|
Chiều 29/6, thí sinh đã hoàn thành bài thi Ngoại ngữ, bài thi cuối cùng trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. (Ảnh: VA) |
Đánh giá về đề thi Tiếng Anh, cô Nguyễn Thị Thanh Hương, giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng, đề thi bám sát cấu trúc đề thi tham khảo mà Bộ GD&ĐT đã công bố vào tháng 3 năm 2023: 50 câu hỏi với thời gian làm bài 60 phút. Đề thi có độ phân hóa không cao so với đề thi chính thức kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2022. Các đơn vị kiến thức được hỏi chủ yếu nằm trong chương trình Tiếng Anh lớp 12, không xuất hiện dạng câu hỏi mới, lạ, câu hỏi cực khó, bám sát mục tiêu của kì thi tốt nghiệp THPT.
Về nội dung kiến thức: Cũng như mọi năm, đề thi kiểm tra các kiến thức về ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, chức năng giao tiếp, kỹ năng viết, kỹ năng đọc – đây đều là các kiến thức quen thuộc với thí sinh.
Về độ khó của đề thi, khoảng 84% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và phần còn lại là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao, độ phân hóa đề thi vẫn tập trung vào các câu hỏi từ vựng và suy luận của bài đọc hiểu. Các câu hỏi ngữ pháp, từ vựng, tìm lỗi sai… là các kiến thức quen thuộc, xuất hiện nhiều trong chương trình học THPT lớp 12, tuy nhiên câu hỏi về thành ngữ vẫn là câu hỏi để lấy điểm cao (câu 17 mã 409); câu hỏi từ vựng nâng cao (câu 8 mã 409); câu sửa lỗi sai về từ vựng (câu 50 mã 409), yêu cầu thí sinh cần có vốn từ phong phú và hiểu nhiều lớp nghĩa của từ. Câu hỏi về từ cùng trường nghĩa cũng không đánh đố thí sinh như các đề thi năm trước.
Bài đọc hiểu với chủ đề về Communication và Work experience quen thuộc. Các câu hỏi yêu cầu tư duy cao vẫn là câu hỏi về tiêu đề của đoạn văn (câu 31 và 36 mã 409), câu hỏi suy luận (câu 42). Mặc dù vậy nhưng các câu hỏi này không phải là các câu hỏi yêu cầu quá khó, thí sinh có thể dựa vào thông tin trong bài đọc kết hợp sử dụng các phương pháp loại trừ vẫn có thể chọn được phương án có khả năng đúng.
Theo cô Nguyễn Thị Thanh Hương, tiếng Anh là môn thi cuối cùng của kì thi tốt nghiệp THPT và đây cũng là môn thi có kết quả thấp nhất trong tất cả các môn thi trong nhiều năm liền với tỉ lệ điểm thi dưới trung bình cao nhất. Dự kiến, phổ điểm năm nay có thể sẽ tương tự như năm 2022, số điểm 9+ sẽ nhiều và tập trung ở nhóm học sinh khối D hoặc chọn Tiếng Anh là môn xét tuyển đại học, tuy nhiên điểm 10 sẽ không nhiều.
|
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thăm hỏi thí sinh sau khi kết thúc bài thi tổ hợp tại điểm thi Trường THPT Đỗ Công Tường. (Ảnh: TT) |
Chấm thi tự luận cần thống nhất tạo công bằng, khách quan cho thí sinh
Ngày 29/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn dẫn đầu Đoàn công tác kiểm tra thực tế công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT tại Đồng Tháp.
Đoàn công tác số 2 của Bộ GD&ĐT đến kiểm tra thực tế công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại 3 điểm thi THPT Thiên Hộ Dương, THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu và THPT Đỗ Công Tường, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Dịp này, Đoàn công tác làm việc cùng Ban chỉ đạo thi tỉnh Đồng Tháp. Tiếp đoàn có ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp; bà Nguyễn Thuý Hà, Giám đốc Sở GD&ĐT, cùng các thành viên Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tỉnh Đồng Tháp.
Báo cáo về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại tỉnh Đồng Tháp, bà Nguyễn Thuý Hà, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, năm nay tỉnh bố trí 35 điểm thi với 685 phòng thi, số phòng chờ cho thí sinh thi xong các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp là 58. Tổng số thí sinh đăng ký tham gia dự thi là 15.230...
Ngành Giáo dục chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương là thành viên ban chỉ đạo, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, thông tin liên lạc phục vụ kỳ thi; Quan tâm phòng chống cháy nổ, thiên tai, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế, điện, nước và các tình huống bất thường khác...
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho hay: Ban chỉ đạo thực hiện tốt việc nắm kỹ quy chế thi, đặc biệt là các điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Lãnh đạo tỉnh đánh giá cao công tác tổ chức của ngành Giáo dục, ngành đã phối hợp rất tốt với các sở ban ngành khác, tuy nhiên không được lơ là, chủ quan, mà cần tăng cường cảnh giác. Tất cả 35 điểm thi đều được kiểm tra thực tế đảm bảo an ninh trật tự và an toàn.
Lãnh đạo tỉnh cũng rất quan tâm vấn đề tâm lý của học sinh và phụ huynh. Các đơn vị chủ động tiếp cận, nắm bắt thông tin và kịp thời hỗ trợ các trường hợp khó khăn, hỗ trợ giải toả tâm lý thi cử của phụ huynh và học sinh, bố trí điểm thi gần nhà, thuận tiện và không áp lực.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với ngành Giáo dục nói chung và công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT nói riêng. Với sự tham gia của nhiều cấp, nhiều bên, nhiều người và hệ thống văn bản, kế hoạch, hướng dẫn phân công cụ thể, rõ ràng…, mọi công tác triển khai thi trên địa bàn tỉnh diễn ra an toàn, suôn sẻ.
Đặc biệt thời gian qua, Ban chỉ đạo tỉnh đã tiến hành kiểm tra cơ sở vật chất và rà soát kỹ lưỡng các điều kiện đảm bảo thi cử, góp phần tạo nên thành công của kỳ thi.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng nhấn mạnh vai trò con người trong công tác tổ chức: “Công nghệ đến mấy thì yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Nếu thí sinh và cán bộ tham gia có kỹ năng, ý thức và nhận thức rõ tác hại thì chắc chắn sẽ hạn chế những sai sót, những trường hợp vi phạm quy chế”.
Để thực hiện tốt công tác chấm thi trong thời gian tới và coi thi trong những năm tiếp theo, lãnh đạo Bộ GD&ĐT lưu ý địa phương tập trung tuyên truyền, truyền thông và quán triệt tầm quan trọng của kỳ thi, đặc biệt là vấn đề bảo mật đề thi.
Mặc dù đã có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức thi nhưng cũng có nhiều tình huống chưa xảy ra với mình, do đó tỉnh cần nhắc nhở thêm cán bộ các tình huống bất ngờ thì phải báo ngay để có phương án giải quyết, đảm bảo quyền lợi tối đa thí sinh dự thi.
Với công tác chấm thi, tỉnh cần rà soát kiểm tra phần mềm kỹ thuật và phần cứng phục vụ chấm thi, đặc biệt lưu ý chấm thi tự luận cần thống nhất tạo công bằng, khách quan cho thí sinh./.