Những bông hoa tiêu biểu của ngành giáo dục

Chủ nhật, 17/11/2024 13:30
(ĐCSVN) - Dù mỗi người giữ một cương vị khác nhau, nhưng điểm chung của các cô giáo là sự tâm huyết, trách nhiệm, hăng say yêu nghề; là sự quyết tâm không ngừng đổi mới, sáng tạo, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ; nguyện cống hiến trí tuệ, tâm sức cho sự nghiệp giáo dục.

Sáng 17/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2024. Dưới đây là một số “bông hoa” tiêu biểu được vinh danh tại buổi Lễ.

Sống, làm việc và cống hiến cho xứng đáng với danh hiệu cao quý được được Đảng và Nhà nước phong tặng

Là người được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân đầu tiên của tỉnh Yên Bái, cô giáo Vũ Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) bày tỏ niềm xúc động khi nhận danh hiệu vinh dự cao quý nhất do Nhà nước trao tặng cho nhà giáo. Tuy nhiên, cô Vũ Thị Hạnh cho hay, bên cạnh sự tự hào, vinh dự, thì trách nhiệm đặt ra cũng rất nặng nề, phải thể hiện trách nhiệm của mình cao hơn, phải sống, làm việc và cống hiến sao cho xứng đáng với danh hiệu cao quý được được Đảng và Nhà nước phong tặng.

Cô Hạnh chia sẻ: Từ khi trở thành cô giáo, không chỉ truyền thụ kiến thức, cô luôn tâm niệm rằng giáo dục không chỉ bằng trí óc mà còn bằng cả con tim, còn phải “dạy người” cho các học sinh thân yêu.

Cô giáo Vũ Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái). Ảnh: TL.

Cô Hạnh bày tỏ tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Đảng, nhà nước, với hành lang pháp lý và những cơ chế vận hành đang được điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo Luật Nhà giáo, đội ngũ nhà giáo sẽ vững tin và vững tâm hoàn thành sứ mệnh lớn lao của mình.

34 năm vừa giảng dạy trực tiếp vừa quản lý, cô giáo Vũ Thị Hạnh luôn tích cực nghiên cứu khoa học, tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tìm tòi sáng kiến cải tiến phương pháp giảng dạy và quản lý để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời, cô cũng luôn gương mẫu đi đầu trong nghiên cứu các đề tài, sáng kiến để áp dụng có hiệu quả vào công tác giảng dạy, giáo dục của Trường THPT Chu Văn An, góp phần giữ vững các tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và trường đạt chuẩn chất lượng cấp độ 3.

Liên tục từ 2006 đến nay, năm nào, trên cương vị nhà quản lý đồng thời vẫn trực tiếp tham gia giảng dạy môn Sinh học, cô Hạnh đã có 5 sáng kiến cấp tỉnh, 15 sáng kiến cấp cơ sở được áp dụng hiệu quả trong và ngoài đơn vị, được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND tỉnh công nhận.  Điển hình như sáng kiến: "Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo”; "Một số biện pháp tổ chức, quản lý dạy thêm và học thêm trong trường THPT”; "Định luật phân tính của Mendel, những phát hiện bổ sung của di truyền học hiện đại và ứng dụng vào thực tế sản xuất”; "Xây dựng công thức giải bài tập Di truyền quần thể - Ứng dụng vào thực tiễn, giảng dạy”... Các sáng kiến này đã được áp dụng có hiệu quả tại Trường THPT Chu Văn An và nhiều trường THPT trong toàn tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT, nhất là thúc đẩy chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Động lực để tiếp thêm sức mạnh, cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục

Trở thành một trong những giáo viên tiêu biểu được vinh danh trong dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, cô giáo Cao Thị Trang, giáo viên Trường Mầm non Văn Tiến, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ đây là niềm vinh dự, hạnh phúc lớn lao.

Là một giáo viên mầm non, cô Cao Thị Trang cho biết, công việc của cô không chỉ dừng lại ở việc dạy chữ mà còn là dạy trẻ những kỹ năng sống đầu đời, nuôi dưỡng tâm hồn và xây dựng nhân cách. Những ngày tháng miệt mài bên trẻ, từ những bài hát ngây thơ, những đôi bàn tay nhỏ xíu nắm lấy tay cô, cho đến những lần động viên trẻ vượt qua khó khăn, giờ đây như được đền đáp bằng sự ghi nhận trọn vẹn này.

Cô giáo Cao Thị Trang, giáo viên Trường Mầm non Văn Tiến, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: TL.

Theo cô Trang, việc được ghi nhận, được tham gia chương trình tôn vinh trang trọng, ấm áp và đầy ý nghĩa, là động lực, tiếp thêm sức mạnh, giúp cô tự tin rằng, những nỗ lực của mình đã và đang tạo ra giá trị ý nghĩa không chỉ cho trẻ mà còn cho cả cộng đồng.

“Tận sâu trong trái tim mình, tôi cảm thấy được truyền cảm hứng mạnh mẽ để tiếp tục phấn đấu, không ngừng đổi mới và cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục. Tôi không chỉ cảm nhận được niềm vui cá nhân mà còn thấy rõ hơn sự thiêng liêng, giá trị của nghề giáo. Đây sẽ mãi là động lực để tôi tiếp tục giữ vững niềm tin vào giá trị của nghề giáo, yêu nghề, yêu trẻ và không ngừng sáng tạo trên con đường mà mình đã chọn”, cô Trang bày tỏ.

Cô Cao Thị Trang cũng bày tỏ mong muốn bản thân và các đồng nghiệp sẽ luôn được tiếp cận những cơ hội học tập, bồi dưỡng chuyên môn để nâng cao trình độ.

*Cô giáo Cao Thị Trang được đánh giá là nhà giáo có chuyên môn vững vàng, được tín nhiệm bầu là Tổ trưởng chuyên môn. Nhiều năm liền hướng dẫn, bồi dưỡng cho trẻ tham gia các cuộc thi và dành được nhiều giải cao đóng góp vào thành tích chung của nhà trường và ngành giáo dục huyện Yên Lạc.

Với vai trò là ủy viên Ban Chấp hành công đoàn, nhà giáo luôn luôn nhiệt tình, gương mẫu, tiên phong đi đầu trong mọi phong trào thi đua và các cuộc vận động của ngành, của nhà trường và của địa phương. Đồng thời là Bí thư đoàn Trường, nhà giáo luôn luôn nhiệt tình, trách nhiệm trong mọi hoạt động. Luôn thể hiện được phẩm chất của người Thanh niên tiên tiến trong thời kỳ mới - một Bí thư đoàn gương mẫu, xung kích, đi đầu, sáng tạo, nhiệt huyết, không ngại khó khăn trong mọi công tác do Đoàn xã và cấp trên giao cho.

Nỗ lực, sáng tạo, lan tỏa tinh thần của người giáo viên tiêu biểu

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Duyên, giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh là nhà giáo được Phòng GD&ĐT lựa chọn là thành viên giáo viên duy nhất của Hội đồng Tổ chuyên môn trong 2 năm học 2018- 2019, 2019- 2020 để tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các giáo viên lớp 1 trong quận. Từ năm 2020 đến nay, cô là tổ trưởng tổ giáo viên cốt cán môn Toán của quận. Năm học 2019 - 2020, cô được mời vào nhóm giáo viên tham gia thẩm định, góp ý sách giáo khoa môn Tiếng Việt Chương trình GDPT 2018 của NXB giáo dục.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Duyên, giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TL. 

Dự Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024, cô Nguyễn Thị Bích Duyên bày tỏ sự xúc động và tự hào. Đây không chỉ là niềm vui cá nhân, mà còn là sự ghi nhận cho những nỗ lực và cống hiến không ngừng nghỉ trong sự nghiệp "trồng người".

“Đây thực sự là những khoảnh khắc quý giá, giúp tôi thêm yêu nghề và càng khao khát gắn bó lâu dài với sự nghiệp giáo dục. Tôi tin rằng, những trải nghiệm này sẽ là hành trang ý nghĩa, giúp tôi không ngừng vươn lên và lan tỏa tinh thần của người giáo viên tiêu biểu đến với đồng nghiệp và học sinh”, cô Duyên chia sẻ.

Cho rằng danh hiệu này không chỉ là sự vinh danh mà còn là một trách nhiệm lớn lao, cô giáo Nguyễn Thị Bích Duyên cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nỗ lực, sáng tạo trong giảng dạy, luôn học hỏi để xứng đáng hơn nữa với niềm tin yêu của ngành giáo dục, học sinh và xã hội.

*Cô giáo Nguyễn Thị Bích Duyên đã đạt nhiều thành tích trong công tác giảng dạy, trong đó có thể kể đến một số kểt quả tiêu biểu như:  Đạt giải Nhất Hội thi “Giáo viên chủ nhiệm giỏi Tiểu học” cấp Thành phố năm học 2021 - 2022; đạt GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm giỏi cấp trường, quận trong nhiều năm; Có 01 sáng kiến: “Giải pháp giúp học sinh hứng thú khi học tập trực tuyến qua ứng dụng Booklet” được Hội đồng sáng kiến cấp Thành phố công nhận năm 2023. Được tặng 02 Bằng khen của UBND TP. Hồ Chí Minh năm 2020 và 2022…./.

 

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực