Quảng Trị: Quan tâm yếu tố công bằng trong phát triển giáo dục

Thứ bảy, 15/07/2023 14:00
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
  • Giọng nam
(ĐCSVN)- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị tỉnh Quảng Trị khi tổ chức các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo cần tính đến yếu tố vừa phát triển giáo dục mũi nhọn, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, vừa tính đến yếu tố công bằng trong giáo dục đối với vùng núi, vùng khó khăn, vùng hải đảo, học sinh dân tộc thiểu số.

Chiều 14/7, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và đoàn công tác Bộ GD&ĐT đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị về tình hình phát triển giáo dục và đào tạo địa phương.

Làm việc với đoàn công tác có Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Quang Hưng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện/thành phố của tỉnh.

 Quang cảnh buổi làm việc . Ảnh: TT

Hoàn thành hơn nửa chặng đường đổi mới giáo dục phổ thông với kết quả tích cực

Báo cáo tình hình phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Trị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cho biết: Toàn tỉnh hiện có 166 trường mầm non, 223 cơ sở giáo dục phổ thông. Ngoài tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia cao hơn so với bình quân cả nước thì tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học phổ thông của tỉnh Quảng Trị đều thấp hơn so với bình quân cả nước và so với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Những năm qua, chất lượng giáo dục đại trà của tỉnh Quảng Trị được duy trì vững chắc, chất lượng giáo dục mũi nhọn có bước khởi sắc. Giai đoạn 2018-2022, toàn tỉnh có 135 học sinh đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia; 6 học sinh đạt giải khu vực và quốc tế; 2 học sinh giành ngôi vị Quán quân và 1 học sinh ngôi vị Á quân Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia.

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tỉnh Quảng Trị đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, các kế hoạch, đề án nhằm đảm bảo các điều kiện thực hiện chương trình. UBND tỉnh phân bổ 99,624 tỷ đồng để triển khai thực hiện xây dựng, thẩm định Tài liệu giáo dục địa phương, mua sắm thiết bị dạy học, đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.

Đến nay, việc chuẩn bị và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 tại tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành hơn một nửa chặng đường của chương trình đổi mới và mang lại những kết quả tích cực.

Bên cạnh kết quả đạt được, giáo dục Quảng Trị cũng còn nhiều khó khăn. Chất lượng giáo dục không đồng đều giữa các vùng miền và các môn học. Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Toàn tỉnh còn 275 lớp ghép, riêng miền núi có 143 lớp. Còn nhiều điểm trường lẻ ở vùng miền núi, vùng khó khăn. Đội ngũ giáo viên ở một số nơi chưa đồng bộ về cơ cấu và vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ.

Tỉnh Quảng Trị kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; phân bổ kinh phí để triển khai thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và phổ thông giai đoạn 2017-2025. Xây dựng chế độ cải cách tiền lương và sửa đổi quy định tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non theo đặc thù công việc của giáo viên mầm non. Tăng cường nguồn lực từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đầu tư cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường lớp.

Đề xuất Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ hỗ trợ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách sự nghiệp giáo dục có mục tiêu cho các tỉnh khó khăn như Quảng Trị để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Bộ GD&ĐT sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, làm cơ sở để UBND tỉnh ban hành Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo địa phương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.  Ảnh: TT

Quan tâm tới giáo dục Quảng Trị là trách nhiệm của ngành

Ghi nhận sự cố gắng của tỉnh Quảng Trị trong phát triển giáo dục và đào tạo với nhiều chỉ số đáng mừng về giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, kiên cố hoá trường lớp... khi đây là địa phương khó khăn nhất trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, kết quả này cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, của các sở, ngành và người dân với sự nghiệp giáo dục.

Nhắc lại những thiệt hại, mất mát của đất lửa Quảng Trị trong kháng chiến và ảnh hưởng lâu dài của những mất mát này với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng khẳng định: quan tâm đến giáo dục Quảng Trị không chỉ là nhiệm vụ của địa phương mà là trách nhiệm của cả nước và của ngành.

Trao đổi với tỉnh về những giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo trong thời gian tới, Bộ trưởng đề cập tới việc quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng cho giáo dục, đồng thời cho biết: Bộ GD&ĐT cũng sẽ lưu tâm tới vấn đề này trong triển khai các dự án và mong tỉnh phối hợp trong tham mưu, đề xuất với Trung ương.

Về vấn đề đội ngũ, Bộ trưởng đề nghị, địa phương lưu ý đến việc sử dụng, tuyển dụng giáo viên kịp thời, đúng, đủ biên chế được giao và đúng quy định, đáp ứng yêu cầu dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đánh giá cao công tác sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường lớp của tỉnh Quảng Trị khi giảm gần 100 đầu mối, tuy nhiên theo Bộ trưởng, tỉnh cần tiếp tục rà soát, sắp xếp hợp lý, có chỗ “gom” lại nhưng có chỗ cần mở rộng thêm cho phù hợp với thực tế.

Đối với hệ thống các trường cao đẳng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, Bộ trưởng gợi mở, nên tính toán “gom” lại thành một trường đào tạo đa nghề. Riêng đối với trường cao đẳng sư phạm có những đặc thù, phải dựa trên nền tảng của khoa học cơ bản, khoa học giáo dục nên cần có con đường riêng. Vì vậy, địa phương cân nhắc để định hướng phát triển đúng đắn.

Bộ trưởng cũng lưu ý tỉnh Quảng Trị khi tổ chức các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo cần tính đến yếu tố vừa phát triển giáo dục mũi nhọn, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, vừa tính đến yếu tố công bằng trong giáo dục đối với vùng núi, vùng khó khăn, vùng hải đảo, học sinh dân tộc thiểu số.

Trước mắt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị tỉnh Quảng Trị quan tâm chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 4, lớp 8 và lớp 11 cho năm học tới. Trong đó rà soát, đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy học đảm bảo chất lượng; hỗ trợ tập huấn giáo viên; chuẩn bị tài liệu giáo dục địa phương... Ngoài ra, tỉnh cũng cần tính toán chuẩn bị các điều kiện chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục mầm non mới.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị Lê Quang Tùng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ GDĐT đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói riêng và sự phát triển của địa phương nói chung. Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị Lê Quang Tùng cho biết, địa phương sẽ tiếp thu các ý kiến trao đổi của lãnh đạo Bộ GDĐT và đại diện các đơn vị thuộc Bộ để có những điều chỉnh và có những quyết sách phù hợp nhằm phát triển giáo dục và đào tạo./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực