|
GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Kim Sơn) |
Sáng 2/10, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Gặp mặt nhân Ngày Khuyến học Việt Nam (2/10/2008 - 2/10/2024), Sơ kết 5 năm Kết luận 49-KT/TW và phát động Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2025.
Tham dự sự kiện có: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các hội; đại diện lãnh đạo 14 cơ quan, đơn vị mà Hội Khuyến học Việt Nam đã ký chương trình phối hợp; cùng lãnh đạo Hội Khuyến học các địa phương…
Dấu ấn đậm nét trong công tác khuyến học, khuyến tài
Phát biểu tại sự kiện, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho biết: Kể từ khi Quyết định 1271/QĐ-TTg ngày 16/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 2/10 là Ngày Khuyến học Việt Nam, ngày ra mắt toàn dân một Hội xã hội đặc thù có sứ mệnh góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia học tập, đến nay, Hội Khuyến học Việt Nam đã thực sự trưởng thành và đang vững bước phát triển, góp phần quan trọng vào sự phát triển giáo dục của nước nhà, tạo cơ hội cho người dân tham gia học tập, học tập suốt đời bằng nhiều chương trình khuyến khích, thúc đẩy sự học của toàn dân, nhất là trẻ em nghèo, cần có cơ hội được học tập, học tập suốt đời để phát triển bền vững.
Được giao sứ mệnh hỗ trợ công cuộc chấn hưng giáo dục, trong những năm qua, Hội Khuyến học Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hội luôn xác định muốn thúc đẩy sự học, thực hiện tốt sứ mệnh của mình thì phải bắt đầu từ việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân, trước hết là đội ngũ cán bộ, Đảng viên vì đây là lớp người đang thực hiện nhiệm vụ trong cả hệ thống chính trị.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho hay, trong 28 năm qua, nhất là sau 16 năm được Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 2/10 là “Ngày Khuyến học Việt Nam”, Hội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Có thể thấy, công tác thông tin tuyên truyền của Hội phát triển mạnh, cùng với các kênh thông tin truyền thống: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí Công dân và Khuyến học..., Hội đã phối hợp với Công ty VIC, VTV sản xuất chương trình “Khuyến học - Hành trình tri thức” phát sóng trên VTV1 vào chiều Chủ nhật hàng tuần. Đây là dấu ấn quan trọng, tạo đột phá trong công tác thông tin tuyên truyền của Hội Khuyến học Việt Nam.
Cùng với đó, tổ chức Hội đã phủ kín từ 100% xã, phường, thị trấn đến huyện, tỉnh, thành phố trong cả nước. Hội viên Hội Khuyến học là đảng viên nhiều tỉnh đạt từ 80% trở lên. Có tỉnh, 100% đảng viên đều là hội viên hội khuyến học. Ở hầu hết các trường phổ thông và đại học đều có Ban Khuyến học. Đến nay, tổ chức khuyến học đã phát triển ở các Đảng bộ khối, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang và một số hội xã hội, tạo thành sức mạnh tổng hợp giúp triển khai phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng có hiệu quả.
Hội khuyến học các cấp đã triển khai thành công các quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội về xây dựng các mô hình: “Gia đình, Dòng họ, Đơn vị, Cộng đồng và Công dân học tập”. Nhiều hình thức xây dựng và phát triển quỹ khuyến học hình thành và ngày càng sáng tạo. Từ nguồn quỹ 100% xã hội hóa này, Hội khuyến học các cấp đã trao cho hàng triệu lượt học sinh và giáo viên, người lớn có thành tích học tập xuất sắc thông qua các hình thức trao học bổng hàng năm.
|
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chúc mừng Hội Khuyến học Việt Nam nhân kỷ niệm Ngày Khuyến học Việt Nam (2/10/2008 – 2/10/2024). (Ảnh: Kim Sơn) |
Đặc biệt, việc hình thành và phát triển thành công giải thưởng “Nhân tài Đất Việt - Tự học thành tài” là đỉnh cao của sự sáng tạo của lãnh đạo Hội từ 20 năm trước đây và đến nay vẫn được các thế hệ tiếp nối, duy trì và phát triển. Giải thưởng này khởi động từ năm 2005, đã tôn vinh nhiều nhà khoa học, nhiều nông dân tự học, tự nghiên cứu đã chế tạo ra máy móc phục vụ lĩnh vực nông nghiệp mang lại hiệu quả cao. Giải thưởng “Nhân tài Đất Việt, Tự học thành tài” cùng với học bổng “Học không bao giờ cùng” đã trở thành thương hiệu của Hội Khuyến học Việt Nam từ nhiều năm qua.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, ngày 2/10 là ngày truyền thống của Hội Khuyến học Việt Nam. Hội Khuyến học Việt Nam đang triển khai phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2023 - 2030” do Thủ tướng phát động ngày 10/6/2023 và ngày 2/10/2023, hưởng ứng phong trào thi đua này, Hội đã phát động phong trào thi đua: “Mỗi người dân tự học, học tập suốt đời để phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số” thông qua thực hiện mô hình “Công dân học tập”. Hội Khuyến học Việt Nam sẽ sơ kết phong trào này vào tháng 12/2024. Hội bắt đầu nghiên cứu chiến lược “Khuyến học xanh” trong thời gian tới nhằm vào lứa tuổi người lao động từ 16 - 44 tuổi để có trọng tâm, trọng điểm hơn trong thực hiện nhiệm vụ, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đang đặt ra.
Vị trí, vai trò của Hội Khuyến học trong cả nước ngày càng được coi trọng
Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng cho biết: Sau 5 năm thực hiện Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban, Bộ, Ngành Trung ương, sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Tuyên giáo Trung ương, sự phối hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học các tỉnh, thành phố đã làm tốt chức năng tham mưu cho tỉnh, thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố ban hành nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước.
Hội khuyến học các tỉnh, thành phố đã phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; chủ động phối hợp tốt với các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh triển khai, thực hiện Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư đạt kết quả tốt. Công tác thông tin, truyền thông về giá trị, tầm quan trọng của sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được các cấp Hội đặc biệt chú trọng và triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hiện đại nhưng cũng phù hợp với trình độ dân trí, văn hóa của từng địa phương. Nhận thức của người dân về tầm quan trọng của học tập thường xuyên được nâng lên. Vị trí, vai trò của Hội khuyến học các cấp trong cả nước ngày càng được coi trọng.
|
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Kim Sơn) |
Hội Khuyến học, với vai trò là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm xã hội của mình. Hội Khuyến học các địa phương đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể chính trị trong tỉnh đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Chính quyền các cấp ngày càng nhận thức rõ vai trò, vị thế của tổ chức Hội Khuyến học nên ngày càng quan tâm, tạo điều kiện, môi trường cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phát triển. Từ đó, cơ hội học tập của người dân - nhất là người lớn, không chỉ học tập trong gia đình, nhà trường mà học tập toàn xã hội ngày càng được nâng cao. Truyền thống hiếu học của Nhân dân trong cả nước tiếp tục được phát huy và có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Để đạt được những kết quả sau 5 năm thực hiện Kết luận 49-KL/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên toàn quốc, đồng chí Lê Mạnh Hùng đề nghị Hội Khuyến học các cấp, các ngành cần đẩy mạnh việc thành lập, phát triển tổ chức khuyến học trong các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề… tạo nên phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời trong cả nước.
Đồng thời, coi việc thành lập tổ chức khuyến học và phát triển hội viên là trách nhiệm, nội dung hoạt động quan trọng của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp. Đặc biệt là việc phát triển đội ngũ hội viên khuyến học là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam trong các cơ sở Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị - xã hội… Coi đây là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện thành công việc xây dựng xã hội học tập ở nước ta.
|
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Kim Sơn) |
Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn gửi đến Hội Khuyến học Việt Nam lời chúc mừng, lời cảm ơn, sự thán phục đối với những công việc Hội đã thực hiện trong thời gian qua.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, trong đó, ngành Giáo dục chủ yếu chăm sóc hệ thống giáo dục chính thức, chính thống trong nhà trường. Tuy nhiên, sự bao quát quản lý Nhà nước còn có nhiều giới hạn, vì vậy, để xây dựng một nền giáo dục mở, cần có sự hỗ trợ, đồng hành, góp sức của nhà trường và xã hội. Trong đó, các hội, tổ chức, đoàn thể có vai trò hết sức quan trọng...
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, tri thức của nhân loại càng lớn, dân trí của đất nước ngày càng phát triển thì tầm quan trọng của sự học tập thường xuyên và học tập suốt đời ngày càng gia tăng. Theo đó, vai trò của Hội Khuyến học Việt Nam vai trò ngày càng lớn. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang thực hiện triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó củng cố, hoàn thiện các quy định, thể chế và dự kiến đến năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu xây dựng Luật học tập suốt đời; đặc biệt là xây dựng các cộng đồng học tập, đơn vị học tập.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Hội Khuyến học Việt Nam đã có sự phối hợp rất chặt chẽ trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện nay, tri thức nhân loại bùng nổ với nguồn dữ liệu lớn. "Khi tri thức càng lớn, chúng ta cần khuyến cách học, khuyến phương pháp học để cập nhật gia tăng tri thức. Khuyến học nhưng phải góp phần hạn chế bệnh thành tích, khuyến tài nhưng không thúc đẩy sự háo danh. Để làm được điều đó cần có sự hô ứng, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Khuyến học Việt Nam", Bộ trưởng cho biết.
Tại sự kiện, GS. TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã phát động Giải thưởng "Nhân tài Đất Việt năm 2025". GS. TS Nguyễn Thị Doan cho biết, "Giải thưởng "Nhân tài Đất Việt", "Tự học thành tài" do Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng, đã tiến hành tổ chức 19 năm với 17 lần trao giải thu hút gần 7.500 tác giả, nhà khoa học tham dự, trong đó có 250 Việt kiều, gần 3.500 sản phẩm và công trình dự thi".
Giải thưởng nhằm phát hiện và tôn vinh các tài năng trong nghiên cứu khoa học, khơi nguồn sáng tạo trong lĩnh vực: công nghệ thông tin, y tế, môi trường, nông nghiệp, giáo dục, thanh niên, khuyến học nhằm thực hiện tốt việc thúc đẩy sự nghiệp giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ. Từ đó, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng và tìm kiếm nhân tài góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ chuyển đổi số, phát triển toàn diện đất nước trong thời kỳ hội nhập sâu rộng vào quốc tế.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã tặng hoa và chúc mừng Hội Khuyến học Việt Nam nhân kỷ niệm Ngày Khuyến học Việt Nam (2/10/2008 - 2/10/2024)./.