Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 chặt chẽ, đảm bảo minh bạch, công bằng

Thứ tư, 08/06/2022 16:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN)- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị các Bộ, ban, ngành, địa phương cùng thống nhất những nội dung quan trọng liên quan đến kỳ thi và lường trước mọi khả năng, đưa ra phương án dự phòng, mọi tình huống thiên tai dịch bệnh...

Sáng 8/6, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Dự Hội nghị có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; các Thứ trưởng: Phạm Ngọc Thưởng, Nguyễn Hữu Độ, Hoàng Minh Sơn; đại diện một số Bộ, ban, ngành liên quan; đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: TT

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, trong tình hình dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề, với cố gắng chung của ngành Giáo dục, sự quan tâm của các địa phương, cùng nỗ lực vượt bậc của 63 tỉnh thành và tham gia trực tiếp của các thầy cô giáo, năm học vừa qua đã kết thúc đúng kế hoạch cho khối lớp 12. Đây là tiền đề quan trọng để có thể tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đồng loạt trên cả nước.

Trong tổ chức kỳ thi, những năm qua, lãnh đạo các tỉnh thành đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm rất cao, kịp thời chỉ đạo các sở ngành phối hợp triển khai. Năm nay, ngày 27/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 06/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tại giai đoạn nước rút này, Bộ trưởng yêu cầu Bộ GD&ĐT và các địa phương tập trung cao độ chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Trong hội nghị, Bộ GD&ĐT, các bộ ban ngành, địa phương sẽ cùng thống nhất những nội dung quan trọng liên quan đến kỳ thi và lường trước mọi khả năng, đưa ra phương án dự phòng, mọi tình huống thiên tai dịch bệnh...

Theo Bộ trưởng, hiện dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng ảnh hưởng còn hiện hữu, cần phương án tổ chức thi cho các đối tượng liên quan dịch bệnh và dự phòng các bất thường. Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo cấp tỉnh hỗ trợ tối đa Sở GD&ĐT chuẩn bị tốt nhất khâu chuyên môn cho thí sinh, bao gồm cả kiến thức và tâm lý, hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa về đi lại, lưu trú để tham gia kỳ thi tốt nhất. Đặc biệt các địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra, giữ an toàn tuyệt đối cho đề thi, công tác chấm thi,… và các khâu liên quan, đảm bảo an toàn, bảo mật, trật tự.

Năm nay kỳ thi cơ bản như năm trước, với một số đổi mới về phương diện kỹ thuật để kỳ thi thuận lợi hơn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý, tuy phương thức cũ, nhưng mỗi kỳ thi lại có sự tham gia của những học sinh mới nên đội ngũ làm thi luôn phải xem lại các quy định và các điều kiện liên quan để tổ chức kỳ thi được tốt nhất.

Ngoài việc chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn lãnh đạo các địa phương quan tâm đến các lớp học khác, thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt tuỳ tình hình thực tiễn, có thể chậm hơn một chút, để những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh có thời gian củng cố kiến thức, tâm lý, tình cảm, làm sao để các em học sinh đỡ thiệt thòi.

Kiến thức được tinh giản do tác động của dịch COVID-19 sẽ không đưa vào đề thi

Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Chất lượng cho biết, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Cục Quản lý chất lượng và các vụ, cục liên quan thuộc Bộ G&DĐT đã chủ động, phối hợp triển khai các nhiệm vụ chuẩn bị tổ chức kỳ thi.

Bộ GDĐT đã thực hiện rà soát ma trận đề thi của tất cả 15 môn thi, bảo đảm nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch COVID-19 các năm học 2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022 sẽ không đưa vào đề thi năm nay. Công tác ra đề thi thực hiện theo quy trình bảo đảm khách quan, bảo mật, trong đó phân định rõ trách nhiệm của các cá nhân tham gia.

Đến 17h ngày 05/6/2022, các đơn vị đã hoàn thành xong việc duyệt phiếu đăng ký dự thi với tổng số phiếu đăng ký dự thi trên hệ thống là 1.002.486 phiếu.

Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành công văn số 2232/BGDĐT-QLCL hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia đến kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ thi tại địa phương. Tiếp tục theo dõi công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tại các địa phương và chỉ đạo tổ chức thi theo đúng tiến độ, kế hoạch; bảo đảm kỳ thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng.

Các Sở GD&ĐT triển khai công tác coi thi ngày 7-8/7/2022 đảm bảo an toàn, nghiêm túc tại tất cả các điểm thi. Việc chấm thi tốt nghiệp THPT vẫn được giao cho các địa phương thực hiện, với sự giám sát của thanh tra các tỉnh, thành và thanh tra do Bộ GD&ĐT huy động. Theo kế hoạch, ngày 24/7 sẽ công bố kết quả thi sau khi kết quả thi của các tỉnh, thành được nhập lên hệ thống quản lý thi của Bộ GD&ĐT và tiến hành chạy đối sánh để đảm bảo kết quả chính xác tuyệt đối.

 Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TT

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao công tác chuẩn bị kỹ càng, chủ động của các địa phương, Thứ trưởng lưu ý 8 vấn đề quan trọng.

Thứ nhất, nhận thức kỳ thi này là tốt nghiệp THPT với mục tiêu là đánh giá kết quả học tập của học sinh, lấy kết quả đó làm căn cứ xét tốt nghiệp, căn cứ điều chỉnh kế hoạch dạy học, căn cứ để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Do đó, đòi hỏi sự cố gắng nỗ lực tổ chức kỳ thi chặt chẽ, đảm bảo minh bạch, công bằng, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt từ lãnh đạo các địa phương.

Thứ hai, Bộ đã ban hành đầy đủ các văn bản từ quy chế đến hướng dẫn kỹ càng, cùng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh, thành phố cũng phải có chỉ thị về công tác thi nhằm huy động tất cả các lực lượng, đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, chặt chẽ, an toàn.

Thứ ba, vấn đề nhân sự, chọn nhân sự tham gia công tác thi, cần thực hiện chặt chẽ, nhất là một số vị trí quan trọng, đề nghị ngành Công an phối hợp với Sở để lựa chọn đúng người, giao đúng việc.

Thứ tư, làm tốt công tác tập huấn các cấp, quán triệt thông tin quy chế thi, trách nhiệm, vai trò từng vị trí tới từng thầy cô tham gia làm thi. Đề nghị Ban Chỉ đạo thi, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh quan tâm, chỉ đạo đảm bảo chất lượng các lớp tập huấn.

Thứ năm, kiểm tra, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất theo quy định, nhất là với phòng in sao đề, chấm thi,… và hệ thống phá sóng đảm bảo an ninh, an toàn. Những địa điểm gần nhà dân cần thận trọng trong quá trình triển khai.

Thứ sáu, có những biện pháp, phương án phòng chống dịch tốt nhất, đặc biệt trong 3 ngày thi.

Thứ bảy, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, cố gắng tăng kỷ cương kỷ luật, giảm vi phạm, ngăn chặn, phòng ngừa là chính. Thứ trưởng cho biết, số lượng thí sinh vi phạm giảm dần qua các năm, năm 2020 có 38 em, năm 2021 có 18 em và mong muốn đội ngũ làm thi cố gắng năm nay không có thí sinh nào vi phạm. Năm ngoái, vi phạm đều là những em mang điện thoại di động vào phòng thi, nên Thứ trưởng đề nghị, các giám thị nhắc đi nhắc lại các em kiểm tra kỹ, không để phạm lỗi này dù cố tình hay vô tình.

Cuối cùng, yêu cầu quan trọng là chế độ báo cáo cần được thực hiện đúng khi có vấn đề bất thường, báo cáo bằng văn bản sớm về Bộ để nắm bắt và có hướng xử lý kịp thời./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực