Năm học 2023-2024 là năm bứt phá của đổi mới giáo dục

Thứ sáu, 21/07/2023 21:37
(ĐCSVN) - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, năm học 2023-2024 là năm bứt phá của đổi mới giáo dục. Những khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ sẽ bộc lộ nhiều hơn so với năm học trước. Do đó đòi hỏi phải dồn lực để vượt qua, từ đó đi tới đích một cách tốt đẹp.

Chiều 21/7, tại tỉnh Nghệ An, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2023. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An Thái Thanh Quý, lãnh đạo của 63 Sở GD&ĐT, lãnh đạo các phòng chức năng thuộc 63 Sở GDĐT và đại diện lãnh đạo các trường đại học sư phạm trong cả nước.

 Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TT

Phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện Chương trình

Năm học 2022-2023 là một năm nhiều khó khăn, thách thức với ngành Giáo dục, khi vừa phải tiếp tục khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo. Đây là năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3 và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông đối với cấp THPT.

Năm học 2022-2023 cũng là thời điểm toàn ngành triển khai tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đồng thời thực hiện đánh giá việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phục vụ công tác giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

 Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT Trần Quang Nam trình bày báo cáo tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023. Ảnh: TT

Báo cáo tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT Trần Quang Nam đã nhấn mạnh một số kết quả nổi bật của ngành trong năm học như: Bộ GD&ĐT đã ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn tiện GD&ĐT nhằm đánh giá toàn diện kết quả đạt được sau 10 năm triển khai thực hiện.

Công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và xoá mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp tiểu học (lớp, 1, lớp 2, lớp 3); cấp THCS (lớp 6, lớp 7); cấp THPT (lớp 10). Các địa phương và các cơ sở giáo dục đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện Chương trình. Đội ngũ giáo viên đã cơ bản thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; việc tổ chức quản lí đã chuyển dần theo hướng quản trị nhà trường.

Chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đại trà, mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được thế giới ghi nhận. Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm trước. Kết quả tại các Kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế năm 2022 và 2023, các đội tuyển đều đạt thành tích cao. Tính đến thời điểm này, học sinh Việt Nam đã đạt 21 Huy chương Vàng, 25 Huy chương Bạc, 20 Huy chương đồng và 10 Bằng khen.

Tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đảm bảo nghiêm túc và an toàn, với tổng số thí sinh dự thi là 1.012.389 thí sinh. Theo kết quả ban đầu, tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc đạt 98,88%. Kết quả trên phản ánh khách quan kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương theo vùng miền.

Để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên. Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương tuyển dụng được 17.208 giáo viên trong tổng số 65.980 biên chế giáo viên được Bộ Chính trị cho phép bổ sung cho cả giai đoạn 2022 – 2026.

 Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: TT

Năm học 2023-2024 là năm yêu cầu đổi mới đi vào chiều sâu

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, cảm ơn đội ngũ lãnh đạo các Sở GD&ĐT vì những nỗ lực vượt bậc trong những năm khó khăn vừa qua, Bộ trưởng đồng thời bày tỏ sự thấu hiểu với những khó khăn, áp lực của cán bộ, lãnh đạo cấp Sở với chia sẻ “Chúng ta cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ, cảm thông với nhau trong một sự nghiệp lớn, rất khó”.

Vui mừng với kết quả đạt được của năm học song Bộ trưởng cũng cho rằng, khó khăn, thách thức còn rất nhiều. Trong đó, trước mắt là thách thức của việc thiếu đủ thứ: thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên, thiếu tài chính, thiếu sự chăm lo.

Đánh giá niềm tin của xã hội với ngành thời gian qua đã được củng cố hơn, tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, đây vẫn là thách thức khi những vấn đề dư luận bức xúc về ngành vẫn còn, từ đó đặt ra yêu cầu cần gia tăng hơn nữa niềm tin bền vững của xã hội với sự nghiệp giáo dục.

Ngoài ra, trong quá trình đổi mới, sự vượt lên chính mình, vươn lên của từng cơ sở giáo dục, từng giáo viên, nhà quản lý còn chưa đủ cũng đang tạo ra thách thức cho ngành. Theo Bộ trưởng, đây là điều cần phải làm tốt hơn trong thời gian tới.

Về nhiệm vụ năm học mới, Bộ trưởng cho biết: Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục sẽ chuyển trạng thái từ thực hiện trách nhiệm giải trình sang thúc đẩy phát triển bằng hoàn thiện thể chế; tạo bước tiến lớn về thể chế, chính sách.

Trong đó, căn cứ chính trị là toàn ngành đang triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 và chuẩn bị Nghị quyết mới thay thế. Bộ trưởng đề nghị các Sở GD&ĐT khi hoàn tất báo cáo đánh giá cần mạnh dạn nêu những đề xuất, kiến nghị, làm căn cứ xây dựng Nghị quyết tiếp theo, mở đường cho sự phát triển của ngành trong 10 năm sau và xa hơn nữa; với sự đầu tư công sức, trí tuệ tương xứng cho công việc lớn này.

Một việc lớn khác được Bộ trưởng nhấn mạnh là xây dựng Luật Nhà giáo. Đây là bộ luật rất quan trọng với ngành và trong quá trình thảo luận, từng chính sách trong Luật cần có sự đóng góp ý kiến, hô ứng từ cơ sở, các thầy cô giáo, nhà trường; từ đó mới thuyết phục được xã hội, Chính phủ, Quốc hội.

Với nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông, theo Bộ trưởng, năm học 2023-2024 là năm bứt phá, thực hiện một khối công việc lớn, những khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ sẽ bộc lộ nhiều hơn so với năm học trước. Do đó đòi hỏi phải dồn lực để vượt qua, từ đó đi tới đích một cách tốt đẹp.

Năm học 2023-2024 còn là năm yêu cầu đổi mới đi vào chiều sâu, đến từng môn học; đổi mới phương pháp dạy - học và kiểm tra đánh giá - với định hướng này, Bộ trưởng nêu cụ thể yêu cầu đổi mới với từng môn học như Lịch sử, Ngữ văn, Toán học, Hoá học, Vật lí… Cùng với đó là việc quan tâm triển khai mạnh mẽ xây dựng văn hóa học đường, phòng chống bạo lực học đường; làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp trên tinh thần tự nguyện của học sinh, phụ huynh.

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục cũng triển khai thử nghiệm Chương trình giáo dục mầm non mới, Bộ trưởng lưu ý, cần vận dụng kinh nghiệm tích lũy được từ đổi mới giáo dục phổ thông để chủ động chuẩn bị, thử nghiệm chu đáo trước khi triển khai.

Về công việc trước mắt chuẩn bị cho năm học mới, Bộ trưởng lưu ý địa phương chuẩn bị cả về tâm thế, tư tưởng, điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, sách giáo khoa, học liệu, tập huấn giáo viên…/.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực