Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm vụ học sinh xúc phạm giáo viên ở Tuyên Quang

Thứ tư, 06/12/2023 20:40
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Liên quan vụ việc một giáo viên ở Trường THCS Văn Phú (Sơn Dương, Tuyên Quang) bị nhóm học sinh xúc phạm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, đây là vụ việc rất nghiêm trọng, việc này không thể chấp nhận được. UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở GD&ĐT và nhà trường làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm các bên liên quan một cách khách quan, thấu đáo.
 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Nhật Bắc

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023 diễn ra chiều 6/12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, ngay ngày hôm qua (5/12), Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi về UBND tỉnh Tuyên Quang đề nghị, yêu cầu UBND tỉnh phải tiếp tục chỉ đạo để xác định rõ vụ việc.

“Vụ việc rất nghiêm trọng, việc này không thể chấp nhận được. UBND tỉnh Tuyên Quang cần chỉ đạo Sở GD&ĐT và nhà trường trước tiên làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm các bên liên quan một cách khách quan, thấu đáo. Trên cơ sở đó, phải có những biện pháp để xử lý nghiêm những gì là trách nhiệm của giáo viên, trách nhiệm liên quan đến nhà trường, lãnh đạo nhà trường, những gì liên quan đến học sinh, trách nhiệm của phụ huynh. Phải xem xét tổng thể để có những biện pháp xử lý vướng mắc, cần thiết phải chấn chỉnh và rút kinh nghiệm sâu sắc việc này” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, vấn đề bạo lực học đường là vấn đề chung mà chúng ta phải quan tâm. Bộ GD&ĐT đã có những biện pháp liên quan đến giáo dục và quản lý. Biện pháp kỷ luật là đối với một vụ việc cụ thể nhưng về lâu dài, biện pháp căn cơ chính là giáo dục và quản lý.

Trước hết, việc liên quan đến giáo dục thì phải xem đội ngũ giáo viên. Bộ GD&ĐT luôn bảo vệ các nhà giáo nhưng cũng phải nhìn lại các nhà giáo và đội ngũ giáo viên từ đào tạo, bồi dưỡng đến quá trình sử dụng, tuyển dụng. Đánh giá cả về chuyên môn và phẩm chất, những kỹ năng xử lý, cả giáo viên môn học và giáo viên chủ nhiệm. Công tác giáo dục tuyên truyền học sinh trong nhà trường thực hiện như thế nào. Bộ đã có văn bản hướng dẫn đầy đủ nhưng công tác triển khai cụ thể, năng lực, kỹ năng của từng nhà giáo như thế nào thì chúng ta phải rà soát đánh giá.

Thứ hai là đánh giá hiệu quả của việc dạy và học, hằng năm, Bộ GD&ĐT đều có văn bản tăng cường giáo dục đạo đức, kỷ luật; đều có kế hoạch nhưng cần đánh giá hiệu quả của từng trường, từng lớp như thế nào. Việc tuyên truyền giáo dục học sinh không chỉ đánh giá hiệu quả mà còn đánh giá việc học sinh chấp hành như thế nào, cần theo dõi thường xuyên đối với học sinh. Đối với nhà trường, cần thường xuyên đánh giá việc quản lý.

“Chúng tôi cho rằng để một vụ việc xảy ra như thế dẫn đến rất nhiều hậu quả nên phải ngăn chặn, phát hiện sớm những nguyên nhân sâu xa trong quan hệ thầy - trò, trong tư tưởng đạo đức, trong lớp như thế nào, diễn biến tâm lý… để có thể hạn chế ngay từ đầu. Quản lý nhà trường, quản lý lớp phải nắm được những cái đó để thực hiện” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói.

Thứ ba về phía phụ huynh, giáo dục không chỉ trong nhà trường mà phải có mối quan hệ chặt chẽ với phụ huynh. Phụ huynh và gia đình cũng phải có mối quan hệ chặt chẽ với nhà trường. Xem xét mối quan hệ cụ thể giữa phụ huynh và gia đình rất quan trọng.

Cuối cùng là trách nhiệm của toàn xã hội. Bạo lực xảy ra trong trường nhưng cũng là hiện tượng xã hội. Giáo dục học sinh cũng không chỉ trong nhà trường, trong gia đình mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Văn hóa trong xã hội, từ văn hóa giao thông cho đến tất cả cách ứng xử, văn hóa trên không gian mạng… đều cần làm tốt. Đây cũng là việc rất quan trọng tác động đến học sinh, sinh viên.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng các biện pháp cần toàn diện. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, các cơ sở đào tạo làm tốt việc đào tạo đội ngũ giáo viên, rồi các chương trình giảng dạy và đặc biệt là tư tưởng đạo đức, quản lý nhà nước và việc phối hợp với phụ huynh.

Sẽ đưa dạy thêm, học thêm vào khuôn khổ pháp lý

Cũng tại buổi họp báo, nêu quan điểm về đề xuất đưa học thêm, dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện vì đa số giáo viên dạy thêm hiện nay nhỏ lẻ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, ngày 16/5/2012, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 17). Việc ban hành Thông tư 17 ở thời điểm năm 2012 dựa trên cơ sở pháp lý là dịch vụ tổ chức dạy thêm, học thêm được đưa vào danh mục trong Luật Đầu tư là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chính vì vậy, Thông tư 17 mới có cơ sở để quy định điều kiện về tổ chức dạy thêm, học thêm. Ví dụ như điều kiện tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường: Đối với các cơ sở và tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường thì phải có những cam kết với Ủy ban nhân dân các cấp từ cấp phường, xã cho đến cấp quận, huyện để đảm bảo yêu cầu về việc tổ chức dạy thêm, học thêm, công khai về tổ chức, địa điểm, mức phí, đội ngũ…

Thông tư 17 cũng có các điều khoản quy định đối với người dạy thêm, đối với người đứng ra tổ chức dạy thêm, học thêm, điều kiện về cơ sở vật chất... vì đây là loại hình rất đặc biệt, tác động đến học sinh. Nhưng sau này, dạy thêm, học thêm được đưa khỏi danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư và vì thế Thông tư 17 phải bãi bỏ những điều khoản, quy định tương ứng.

“Trên thực tế, khi bãi bỏ đã có những vấn đề nảy sinh trong công tác quản lý đối với việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường tại các địa phương”- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói.

Do đó, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Bộ GD&ĐT tiếp tục đề xuất đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bộ GD&ĐT đã 2 lần có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nội dung này. Nếu đưa dịch vụ tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ GD&ĐT sẽ sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư 17 hiện hành. Trong đó, sẽ quy định cụ thể những điều kiện tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; đưa dạy thêm, học thêm vào khuôn khổ pháp lý, đồng thời ngăn ngừa những trường hợp dạy thêm, học thêm không đúng theo nguyện vọng, mong muốn của học sinh./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực