Đó là chia sẻ của GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam tại Hội thảo khoa học “Công dân học tập trong điều kiện bình thường mới” do Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức ngày 8/10, tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hội (02/10/1996 – 02/10/2021).
|
GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: VA |
Phát biểu tại Hội thảo khoa học, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ, đại dịch COVID-19 với các biến thể mới đã và đang làm ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe người dân, sức khỏe nền kinh tế và còn nhiều diễn biến khó lường. Vì tương lai đất nước, vì hạnh phúc nhân dân, mỗi cá nhân, mỗi tổ chức… cần xác định lại vị trí của mình trong bối cảnh mới, trong điều kiện phải thực hiện bằng được “mục tiêu kép” do Chính phủ đề ra.
Nói về công dân học tập, theo GS.TS Nguyễn Thị Doan cần có 3 năng lực cơ bản đó là: Năng lực tự học, học tập suốt đời; năng lực sử dụng các công cụ tương tác và năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội. Điều đầu tiên đặt ra đối với các “Công dân học tập” thời kỳ dịch bệnh là các công dân cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước. Trước tiên, để thực hiện “mục tiêu kép”, mỗi người dân cần chấp hành tốt pháp luật, thực hiện tốt các quy định của chính quyền và Bộ Y tế. Mỗi người được an toàn trong mùa dịch là cả gia đình an toàn, cộng đồng an toàn và đất nước an toàn. Mỗi quốc gia an toàn là thế giới an toàn. Đó là trách nhiệm công dân của mỗi người.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, thực tế vừa qua cho thấy, phương pháp học truyền thống: Thầy – trò, Trường – lớp trực tiếp tương tác đã không thể đáp ứng nhu cầu học tập an toàn trong mùa dịch. Và tất cả buộc phải học và làm việc trực tuyến, tuy lúc đầu khó khăn nhưng chúng ta cũng đã thành công bước đầu và việc học trực tuyến đã trở thành thói quen. Do đó nhân đợt dịch này, mỗi nhà trường, mỗi tổ chức nên nhìn nhận lại công nghệ tổ chức, công nghệ dạy học, công nghệ vận hành của tổ chức mình vừa qua để định hình lại công việc cho phù hợp với điều kiện mới, để vừa đảm bảo công việc, cuộc sống… diễn ra bình thường song năng động hơn, tích cực hơn. Nhìn lại 2 năm chống dịch thấy rõ điều đó.
“Chuyển biến rõ nhất là phương pháp học trực tuyến. Song học trực tuyến chỉ có hiệu quả khi mỗi người cần trau dồi và rèn luyện kỹ năng tự học – kỹ năng quan trọng nhất và là năng lực đầu tiên bắt buộc phải có đối với mỗi “Công dân học tập” thời kỳ 4.0, và nó lại càng quan trọng hơn khi dịch bệnh kéo dài, không biết bao giờ chấm dứt. Tất nhiên muốn thành công thì các điều kiện cho việc học này phải được đảm bảo tương đối đầy đủ”- GS.TS Nguyễn Thị Doan bày tỏ.
GS.TS Nguyễn Thị Doan chia sẻ thêm, trong thời dịch bệnh, nhất là hiện nay, ai cũng có thời gian làm việc ở nhà nhiều hơn. Do đó cần phải có thói quen học tập, đọc sách mỗi ngày. Thay vì vào mạng, để tìm tin “hot” thì hãy tiếp tục học tập các chương trình phù hợp, cần thiết cho cuộc sống, công việc trên mạng. Khi kiến thức được dung nạp, tư duy, sáng tạo sẽ phát triển và người học sẽ cảm thấy tự tin với bản thân mình trong công việc, trong cuộc sống. Như vậy, dịch bệnh đã buộc mỗi công dân phải định hình lại cách rèn luyện mình, cuộc sống và công việc của mình cho phù hợp với xu hướng mới. Với xu hướng mới này, dù trong tình huống nào mỗi người vẫn phải sống khỏe mạnh, phải học, phải phấn đấu để mọi việc đều ổn định và phát triển, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
|
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VA |
10 kỹ năng cơ bản và phẩm chất mong muốn của “Công dân học tập”
Tham gia góp ý tại hội thảo, bà Phạm Thị Hòe, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ 10 kỹ năng cơ bản và phẩm chất mong muốn của “Công dân học tập” đó là: kỹ năng đọc, cập nhật những thông tin và trí thức trên sách báo, tivi, máy tính, điện thoại di động thông minh; kỹ năng xây dựng kế hoạch học tập theo các chương trình phục vụ yêu cầu công việc, hoặc do Nhà nước, cơ quan hay đoàn thể quy định; kỹ năng sắp xếp hợp lý các công việc để có thời gian tham gia các hoạt động cộng đồng, tại nhà văn hóa, câu lạc bộ, thư viện, các hội thảo, hội nghị; kỹ năng vận động và tạo điều kiện cho người thân trong gia đình và đồng nghiệp học tập thường xuyên; kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công việc và vị trí; kỹ năng sử dụng ngoại ngữ theo yêu cầu công việc và vị trí đảm nhiệm; kỹ năng tính toán để công việc đang làm luôn được cải tiến, sáng tạo, đạt chất lượng và hiệu quả cao, đóng góp nhiều cho xã hội; kỹ năng tư duy biện chứng và tư duy phản biện trong công việc, trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… hoạt động xã hội; kỹ năng tạo dựng các mội quan hệ thân thiết với mọi người, điều hòa để tránh xung đột, có trách nhiệm với gia đình và xã hội, tuân thủ pháp luật tốt; kỹ năng hợp tác, chia sẻ trong lao động và hoạt động xã hội. Tôn trọng bình đẳng giới và sự đa dạng văn hóa, có ý thức bảo vệ môi trường.
Bà Phạm Thị Hòe cũng cho hay, trong bối cảnh giãn cách xã hội “ai ở đâu, ở yên đó”, các thành viên trong gia đình càng có cơ hội giúp đỡ nhau. Chỉ trong thời gian ngắn, nhanh, từ người lớn đến trẻ em đi học trong gia đình đều cơ bản sử dụng thành thạo các công cụ giúp cho việc học tập như: Giáo viên và học sinh tham gia giảng dạy và học, thi qua mạng; người lớn tương đối thành thạo sử dụng, áp dụng công nghệ thông tin để biết khai thác tri thức.
“Nhiểu kỹ năng, phẩm chất mong muốn của mô hình “Công dân học tập” rất thiết thực trong cuộc sống. Khi công dân phấn đấu là công dân học tập là đã thực hiện 10 chỉ tiêu tức 10 kỹ năng và phẩm chất mong muốn mà trong Đề án “Xây dựng tiêu chí công dân học tập” của Hội Khuyến học Việt Nam sẽ trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2021”- bà Phạm Thị Hòe bày tỏ./.