Bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long) nêu rõ, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Nội dung Kết luận được ngành Giáo dục và xã hội quan tâm, hướng đến mục tiêu đưa giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ theo Kết luận số 91, đại biểu đề nghị Bộ GD&ĐT quan tâm những nội dung sau:
|
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: TL. |
Đối với nhiệm vụ “tiếp tục triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập, gắn với thị trường lao động; đẩy mạnh phân luồng, tăng số lượng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp”, đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần có tổng kết, đánh giá sâu kết quả thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025". Bởi vì sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Đề án này, các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, bất cập; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp không đạt được mục tiêu của Đề án. Do đó cần sớm đánh giá, phân tích nguyên nhân, trách nhiệm của các bộ ngành, trách nhiệm của gia đình, của xã hội, của các cơ sở giáo dục…,làm cơ sở để xây dựng lộ trình và giao trách nhiệm khi triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
Đề cập đến nhiệm vụ “từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”, đại biểu cho rằng đây là nhiệm vụ đang được kỳ vọng sẽ tạo ra bước phát triển mới về kinh tế, xã hội cho Việt Nam nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn và thách thức cho ngành Giáo dục. Rút kinh nghiệm những kết quả đạt được và những mục tiêu chưa đạt khi triển khai thực hiện đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, đại biểu đề nghị Bộ GD&ĐT cần có lộ trình, đề án tổng thể, toàn diện và lâu dài.
Theo đại biểu, địa phương rất cần có sự chuẩn bị sớm cho việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên; cần thiết kế lại chương trình, nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá phù hợp và đặc biệt là cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý để việc triển khai được thuận lợi.
Quan tâm đến chính sách học phí cho học sinh, sinh viên, nhất là hệ đại học, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn Quảng Ngãi) nêu thực tế mức họp phí cấp đại học tại các trường tự chủ đại học, nhất là hệ chất lượng cao, học phí gấp đôi so với hệ đại trà. Người học luôn trong tình trạng nơm nớp lo ngại khi học phí tiếp tục leo thang, năm sau cao hơn năm trước 10%-30%.
Đại biểu nêu: Cử tri cho rằng, việc phân luồng đào tạo không chỉ dựa vào học lực, mà còn dựa vào điều kiện kinh tế gia đình của học sinh có khả năng đáp ứng 4 đến 5 năm đại học hay không. Con em gia đình khó khăn khó mà theo học đại học, mặc dù các em có năng lực học tập tốt.
Đại biểu cho biết, hiện nay, các cơ sở đăng ký đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, hoặc đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn nước ngoài thì được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó, nên học phí các trường đại học tăng quá cao.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, bộ, ngành liên quan xem xét đánh giá thực trạng và tăng cường vai trò quản lý nhà nước về vấn đề này, bảo đảm công khai, minh bạch; đồng thời có cơ chế đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo và phù hợp với điều kiện của đa số người dân.
Tháo gỡ khó khăn trong việc in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn Điện Biên) cho biết, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được triển khai thực hiện đã gần 4 năm. Tuy nhiên, việc in ấn, phát hành sách giáo khoa còn nhiều hạn chế. Ngoài việc có dấu hiệu lợi ích nhóm, lãng phí trong việc in ấn, phát hành sách bài tập khi có đến 65% sách giáo khoa có các trang sách học sinh có thể viết trực tiếp vào không dùng lại được, thì còn một nội dung nữa đề nghị Chính phủ quan tâm đó là việc in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương.
|
Đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn Điện Biên) đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương. Ảnh: TL. |
Đại biểu cũng chỉ ra, hiện nay, còn nhiều địa phương chưa in, phát hành được tài liệu giáo dục địa phương, học sinh được gửi bằng bản PDF trên thiết bị hoặc tự in từ bản PDF để học. Nguyên nhân là do vướng mắc về xác định bản quyền, thẩm định giá và đấu thầu in ấn, phát hành. Nội dung này đã được Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2019 chỉ ra, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương, đại biểu kiến nghị cần một quy trình đơn giản cho các địa phương triển khai thực hiện. Nếu cứ áp các quy định của hệ thống luật, nghị định, thông tư nêu trên thì trong nhiều năm tới vẫn chưa tháo gỡ được khó khăn vướng mắc liên quan đến vấn đề này.
Về kiên cố hoá trường lớp học, đại biểu cho hay, theo báo cáo của Chính phủ, năm 2023 tỷ lệ phòng học kiên cố các cấp học là 87,42%. Ngoài ra, phòng ở bán trú cho học sinh nhiều nơi xuống cấp, không đảm bảo an toàn.
Dẫn Nghị quyết 96 ngày 01/8/2022 của Chính phủ có đề ra nhiệm vụ “Xây dựng đề án kiên cố hóa trường, lớp học tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025”, song đến nay Đề án này chưa được ban hành, đại biểu đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục quan tâm xây dựng Đề án kiên cố hoá trường lớp học tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm tăng cường cơ sở vật chất trường lớp học, đầu tư nhà ở bán trú cho học sinh./.