Trao giải cho 150 nhà giáo tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc

Chủ nhật, 10/11/2024 16:07
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Ban Tổ chức trao các giải Nhất, Nhì, Ba cá nhân cho 150 nhà giáo có thành tích xuất sắc nhất; 6 tập thể xuất sắc được trao các giải Nhất, Nhì, Ba toàn đoàn. 65 nhà giáo được trao các giải phụ như: Sử dụng thiết bị tự làm hiệu quả nhất, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số hiệu quả nhất và Bằng khen của Trung ương Đoàn. Ban Tổ chức cũng khen thưởng 4 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức Hội giảng.
 Ban Tổ chức trao giải Nhất cho các nhà giáo đạt giải tại Lễ bế mạc. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN

Ngày 10/11, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024 chính thức bế mạc sau gần 1 tuần diễn ra. Hội giảng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức từ ngày 4-10/11, tại Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh và Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, phân hiệu Đào tạo Hoành Bồ, phường Hoành Bồ, thành phố Hạ Long.

Kết thúc Hội giảng, Ban Tổ chức trao các giải Nhất, Nhì, Ba cá nhân cho 150 nhà giáo có thành tích xuất sắc nhất; 6 tập thể xuất sắc được trao các giải Nhất, Nhì, Ba toàn đoàn. 65 nhà giáo được trao các giải phụ như: Sử dụng thiết bị tự làm hiệu quả nhất, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số hiệu quả nhất và Bằng khen của Trung ương Đoàn. Ban Tổ chức cũng khen thưởng 4 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức Hội giảng.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, đây là kỳ Hội giảng có số lượng nhà giáo tham gia nhiều nhất, với 462 nhà giáo tham gia trình giảng ở 25 tiểu ban nghề, đến từ 68 bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc. Hầu hết các bài trình giảng đều ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác, liên kết học liệu, tương tác với người học thể hiện rõ nét nỗ lực thích ứng với quá trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp. Hơn 90% tổng số bài giảng tham gia Hội giảng theo hướng trình giảng thực hành, tích hợp, chiếm tỷ lệ lớn nhất từ trước tới nay, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề. Nhiều bài giảng có sự đổi mới, sáng tạo về phương pháp giảng dạy thực hành, tích hợp; liên quan đến ngành nghề mới, kỹ năng mới, kỹ năng xanh. Số lượng ngành nghề, lĩnh vực được đa dạng hóa với 116 ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có nhiều nghề phổ biến, nhu cầu nhân lực lớn, phù hợp với sự phát triển xã hội hiện nay.

Phát biểu tại Lễ bế mạc, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, rất nhiều điểm mới của Hội giảng năm nay đã được các thành viên Ban Tổ chức mạnh dạn áp dụng để tạo nên sự khách quan tối đa về chuyên môn, cũng như tổ chức chuỗi các sự kiện bên lề đầy ấn tượng. Thông qua Hội giảng lần này, các thầy, cô giáo đã thay đổi tư duy sư phạm, phương pháp giảng dạy; nhiều thầy, cô giáo là tấm gương tiêu biểu trong đổi mới, sáng tạo, thích ứng và hội nhập về chuyên môn và phương pháp giảng dạy. Những nỗ lực đó cùng với sự hăng say, nhiệt huyết của các thầy, cô giáo nâng niu, chăm chút trong từng giây, từng phút trình giảng, là minh chứng sống động cho sự đồng lòng, sự quyết tâm của đội ngũ nhà giáo luôn sát cánh cùng với toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong công cuộc phát triển đất nước. Thứ trưởng tin tưởng các thầy, cô vẫn tiếp tục thắp sáng ngọn lửa niềm tin, tận tâm, tận tụy với nghề, truyền nhiệt huyết, chia sẻ những cách làm hay, những kinh nghiệm quý, luôn đổi mới, sáng tạo; áp dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong giảng dạy.

Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ, kết quả của giáo dục nghề nghiệp đã góp phần quan trọng hình thành đội ngũ lao động lành nghề, xây dựng giai cấp công nhân, nông dân hiện đại, lớn mạnh phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, việc đầu tiên cần làm là chuẩn hóa chất lượng của giảng viên, nhà giáo trong các cơ sở đào tạo. Đây được xem là vấn đề trọng tâm, then chốt đối với công tác đổi mới phát triển nghề nghiệp trong bối cảnh mới.

Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 3 năm/lần. Không chỉ dừng lại ở việc đạt được thành tích cao tại Hội giảng, những kinh nghiệm quý báu và những phương pháp giảng dạy sáng tạo, các bài giảng xuất sắc tiếp tục được phát huy, nhân rộng, tạo sức lan tỏa trong công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả nước, góp phần thực hiện thành công chủ trương "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo". Qua đây, giúp cho các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở có điều kiện xem xét, đánh giá đúng chất lượng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, từ đó định hướng, tổ chức thực hiện các giải pháp phù hợp hơn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động./.

Đức Hiếu/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực