Thúc đẩy mô hình khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học

Thứ ba, 19/10/2021 21:11
(ĐCSVN) - Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đến nay đã có 50% các trường đại học đã thành lập được các câu lạc bộ khởi nghiệp; 70 cơ sở đào tạo bố trí được không gian hỗ trợ khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên; có khoảng 45 cơ sở đào tạo đã thành lập được các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.

Ngày 19/10, Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Xây dựng mô hình hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học”. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì tọa đàm. Tọa đàm được kết nối từ điểm cầu chính tại Trường đại học Công nghệ Giao thông vận tải với 40 điểm cầu là các cơ sở giáo dục đại học, trường đại học trong cả nước.

 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: MT

Tham luận tại tọa đàm, các chuyên gia đến từ nhiều cơ sở giáo dục đại học, nhận định, sáng tạo và khởi nghiệp là trụ cột để giúp cho các hoạt động đào tạo và hoạt động nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học đến gần hơn với thực tiễn.

Đại diện các cơ sở giáo dục đại học cũng cho rằng, sau khi có đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành quyết định về kế hoạch triển khai Đề án 1665 và có công văn hướng dẫn các cơ sở đào tạo triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Đồng thời quyết định thí điểm xây dựng hệ sinh thái đổi mới tại ba cơ sở giáo dục đại học vào năm 2019 là: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Huế thì phong trào khởi nghiệp của học sinh, sinh viên thực sự được lan tỏa.

Ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên và cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” đã được Bộ GD&ĐT tổ chức thường niên. Các hoạt động này đã thu hút ngày càng đông của học sinh, sinh viên toàn quốc cũng như các cơ sơ giáo dục và các doanh nghiệp. Số dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên tăng dần theo từng năm và hàm lượng khoa học công nghệ trong các dự án ngày càng cao.

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh khẳng định, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đang được coi là một trong những nhiệm vụ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, sớm đưa Việt Nam trở thành Quốc gia khởi nghiệp có tầm ảnh hưởng trên thế giới.

Thứ trưởng cho rằng, để trở thành một Quốc gia khởi nghiệp, việc cần làm đầu tiên là xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đủ mạnh để tạo dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia ngày càng hoàn thiện hơn. Tại đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được ươm tạo, hỗ trợ và nhanh chóng có được những mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững. Thứ trưởng cũng chỉ ra rằng, trong các báo cáo nghiên cứu về việc xây dựng và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia thì vai trò của các trường đại học rất quan trọng.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh mong muốn các trường đại học, các cơ sở giáo dục đại học thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc thúc đẩy mô hình khởi nghiệp của giảng viên và sinh viên. Các trường đại học, cơ sở giáo dục đại học cần coi đây là nhiệm vụ quan trọng chứ không chỉ là phong trào.

“Trường đại học phải là nơi cung cấp thông tin, tạo môi trường, tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, hình thành văn hóa khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên và nuôi dưỡng, hỗ trợ phát triển tài năng, năng khiếu của học sinh, sinh viên”, Thứ trưởng nhấn mạnh, đồng thời hy vọng, các cơ sở giáo dục đại học sẽ từng bước hình thành được những nội dung cốt lõi, yếu tố cơ bản ban đầu để có được những mô hình khởi nghiệp hiệu quả./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực