Người giáo viên 30 năm cùng học trò tìm lại âm thanh cuộc sống

Thứ sáu, 22/11/2024 00:38
(ĐCSVN) - Từ những khoảnh khắc chứng kiến các em học sinh khiếm thính hồn nhiên chơi đùa, chăm chú học bài, và những cuộc trò chuyện ấm áp bên bà ngoại, dì ruột, cô sinh viên Hồ Ngọc Huyền như cảm nhận sâu sắc hơn bao giờ hết sự gian nan, vất vả của nghề giáo. Chính tình cảm chân thành và sự đồng cảm ấy đã thôi thúc cô đến với các em học sinh khuyết tật khiếm thính tại Trường Chuyên biệt Hy Vọng Bình Thạnh.
  Cô Huyền đã gắn bó với học sinh khiếm thính suốt 30 năm qua.

Cô Huyền bắt đầu thực tập tại Trường Chuyên biệt Hy Vọng Bình Thạnh từ tháng 11/1994. Đến tháng 6/1995, cô trở thành giáo viên chính thức tại trường, trở thành thế hệ thứ ba theo nghề giáo viên chuyên biệt tại ngôi trường này.

“Để dạy các em học sinh khuyết tật thì không phải bất kì ai cũng có thể dạy được, bởi ngoài tình yêu thương còn phải có tính kiên trì, nhẫn nại. Từ chỗ nể phục ngoại và dì cộng với nhiệt huyết muốn tìm hiểu thêm về các em khiếm thính và muốn góp phần nào đó mang lại tri thức và giảm bớt sự thiệt thòi của các em đã phải chịu, giúp các em có thể phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, để các em không còn mặc cảm, tự tin trong cuộc sống. Đó là lí do thúc đẩy tôi đến với các em học sinh khiếm thính”. Cô Huyền tâm sự.

Vạn sự khởi đầu nan, khi mới bước chân vào môi trường dạy học sinh khiếm thính cô Huyền đã gặp muôn vàn khó khăn: khó khăn khi giao tiếp với học sinh; khó khăn vì thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; khó khăn khi làm sao để giúp cho học sinh sự tự tin, mạnh dạn hòa nhập tham gia vào các hoạt động cùng với bạn bè... và đặc biệt là việc tìm cách để làm sao có thể truyền tải những kiến thức, mục tiêu bài học đến với các em học sinh đầy đủ và hiệu quả nhất.

Niềm vui trong ánh mắt và nụ cười của các em mỗi khi được cô khích lệ, động viên là minh chứng rõ nhất cho tình yêu của cô Huyền với các em học sinh. 

May mắn cô Huyền nhận được sự giúp đỡ, động viên của Ban Giám hiệu cũng như các đồng nghiệp; được tham dự các lớp tập huấn, các khóa học chuyên môn để nâng cao kỹ năng dạy học đối với học sinh khuyết tật. Cô tự mình tìm hiểu rõ các tật của từng em, từ đó tìm hiểu các phương pháp dành cho mỗi em. Cô Huyền bảo “dạy trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ khiếm thính còn khó hơn rất nhiều. Tôi thường tạo ra các trò chơi thông qua việc học để lôi cuốn các em, giúp các em kiên trì để có thể theo đuổi được việc học. Học sinh nhỏ thì xem như con mình; học sinh lớn thì gần gũi, trò chuyện, hòa đồng với các em như những người bạn.

Cô Huyền cho biết, mục tiêu chính của giáo viên tại trường là phát triển khả năng nghe nói của các em và đi đôi với chương trình dạy văn hóa. Hiện nay, trường có gần 130 học sinh đang theo học ở các cấp học từ mẫu giáo, tiểu học, trung học, phân chia theo nhóm lớp. Các em được học đầy đủ các môn học phổ thông và được học nói theo một giáo trình bài bản giúp sớm hòa nhập.

Có mặt trong một tiết học của các em học sinh lớp 3 do cô Huyền làm chủ nhiệm, các em nghe kém và nói còn ú ớ. Thế nhưng chứng kiến cô Huyền dạy các em đánh vần từng chữ chúng tôi càng cảm phục cô Huyền và các cô giáo tại ngôi trường đặc biệt này. Niềm vui trong ánh mắt và nụ cười của các em mỗi khi được cô khích lệ, động viên là minh chứng rõ nhất cho tình yêu của cô Huyền với các em học sinh.  

  Niềm hạnh phúc nhất với cô Huyền là sự trưởng thành của các em học sinh.

“Những bài học trong sách hay những bài học được dạy từ thực tế đều khó so với các em, vì thể cần hạ mục tiêu xuống và chia nhỏ bài học. Bởi vì các em không thể tiếp thu kiến thức trong một buổi dạy, cho nên phải chia nhỏ, luyện khẩu hình, giải thích và kiên trì mỗi ngày một chút. Cũng vì vậy mà tại đây mỗi lớp các em đều học trong hai năm mới hoàn thiện chương trình”. Cô Huyền tâm sự.

Vì khiếm khuyết nên các em thường tự ti, không dám giao tiếp, tiếp xúc với mọi người, rất nhiều trường hợp khi nhập học đã trong tình trạng tự kỷ. Chính vì thế, giáo viên ở đây không chỉ dạy kiến thức, cùng học trò tìm lại âm thanh cuộc sống, mà còn giúp các em tự tin hòa nhập cộng đồng…

"Lúc trước mình nghĩ nghèo là thiếu may mắn nhưng khi được gặp, tiếp xúc các em học sinh nơi đây mình đã thay đổi suy nghĩ. Chính các em nơi đây mới là người thiếu may mắn trong cuộc sống, tuy nhiên các em đã rất kiên cường, nỗ lực hơn rất nhiều lần so với những người khác để cố gắng hòa nhập với cuộc sống", cô Huyền chia sẻ.

Bằng những nỗ lực của bản thân và hỗ trợ của nhà trường, cô Huyền đã đạt được nhiều danh hiệu trong hoạt động chuyên môn, giảng dạy, các hoạt động phong trào từ cấp trường đến cấp quận, thành phố và toàn quốc... Với cô Huyền, phần thưởng quý giá nhất vẫn là sự tiến bộ của các em học sinh. Điều hạnh phúc nhất với cô là được chứng kiến các thế hệ học sinh trưởng thành, ra trường có công ăn việc làm, tự lo được cho cuộc sống của mình.

 Chương trình Chia sẻ thầy cô năm 2024 giao lưu với cô trò Trường Chuyên biệt Hy Vọng Bình Thạnh.

Cô Huyền là một trong 60 tấm gương nhà giáo được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024, do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Tiêu chí để lựa chọn các thầy giáo, cô giáo được tuyên dương: Có tư cách đạo đức, lối sống tốt; có nhiều đóng góp trong việc giáo dục học sinh ở địa phương, tạo được những chuyển biến nổi bật về chất lượng và hiệu quả giáo dục; có tinh thần bền bỉ vượt khó, tận tâm với sự nghiệp giáo dục, được học sinh, cha mẹ học sinh, cộng đồng yêu mến. Ưu tiên các thầy giáo, cô giáo có thời gian công tác lâu năm; các thầy giáo, cô giáo trẻ tình nguyện dạy học tại các địa phương; các thầy giáo, cô giáo có thành tích xuất sắc trong công tác.

Các giáo viên được tuyên dương sẽ được nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Kỷ niệm chương và sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng. Sau 10 năm tổ chức, chương trình đã vinh danh hơn 500 thầy cô giáo trên mọi miền đất nước.

 

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực