Tiếp tục cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo về đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Thứ năm, 20/04/2023 11:56
(ĐCSVN) - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, các kiến nghị của tỉnh Bình Định sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, xây dựng Báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.

Chiều 19/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với UBND tỉnh Bình Định về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: TT

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang nêu những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị, Trung ương tiếp tục cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo về đổi mới chương trình, sách giáo khoa thành các chỉ tiêu, kế hoạch, chương trình hành động của các cấp, các ngành, huy động mọi điều kiện để bảo đảm mục tiêu 100% các cơ sở giáo dục phổ thông sẵn sàng các điều kiện cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình. Tập trung nguồn lực, lồng ghép các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án về tăng cường cơ sở vật chất để đủ phòng học theo lộ trình thực hiện sách giáo khoa mới. Xây dựng bổ sung phòng học, phòng chức năng (giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, tin học, ngoại ngữ, thiết bị giáo dục...), phòng thư viện. Mua sắm bổ sung bàn ghế học sinh, máy tính, bộ thiết bị phòng học ngoại ngữ, bộ thiết bị dạy học tối thiểu. Tiếp tục xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Rà soát cơ cấu đội ngũ giáo viên, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch tuyển dụng theo vị trí việc làm để bảo đảm chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông, vận động sự ủng hộ về mọi mặt của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân; thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục, xây dựng trường chuẩn quốc gia tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bình Định cũng kiến nghị, Nhà nước cấp sách miễn phí cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các nhà xuất bản cần cung cấp đủ số lượng sách và gửi trước thời gian tập huấn để giáo viên có thời gian tham khảo.

Sau khi nghe báo cáo của địa phương, ý kiến của các bộ, ngành Trung ương và các thành viên Đoàn giám sát, phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung và các điều kiện bảo đảm của tỉnh Bình Định để cuộc làm việc thu được nhiều kết quả tích cực. Các báo cáo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, phản ánh khá toàn diện việc thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn; tài liệu được cung cấp kịp thời, đầy đủ, nhiều số liệu, các kiến nghị rõ ràng, cụ thể, đáp ứng yêu cầu của Đoàn giám sát.

Đoàn giám sát nhận thấy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, lãnh đạo và hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và các chương trình, đề án của Chính phủ. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ bản được ban hành kịp thời, sát với tình hình thực tiễn. Đây là căn cứ để địa phương và các cơ sở giáo dục trên địa bàn xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện. Các cơ sở giáo dục, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã phát huy tính chủ động, linh hoạt để triển khai Chương trình với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nêu rõ, trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng Bình Định đã quan tâm, bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực tương ứng để đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục; rà soát, đánh giá đội ngũ giáo viên, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đúng kế hoạch, với đội ngũ giáo viên đạt chuẩn cao; đã tổ chức hướng dẫn, kiểm tra quá trình triển khai thực hiện nghiêm túc; thực hiện quy trình lựa chọn sách giáo khoa theo quy định; biên soạn và phát hành tài liệu giáo dục địa phương đáp ứng yêu cầu dạy và học. Những kết quả bước đầu trong đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông mà tỉnh đã đạt được thời gian qua là rất đáng trân trọng.

Qua khảo sát thực tiễn, Đoàn giám sát nhận thấy, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn còn một số khó khăn, vướng mắc, như: nguồn lực đầu tư cho việc đổi mới giáo dục phổ thông còn thấp so với nhu cầu; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu hoặc được đầu tư chưa đồng bộ, một số công trình, phòng học, thiết bị dạy học xuống cấp, hoặc chậm được mua sắm, bổ sung, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên dạy các môn học mới, việc cơ cấu lại, đào tạo và bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn có những khó khăn nhất định; còn có giáo viên lúng túng, chưa quen với phương pháp giáo dục, phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Giá sách giáo khoa còn cao so với mặt bằng đời sống của một bộ phận người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Việc đổi mới quản lý, quản trị nhà trường vẫn còn lúng túng nhất định trong thời gian đầu thực hiện. "Đây là một số trong những thách thức đang đặt ra trong lộ trình thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ rõ.

Đoàn giám sát cơ bản tán thành với những giải pháp và kiến nghị của UBND tỉnh để nâng cao hiệu quả việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong thời gian tới. Nêu rõ điều này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, các kiến nghị của tỉnh sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, xây dựng Báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị tỉnh Bình Định tiếp tục nỗ lực, quyết tâm, sáng tạo vượt qua những khó khăn để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng lộ trình, đạt hiệu quả trong những năm học tới./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực