạt 70,63% (mục tiêu 80%), riêng trẻ em 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 99,58% (đạt mục tiêu đề ra).
Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông đã có những chuyển biến tích cực. Đến nay, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường ở tiểu học đạt 99,92% (vượt mục tiêu 0,92%), 93,14% ở THCS (vượt 3,14%), 67,11% ờ bậc THPT (mục tiêu 80%). Tỉnh chú trọng triển khai xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường trọng điểm và trường chuyên biệt; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 52,05% (mục tiêu 50%).
Quy mô và chất lượng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp ngày một tăng lên. Tỉnh hiện có 31 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (tăng 13 cơ sở so với với năm 2013), 6 cơ sở ngoài công lập (tăng 4 cơ sờ so với năm 2013), tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,59% (đạt mục tiêu đề ra).
Tỉnh đã thành lập Trường Đại học Kiên Giang trực thuộc Bộ GD&ĐT từ năm 2014 với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đa lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và cả nước. Đến nay nhà trường đã và đang đào tạo 20 ngành với trên 8.000 sinh viên thuộc các hệ chính quy, liên thông, vừa làm vừa học, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho tỉnh và khu vực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, giáo dục Kiên Giang vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp; thiếu đất cho xây dựng trường học, nhất là ở các thị trấn, thành phố.
Tình trạng quá tải học sinh ở các trường mẫu giáo, mầm non; việc thiếu biên chế kéo dài liên tục trong nhiều năm chưa có giải pháp khắc phục; nhiều cơ sở giáo dục mầm non phải hợp đồng giáo viên nhưng cũng chỉ đảm bảo tỷ lệ 1 giáo viên cho một lớp dạy 2 buổi/ngày.
Công tác quản lý nhà nước, quản trị nhà trường một số nơi còn hạn chế; tình trạng thừa, thiêu giáo viên cục bộ chưa được giải quyết; chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, còn một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới…
Tỉnh Kiên Giang kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan xem xét, bổ sung số lượng người làm việc cho các đơn vị sự nghiệp công lập; kiến nghị Bộ GDĐT sửa đổi, bổ sung một số Thông tư trong thẩm quyền liên quan đến định mức nhà giáo, quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
|
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TT |
Đầu tư cho giáo dục đúng lúc, hiệu quả đầu tư lớn hơn
Đánh giá cao báo cáo tổng kết cũng như quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của tỉnh Kiên Giang, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Khâu tổ chức triển khai của tỉnh kịp thời, đầy đủ, nhận thức được tầm quan trọng của Nghị quyết với đổi mới và phát triển giáo dục. Qua khảo sát thực tế tại một số trường học, nhận thức, tư tưởng, khí thế của đổi mới đi vào các nhà trường khá sâu. Quá trình triển khai Nghị quyết bước đầu mang lại chuyển biến tích cực, mang lại đổi mới trên địa bàn.
“Trong điều kiện địa bàn rộng, khó khăn nhiều, tỉ lệ đồng bào dân tộc khá cao… những kết quả đạt được cho thấy cố gắng lớn”, Bộ trưởng nhận định, đồng thời nhắc tới một số kết quả cụ thể của Kiên Giang như: Huy động được tỉ lệ con em đồng bào dân tộc thiểu số đến lớp cao; sắp xếp hệ thống trường lớp tương đối hợp lý, quy hoạch sắp xếp tính đến đảm bảo quyền đi học của học sinh; hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi và đã tính đến phổ cập cho trẻ 3-4 tuổi; triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khá thuận lợi; xuất hiện một số mô hình tốt…
Mặc dù đã đạt được một số kết quả, song với nhấn mạnh “Kiên Giang còn nhiều việc phải làm”, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Kiên Giang quan tâm tới một số việc cụ thể. Trong đó, cần tập trung chỉ đạo, tập trung đầu tư cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bởi đây là giai đoạn cần tập trung cao độ nhất.
Đối với giáo dục dân tộc, Bộ trưởng lưu ý tỉnh đã quan tâm cần tiếp tục quan tâm hơn nữa. Trong đó, quan tâm rà soát các chế độ, chính sách cho người dạy, người học để làm tốt hơn. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho trường phổ thông dân tộc nội trú. Trong phát triển đội ngũ nhà giáo, quan tâm tới phát triển giáo viên là người dân tộc thiểu số.
Bộ trưởng cũng mong muốn tỉnh Kiên Giang sẽ dành sự quan tâm hỗ trợ cho Trường Đại học Kiên Giang. Mặc dù là trường trực thuộc Bộ GD&ĐT, song trường đóng trên địa bàn tỉnh với 90% sinh viên là người Kiên Giang, do đó trường phục vụ cho sự phát triển của địa phương.
|
Bộ trưởng trao tặng 50 máy tính xách tay cho Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Kiên Giang. Ảnh: TT |
Công cuộc đổi mới vẫn đang tiếp tục
Tại tỉnh Kiên Giang, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác đã đến khảo sát thực tế tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Kiên Giang và Trường THCS Minh Lương, huyện Châu Thành.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trao tặng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Kiên Giang và Trường THCS Minh Lương, mỗi trường 50 máy tính xách tay.
Trước đó, trong cuộc trò chuyện với hơn 400 học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT Kiên Giang, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã gửi tới các em thông điệp về sự cố gắng, bởi “học sinh vùng thuận lợi cố gắng một, các em phải cố gắng hơn một”. Sự cố gắng sẽ tốt cho chính các em, cho quê hương, đất nước, cho dân tộc mà các em đang vinh dự đại điện.
Bộ trưởng cũng cũng gửi tới các em học sinh thông điệp về giữ gìn, phát huy lan toả bản sắc văn hoá dân tộc, làm phong phú cho văn hoá đất nước; thông điệp về tinh thần lao động, rèn luyện toàn diện.
Bộ trưởng mong các em học sinh sẽ tìm hiểu về tiềm năng của quê hương Kiên Giang, cố gắng học tập tốt, để khi trưởng thành lựa chọn nghề nghiệp phát triển tốt nhất bản thân, phát triển quê hương Kiên Giang và đất nước./.