Làm rõ những vướng mắc, rào cản liên quan tới thể chế, chính sách giáo dục đại học

Chủ nhật, 05/11/2023 20:30
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN)- Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị cần làm rõ những vướng mắc, rào cản liên quan tới thể chế, chính sách, đề xuất giải pháp phù hợp, trong đó tập trung vào các nội dung trọng tâm về: Chính sách nâng cao chất lượng chuyên môn học thuật; Đổi mới quản trị đại học, đẩy mạnh tự chủ đại học.

Chiều 5/11, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo Giáo dục năm 2023 về “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học”.

Hội thảo Giáo dục 2023 có sự tham dự và chỉ đạo của đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân; Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân; lãnh đạo các cơ quan của Quộc hội; các bộ, ngành Trung ương và hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp.

Hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo chuyên gia, nhà giáo, nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài nước với hơn 140 bài tham luận gửi về Ban Tổ chức. Nội dung các tham luận nhìn chung bám sát chủ đề trọng tâm với nhiều góc nhìn khác nhau về chất lượng, những nhân tố tác động đến chất lượng, quản lý chất lượng giáo dục đại học (GDĐH); đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn và khuyến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục GDĐH.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu chỉ đạo Hội thảo. Ảnh: VA

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh: Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 đã đặt ra yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng lấy chất lượng và hiệu quả làm thước đo nhằm mục tiêu phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với khơi dậy khát vọng, ý chí tự cường, tự hào dân tộc và giá trị văn hóa, con người Việt Nam thời đại mới. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được đề cập trong Nghị quyết là hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trong đó có giáo dục đại học.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn cho biết, Báo cáo của Bộ GD&ĐT, giai đoạn 2013-2021, số lượng cơ sở GDĐH tăng từ 207 trường lên 237 trường; quy mô đào tạo các trình độ GDĐH trong giai đoạn này tăng từ 1.546.478 người lên 2.021.901 người, tỉ lệ tăng 30,74%. Nhiều trường đã tích cực, chủ động phát triển các chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế. Số lượng, trình độ, năng lực đội ngũ giảng viên các trường ĐH được nâng lên. Tỉ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ tăng từ 14,38% năm 2013 lên 31,28% năm 2021. Số lượng giảng viên có trình độ sau ĐH tăng từ 37.856 người năm 2013 lên 70.018 người năm 2021. Cơ sở vật chất của nhiều trường ĐH được tăng cường. Một số trường được đầu tư các phòng thí nghiệm hiện đại, đáp ứng tốt nhiệm vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học. Các ĐH, trường ĐH hàng đầu của Việt Nam liên tục xuất hiện và tăng thứ hạng, giữ vị trí tốt trong các bảng xếp hạng ĐH uy tín trên thế giới.

Tuy nhiên, theo đồng chí Trần Thanh Mẫn trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, GDĐH còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cả về quy mô, cơ cấu ngành nghề và kỹ năng làm việc. Thể chế, chính sách điều chỉnh lĩnh vực giáo dục ĐH còn có sự mâu thuẫn, thiếu thống nhất trong cách hiểu, vận dụng và hướng dẫn thi hành, đặc biệt là về thực hiện tự chủ ĐH. Quy mô GDĐH của nước ta có tăng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế tri thức. Kinh phí đầu tư cho GDĐH còn thấp. Chính sách xã hội hoá giáo dục chưa thực sự thu hút được nhiều các thành phần xã hội tham gia. Số lượng, cơ cấu, chất lượng đội ngũ giảng viên ĐH chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, nhất là về năng lực đổi mới sáng tạo. Công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế còn chưa tương xứng với tiềm năng. Hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng GDĐH chưa được hoàn thiện.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu thảo luận kỹ lưỡng về chất lượng GDĐH từ tác động của thể chế, chính sách, dưới các góc độ khác nhau từ cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo,  người sử dụng lao động, doanh nghiệp xã hội. Đặc biệt, cần làm rõ những vướng mắc, rào cản liên quan tới thể chế, chính sách, đề xuất giải pháp phù hợp, trong đó tập trung vào các nội dung trọng tâm về: Chính sách nâng cao chất lượng chuyên môn học thuật; Đổi mới quản trị ĐH, đẩy mạnh tự chủ ĐH; Chính sách về nguồn lực đầu tư; Chính sách về đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đại học; Chính sách xã hội hoá GDĐH; Về hợp tác quốc tế trong GDĐH và GDĐH gắn với việc làm sau khi ra trường.

 Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: TT

Phân tích, nhìn nhận một cách tổng thể, khoa học và thấu đáo

Phát biểu đề dẫn, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, qua 10 thực hiện Luật GDĐH 2012, triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Nghị quyết số 29), đặc biệt từ khi triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Luật số 34), GDĐH nước ta đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế và kỳ vọng của xã hội.

Trong giai đoạn phát triển mới, GDĐH có cơ hội mở rộng quy mô khi nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao của nền kinh tế cũng như nhu cầu và khả năng chi trả cho học tập của người dân ngày càng tăng, nhưng cũng đứng trước thách thức rất lớn phải đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo và bảo đảm công bằng xã hội trong điều kiện các nguồn lực còn rất hạn hẹp. Một trong những quan điểm phát triển chủ đạo đó là lấy chất lượng đào tạo, hiệu quả hoạt động và công bằng xã hội làm nền tảng để từng bước mở rộng quy mô, điều chỉnh hợp lý cơ cấu đào tạo, gia tăng cơ hội tiếp cận GDĐH cho mọi người dân, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Vai trò điều tiết của Nhà nước vô cùng quan trọng

Tham luận tại Hội thảo, GS.TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: Trong bối cảnh sự phát triển và thay đổi liên tục của GDĐH tại Việt Nam, xu thế tự chủ đại học là tất yếu, là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo. Tự chủ ĐH ở Việt Nam được triển khai sớm với 02 Đại học quốc gia và được đẩy mạnh trên toàn hệ thống từ sau Nghị quyết 29. Kết quả thực tế cho thấy tự chủ ĐH giúp các trường ĐH có uy tín, năng lực phát triển nhanh, huy động được nguồn tài chính dồi dào cho đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, theo GS.TS Lê Quân kết quả cũng cho thấy tự chủ đại học hiện nay chủ yếu được cơ sở giáo dục nhấn mạnh ở yếu tố quyền lợi mà chưa tập trung nhiều vào yếu tố trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình. Điều này dẫn đến hệ quả các trường tập trung chủ yếu vào các hoạt động tăng nguồn thu và mức độ tự trong sử dụng các nguồn thu này mà không tập trung vào sứ mạng, tầm nhìn mà nhà nước giao cho các trường ĐH công. Trách nhiệm giải trình cho tự chủ cũng chỉ giới hạn trong các báo cáo và hoạt động kiểm định chưa tập trung vào làm rõ kết quả thực chất của các trường.

GS.TS Lê Quân cho rằng, để hạn chế những bất cập trên, vai trò điều tiết của Nhà nước vô cùng quan trọng, không chỉ kiến tạo khung pháp luật mà còn định hướng, hỗ trợ hệ thống các trường ĐH. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách mang tính đột phá, có tính lan tỏa và cạnh tranh cao giữa các trường ĐH, mà việc hình thành Quỹ học bổng quốc gia cho những mục tiêu ưu tiên là một hướng gợi ý cần thiết.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu. Ảnh: VA 

Cần có đột phá về thể chế, mở đường cho tự chủ ĐH

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, chúng ta bàn về vấn đề chất lượng thì phải bàn về vấn đề lớn hơn làm thế nào để các trường ĐH phát triển bứt phá, chỉ có phát triển mới có chất lượng, còn cứ loay hoay ứng phó với sự tồn tại thì câu chuyện chất lượng sẽ là câu chuyện vô cùng khó.

Với hệ thống giáo dục công, dứt khoát muốn có sự cải thiện mang tính bứt phá thì vừa phải huy động từ phía xã hội, phía doanh nghiệp một cách mạnh mẽ nhưng cũng phải có sự đầu tư mang tính bứt phá, đột biến. Ở đây còn câu chuyện đầu tư rồi nhưng tiêu được thế nào lại là câu chuyện nữa. Cho nên cần nguồn lực đầu tư, cách thức đầu tư để tạo ra sự bứt phá của các trường đại học.

Với chủ đề thể chế, chúng ta bàn nhiều đến vướng và thực sự cũng có một số vướng. Vướng ở thực thể tự chủ, quản trị với mô hình của đơn vị giáo dục ĐH. Tự chủ là một thuộc tính của ĐH, nó cần có và đương nhiên là phải có. Câu hỏi về tự chủ nếu hỏi các trường ĐH trên thế giới họ sẽ ngơ ngác, vì đương nhiên với họ là như thế.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, ngoài vấn đề đơn vị tự chủ công lập, vấn đề của viên chức, còn vấn đề về quản lý tài sản công, vấn đề sở hữu trí tuệ và nhiều vấn đề khác.... Để đảm bảo các Luật khác thực hiện có hiệu lực tự khắc tạo ra sự xung đột tạo điều kiện cho tự chủ đại học.

Chủ đề của Hội thảo hôm nay là thể chế, chính sách nâng cao chất lượng GDĐH, câu chuyện lúc này là phải tạo được hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ để thực hiện được tự chủ ĐH đầy đủ, chiều sâu. Để tháo gỡ cho doanh nghiệp, để mở đường cho kinh tế, chúng ta đã thực hiện một Luật sửa nhiều Luật, đây là việc bất đắc dĩ trong xây dựng luật pháp; tuy nhiên cũng cần tính đến làm một Luật để sửa nhiều Luật, tránh những chồng chéo. Nếu có thể đề xuất một Luật như vậy thì nên lấy tâm điểm là tự chủ ĐH và rà soát những gì chồng chéo, cản trở, mâu thuẫn thì sửa đổi, để các Luật khác, các quy định khác có thể mở đường cho tự chủ ĐH./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực