Ngày 24/5, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ thông qua việc thực hiện các mô hình học tập”.
Dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT, một số cơ sở giáo dục đại học, Hội Khuyến học các tỉnh, thành phố.
|
GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu. Ảnh: VA |
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao được Đảng ta xác định là một trong ba đột phá chiến lược để thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đến nay. Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển đất nước, tuy vấn đề nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ được Đảng ta quan tâm đặc biệt, song chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Các chỉ tiêu cần đạt được về nhân lực chất lượng cao hầu như chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. Báo cáo tổng kết 20 năm xây dựng xã hội học tập năm 2021 đã chỉ ra: Có tới 3/4 chỉ tiêu không hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao.
GS.TS Nguyễn Thị Doan cho rằng, để chuẩn bị bước vào giai đoạn Việt Nam hội nhập sâu rộng vào các nền kinh tế thế giới, công dân Việt Nam phải có đủ năng lực hoạt động, làm việc trong môi trường số. Đồng thời, trong một thế giới phẳng, muốn hòa nhập vào thị trường lao động thì người lao động chỉ có kỹ năng sử dụng thành thạo các thiết bị thông minh là chưa đủ mà còn phải sử dụng được ngoại ngữ theo yêu cầu công việc ở các cấp độ khác nhau. Có như vậy, công dân học tập mới trở thành công dân toàn cầu trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Do đó, nhiệm vụ của hội thảo là phân tích, làm rõ thực trạng của chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ của tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế-xã hội. Hội thảo cũng cần khẳng định: Nếu một công dân (người lao động) đạt được 10 tiêu chí thì chất lượng nguồn nhân lực có được nâng lên hay không? Có đáp ứng được yêu cầu cách mạng 4.0 và Chính phủ số trong bối cảnh hội nhập hay không?
|
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu. Ảnh: VA |
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Nguồn nhân lực là yếu tố cơ bản, quan trọng nhất trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Kinh nghiệm các quốc gia cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực phụ thuộc vào việc đầu tư phát triển nền giáo dục hiện đại, thể hiện trong chiến lược phát triển một xã hội học tập mà về bản chất đó là nền giáo dục mở, tạo ra sự bình đẳng về tiếp cận giáo dục cho mọi người, ai cũng có thể học hành cũng như tạo cơ hội để phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay, trong những năm qua, thực hiện đột phá chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục của nước ta đã đạt được một số kết quả quan trọng. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực tại chỗ thông qua các mô hình học tập theo các tiêu chí cụ thể của “Công dân học tập” có nhiều chuyển biến tích cực. Giáo dục đại học đã bước đầu gắn kết với giáo dục thường xuyên, cung cấp các chương trình đào tạo có chất lượng cao, góp phần xây dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời, xây dựng các công dân học tập từ chính đội ngũ giảng viên, sinh viên và hình thành những đơn vị học tập. Quá trình xây dựng và phát triển xã hội học tập đã tạo cơ hội, tạo điều kiện cho người dân được học tập để nâng cao kiến thức, rèn luyện, phát triển kỹ năng thường xuyên, liên tục và suốt đời. Tuy nhiên, việc thực hiện đột phá chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực vẫn còn không ít những hạn chế và tổ chức thực hiện: Đổi mới tư duy, hoạt động giáo dục và đào tạo còn chậm, chưa quyết liệt…
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, ở Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế, yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực tại chỗ là cơ sở cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước, là tiền đề quan trọng để xây dựng các mô hình học tập.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Hội Khuyến học Việt Nam thời gian tới tiếp tục phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng chỉ đạo “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, hướng vào mục tiêu cốt lõi, bao trùm là nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo con người cả về phẩm chất và kỹ năng cần thiết để giúp con người tự học, học tập suốt đời, đáp ứng trình độ phát triển của đất nước trong mỗi giai đoạn cụ thể, lĩnh vực cụ thể. Xây dựng mô hình “Công dân học tập” có nhân cách, đạo đức, lối sống; có trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội; có ý thức dân tộc, khát vọng cống hiến chấn hưng đất nước; có năng lực đổi mới, sáng tạo, tự chủ, làm chủ, vượt qua thách thức; có tri thức khoa học, công nghệ thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư... Đây là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đề nghị hội thảo cần tập trung làm rõ thực trạng về chất lượng nguồn nhân lực theo mô hình “Công dân học tập” ở các ngành, các lĩnh vực, các nhóm đối tượng lãnh đạo, quản lý, người lao động; đặc biệt là chất lượng nhân lực đội ngũ cán bộ trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục và đào tạo. Đồng thời, chỉ ra được bất cập, hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; trong việc triển khai, lồng ghép một số chuyên đề vào chương trình giáo dục chính trị tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, trung tâm bồi dưỡng chính trị. Từ đó, xác định những giải pháp hữu hiệu, nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng các mô hình công dân học tập, đơn vị học tập, xã hội học tập, để hình thành một văn hóa trong học tập, lấy tự học làm thước đo đánh giá năng lực của mỗi người trong công việc và cuộc sống.
|
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: VA |
Chia sẻ tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Đổi mới giáo dục là một quá trình, đây là vấn đề được nhân dân quan tâm, sẽ có nhiều khó khăn hơn so với các ngành khác. Có những việc đã làm phải 10 năm sau mới nhìn thấy kết quả. Điều quan trọng là phải kiên định thực hiện, bám theo yêu cầu thực tiễn, xu thế thế giới.
Theo Phó Thủ tướng, từ khi triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục Việt Nam đã có bước phát triển vững chắc, toàn diện từ mầm non, phổ thông, dạy nghề, đại học. Đối với việc xây dựng xã hội học tập, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, thời gian qua, Hội Khuyến học Việt Nam đã làm tốt nhưng phần việc của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị cần làm tốt hơn. Cần phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân thấy được sự cần thiết của việc học tập suốt đời, học để phát triển. Nếu không học sẽ không đáp ứng được sự thay đổi của yêu cầu công việc. Chúng ta cần làm thật tốt việc tôn vinh những người có tri thức, hiểu biết, những người giỏi, tạo điều kiện để họ mang kiến thức đóng góp cho xã hội. Học không chỉ dừng lại để mưu sinh mà học còn để thay đổi thế giới. Muốn như vậy cần khơi dậy sự sáng tạo và đam mê học hỏi ở mỗi người dân. Mỗi cơ quan, đơn vị cũng cần tạo điều kiện cho người lao động, cán bộ công nhân viên có cơ hội học tập, nâng cao nhận thức, trình độ.../.