Tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học theo hướng toàn diện

Thứ ba, 24/08/2021 16:58
(ĐCSVN)- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn lưu ý: Năm học tới cần tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học theo hướng toàn diện, đúng hướng, đầy đủ, có chiều sâu và hiệu quả. Thực thi quyền tự chủ đại học cần lan tỏa được tới chủ thể quan trọng là người thầy, là các nhà khoa học; phải đem lại giá trị cao hơn cho tiếng nói chuyên môn của các nhà khoa học, các chuyên gia...

Ngày 24/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Giáo dục đại học năm 2021 theo hình thức trực tuyến với 500 điểm cầu được đặt tại các trường đại học và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Chưa chủ động đổi mới phương pháp dạy và học để khai thác thế mạnh của công nghệ

Báo cáo tại Hội nghị, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho hay, điểm nhấn trong năm học vừa qua của giáo dục đại học là tự chủ đại học được tăng cường; mô hình quản trị đại học có sự chuyển biến, tăng quyền chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học trong mọi mặt hoạt động từ tài chính, nhân sự đến chuyên môn học thuật, tạo ra sự bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo ra diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Đến nay, đã có 142/175 cơ sở giáo dục đại học công lập kiện toàn hội đồng trường, trong đó 34/35 đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT đã kiện toàn hội đồng trường.

 Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Giáo dục đại học năm 2021 theo hình thức trực tuyến với 500 điểm cầu.
Ảnh: Thế Đại

Tên tuổi của một số cơ sở giáo dục đại học (ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân) tiếp tục có tên trong một số bảng xếp hạng có uy tín của thế giới trong năm 2021 như Times Higher Education (THE), Center of World University Rankings (CWUR) ở một số tiêu chí đánh giá cụ thể.

Bộ GD&ĐT đã tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung và ban hành mới một số văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam và Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, gắn với yêu cầu hội nhập quốc tế và nâng cao chất lượng đào tạo; duy trì những quy định hiệu quả có tính ổn định lâu dài; khắc phục những hạn chế, tồn tại của các văn bản đã ban hành trước đây, bảo đảm tinh gọn, có tính hệ thống và đẩy mạnh liên thông giữa các trình độ giáo dục đại học.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, bà Nguyễn Thu Thủy cho rằng, vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Việc triển khai tự chủ đại học còn chậm, có nơi còn lúng túng; chưa chủ động đổi mới phương pháp dạy và học để khai thác thế mạnh của công nghệ. Một số cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh tốt nhưng chưa đầu tư về các điều kiện bảo đảm chất lượng tương xứng với quy mô đào tạo (thiếu nguồn lực). Trong khi đó, một số trường hoạt động kém hiệu quả, tuyển sinh thấp so với năng lực. Ngoài ra, số lượng chương trình đào tạo của giáo dục đại học được kiểm định chưa tăng nhiều.

Bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, định hướng năm học 2021-2022, giáo dục đại học sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ; khẩn trương rà soát, cập nhật các quy định liên quan để xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của trường; đề án vị trí việc làm; quy định đào tạo các trình độ giáo dục đại học; quy định về nghiên cứu khoa học; quy định về bảo đảm chất lượng bên trong…

Đồng thời, thành lập hội đồng trường theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; khẩn trương kiện toàn hiệu trưởng, ban giám hiệu và các chức vụ quản lý khác trong nhà trường (với các trường đã thành lập hội đồng trường); tập trung rà soát, sắp xếp, tổ chức bộ máy theo quy định tại Nghị định 120/2020/NĐ-CP.

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị trực tuyến. Ảnh: Thế Đại

Tiếp tục khắc phục khó khăn, kiên trì mục tiêu chất lượng

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, năm học vừa qua gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai và nhiều thách thức khác. Tuy vậy, toàn bộ hệ thống giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học đã nỗ lực, cố gắng vượt qua, hoàn thành kế hoạch và nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng đề ra.

Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm; cũng là năm đầu toàn ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng; các kế hoạch, các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình hành động triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Về năm học mới 2021-2022, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng đây là năm chúng ta xác định phải tiếp tục khắc phục khó khăn, kiên trì mục tiêu chất lượng, tiếp tục đổi mới thực hiện theo lộ trình và thực hiện các mục tiêu cơ bản đã được nêu ra trong kế hoạch.

Toàn ngành nói chung, giáo dục đại học nói riêng tăng cường các biện pháp để thích nghi với hoàn cảnh dịch bệnh có thể còn kéo dài; như vậy, cần có sự điều chỉnh, chuyển đổi, thích ứng. Giáo dục đại học cũng phải có những chuyển biến mạnh; trong đó có chuyển từ đào tạo trực tiếp sang kết hợp đào tạo trực tiếp và trực tuyến và trực tuyến cho từng môn, từng bộ phận. Phải kiên trì vấn đề bảo đảm chất lượng. Nhân chuyển đổi này, tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện.

Nhấn mạnh thêm đến việc cần tham gia chống dịch với tất cả những gì mình có thể, Bộ trưởng yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh nghiên cứu và tham gia nghiên cứu thuốc chữa, các công cụ phòng chống dịch. Các trường đại học y dược vừa tích cực tham gia trực tiếp vào phòng chống dịch, nhưng cũng phải tính đến khi dịch tạm lắng xuống cần phải có những chuyển đổi trong định hướng đào tạo, định hướng nghề nghiệp, cơ cấu ngành nghề của khối ngành sức khỏe. Vì hiện nay, khối ngành sức khỏe trên toàn thế giới đang có những điều chỉnh, kể cả số lượng, định hướng, nội dung.

Trong tình hình một năm học ứng phó với dịch bệnh, Bộ trưởng cũng cho rằng, việc triển khai nghiên cứu khoa học cũng phải có điều chỉnh để tham gia cùng cả nước trong chống dịch, triển khai các đề tài nghiên cứu, tư vấn chính sách về vấn đề phát triển kinh tế xã hội, những vấn đề về việc làm và những vấn đề chính sách khác, để cùng cả nước ứng phó với dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, và giải quyết những tác động của dịch bệnh đến xã hội, con người.

Tăng cường tự chủ để giải phóng nguồn lực, sức sáng tạo

Trong rất nhiều nội dung được trao đổi tại Hội nghị, một số vấn đề được Bộ trưởng tập trung chia sẻ liên quan đến tự chủ đại học; công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng; thi và tuyển sinh… Trong đó tự chủ đại học là chủ đề được trao đổi nhiều, đồng thời cũng là vấn đề rất trọng tâm với giáo dục đại học.

Với nội dung này, Bộ trưởng lưu ý: Năm học tới cần tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học theo hướng toàn diện, đúng hướng, đầy đủ, có chiều sâu và hiệu quả. Triển khai tự chủ đại học là chủ trương lớn và đã làm được một số việc trong thời gian qua. Với những việc lớn và đổi mới, ban đầu không tránh khỏi vướng mắc; quan trọng là điều chỉnh, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc và căn cứ yêu cầu thực tiễn để điều chỉnh.

Về hội đồng trường, đây là vấn đề cần tập trung, nhưng Bộ trưởng cũng cho rằng, đó chỉ là một trong rất nhiều vấn đề; và cần phải tập trung nhiều vấn đề nữa để thực hiện tự chủ được đầy đủ, đúng hướng. Trong đó, phải thực hiện cho được định hướng lớn là: tự chủ để cho đại học được năng động hơn, giải phóng được các nguồn lực và sức sáng tạo; nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tự chủ chỉ có giá trị khi nó đem lại sức mạnh để phát triển các trường đại học, đem lại sức sáng tạo lớn cho các trường đại học, đem lại chất lượng đào tạo. Nếu tự chủ không đem lại điều đó, thì cơ chế, chính sách phải điều chỉnh.

Cần tiếp tục rà soát về phương diện thể chế, từng bước đồng bộ, tạo cơ chế chính sách đầy đủ để tạo điều kiện cho tự chủ. Hiện nay, một số các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực thuộc các bộ ngành khác nhau có liên quan, cũng như một số quy định của chính Bộ GD&ĐT còn cần phải hoàn thiện, rà soát để tự chủ được đầy đủ. Trong đó các vấn đề về bộ máy, tài chính, nhân sự cần được chú ý trong thời gian tới.

“Thực thi quyền tự chủ đại học cần lan tỏa được tới chủ thể quan trọng là người thầy, là các nhà khoa học. Tự chủ phải đem lại giá trị cao hơn cho tiếng nói chuyên môn, làm cho tiếng nói chuyên môn của các nhà khoa học, các chuyên gia trở thành sức mạnh quan trọng trong quản trị, trong vận hành của cơ sở giáo dục đại học. Có như vậy mới làm cho tự chủ đại học đầy đủ, có chiều sâu. Bộ GD&ĐT sẽ có thêm định hướng cho vấn đề này”- Bộ trưởng bày tỏ.

Cùng với đó, cần phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quản lý nội bộ của các cơ sở giáo dục đại học; đặc biệt là quy chế tổ chức và hoạt động của trường. Trong đó, cần phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm và mối quan hệ giữa các chủ thể: Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban giám hiệu; mối quan hệ giữa các thành viên của Hội đồng trường và các đơn vị thuộc, trực thuộc trường theo hướng đúng vai, không lấn sân, có sự phối hợp nhịp nhàng.

Đi cùng với việc tăng cường tự chủ, theo Bộ trưởng, các cơ sở giáo dục phải làm rõ hơn, mạnh hơn cơ chế về trách nhiệm giải trình: Giải trình trước cơ quan quản lý nhà nước, trước người học, trước các bên liên quan và trước xã hội./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực