Truyền thông mạnh mẽ, tạo sự lan tỏa về công tác khuyến học, khuyến tài trong xã hội

Thứ ba, 01/10/2024 08:35
(ĐCSVN) - Hội Khuyến học Việt Nam mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành trong công tác khuyến học, khuyến tài; thường xuyên nêu những gương người tốt, việc tốt; đi thực tế để thấy được sự học trong nhân dân, phản ánh được sự sôi động trong phong trào thi đua từ quần chúng nhân dân đến cơ sở, gia đình, dòng họ. Như vậy, sẽ sớm xây dựng được xã hội học tập tốt hơn.
GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Bích Liên 

Nhân kỷ niệm Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam về những thành tựu trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Phóng viên: Ngày 16/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định lấy ngày 02/10 hằng năm là “Ngày Khuyến học Việt Nam”. Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong những năm qua của Hội Khuyến học Việt Nam kể từ khi “Ngày Khuyến học Việt Nam” ra đời?

GS.TS Nguyễn Thị Doan: Đã 16 năm, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 2/10 làm ngày Khuyến học Việt Nam đến hôm Hội Khuyến học Việt Nam đã trưởng thành vững chắc.

Hiện nay, Trung ương Hội khuyến học Việt Nam đang triển khai Kế hoạch sơ kết Kết luận 49 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Trong sự kiện này với vai trò là người được giao hỗ trợ giáo dục, chấn hưng giáo dục, Hội Khuyến học Việt Nam đã triển khai nhiều những hoạt động trong thời gian qua.

Thứ nhất là công tác thông tin tuyên truyền. Hội Khuyến học Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí như: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí Công dân Khuyến học, Báo điện tử Dân Trí, Tạp chí Tuyên giáo, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam …Thời gian qua, Hội đã liên kết với VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam làm Chương trình “Khuyến học - Hành trình tri thức”, giúp cho Hội lan tỏa những tấm gương học tập tiêu biểu, những người đã vận dụng kết quả học tập của mình vào thực tế rất thành công.

Ngoài ra, thông qua các cơ quan báo chí việc phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được các cấp hội triển khai với nhiều sáng kiến.

Có thể kể đến như việc tổ chức cuộc thi cán bộ giỏi, thi những người làm công tác xã hội giỏi, thi những cán bộ làm công tác tuyên truyền tốt. Ngoài ra, còn có cuộc thi viết của các tạp chí, ví dụ như: Cuộc thi Sức khỏe học đường; Cuộc thi viết về Gia đình học tập (sắp tới sẽ tổ chức)…

 

Có thể nói công tác thông tin tuyên truyền của Hội nhờ có các phóng viên, các báo đài mà tinh thần khuyến học và các tấm gương khuyến học được lan tỏa. Hiện nay, công tác khuyến học có nhiều thuận lợi hơn, bởi nhiều người biết đến và hiểu hơn.

Thứ hai, Hội Khuyến học Việt Nam đã tập hợp được các tổ chức chính trị xã hội, tập hợp được quần chúng cùng tham gia làm khuyến học, khuyến tài. Theo báo cáo của hội khuyến học các tỉnh, thành phố, đến nay số hội viên khuyến học cả nước đạt trên 26 triệu người, đạt tỷ lệ gần 26,2% dân số, là lực lượng lòng cốt để thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Có thể nói có một nét mới trong công tác tổ chức Hội đó là tổ chức Hội đã phát triển thêm cả các lực lượng vũ trang (trước đây chỉ là các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp). Cùng với đó, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cũng đã ký kết hợp tác với Hội Khuyến học Việt Nam và ở đó đều có Ban Khuyến học. Chúng tôi rất cảm động khi tinh thần khuyến học được lan tỏa ở nhiều bộ, ngành. Cùng với đó, tinh thần khuyến học cũng đã lan tỏa đến các nhà trường.

Ngoài ra, tổ chức Hội cũng đã bắt đầu lan tỏa sang Đảng ủy khối cơ quan Trung ương, Đảng ủy khối Doanh nghiệp (trước đây chưa có), đến tất cả cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và doanh nghiệp trực thuộc Trung ương. Hoạt động của Hội Khuyến học không chỉ dừng lại ở các cấp cơ sở mà cả trong lực lượng vũ trang, trong cơ quan nhà nước, các bộ, ngành, trong các doanh nghiệp cũng được triển khai quyết liệt.

Thứ ba, Hội Khuyến học Việt Nam đã chỉ đạo cả hệ thống Hội thực hiện tốt 5 mô hình học tập. Đây là những mô hình mới với phương pháp, cách làm mới, đó là những tiêu chí được số hóa, được điện tử hóa. Ngoài ra, việc quản lý những hoạt động của Hội còn được triển khai thông qua hệ thống điện tử, hệ thống mạng. Thành công của 5 mô hình học tập được thực hiện tốt đã làm cho bộ mặt nông thôn cùng với gia đình văn hóa, gia đình học tập đổi mới, phát triển bền vững.

Điểm thứ tư cũng chính là điểm nhấn của Hội, đó là việc phát triển quỹ khuyến học với nhiều điểm mới. Quỹ khuyến học được gây dựng trên sự năng động, sáng tạo của cán bộ tại địa phương, bắt đầu bằng việc huy động xã hội hóa nguồn quỹ được nhiều nhất để các cháu được đến trường đi học. Nhờ có quỹ này mà hằng năm Hội Khuyến học từ Trung ương đến địa phương trao được học bổng và học bổng học không bao giờ cùng ngày càng đa dạng, phong phú, lan tỏa tinh thần học tập nhanh chóng.

Đặc biệt, Hội Khuyến học Việt Nam đã triển khai Phong trào thi đua khuyến học - tự học thành tài, Nhân tài đất Việt. Có thể thấy, hồ sơ đăng ký các phong trào ngày càng nhiều trước mỗi lần phát động. Ngoài ra, Hội Khuyến học các địa phương cũng có các phong trào thi đua triển khai rất tốt. Các hoạt động của Hội được lan tỏa trong xã hội thông qua những suất học bổng, thông qua hoạt động trao phần thưởng Nhân tài Đất Việt…

Thứ năm là việc ký kết các chương trình phối hợp giữa Hội Khuyến học với các bộ, ngành, những tổ chức chính trị xã hội đã tạo thành sự thống nhất, giúp cho Hội hoàn thành những hoạt động trong thời gian qua.

Phóng viên: Đồng chí có thể chia sẻ thêm về những khó khăn, thách thức mà Hội Khuyến học đang gặp phải trong việc triển khai các hoạt động xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh các phong trào học tập trong thời gian qua?

GS. TS Nguyễn Thị Doan: Thách thức lớn nhất của Hội cũng như của cả đất nước nói chung đó là tư duy, nhận thức của một bộ phận không nhỏ trong xã hội về sự học, về khuyến học, khuyến tài. Đây chính là thách thức khi chúng ta cần đạt mục tiêu về phát triển kinh tế, nhất là phát triển kinh tế tri thức, trí tuệ.

GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trao học bổng động viên các em học sinh. Ảnh: TL 

Theo tôi, không một quốc gia nào mà đi lên không từ giáo dục. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được giao 3 nhiệm vụ để chấn hưng giáo dục và phát triển giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư cho giáo dục chưa được nhiều.

Thứ hai, đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ban, ngành còn hạn chế nên rất khó thực hiện. Cũng phải nói thêm là Kết luận 49 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được ban hành, các cấp ủy Đảng, chính quyền tại địa phương đều có văn bản chỉ đạo nhưng sự thực hiện còn hạn chế.

Có thể thấy, nếu chúng ta không coi giáo dục, không coi khuyến học khuyến tài hay không coi sự học là điều kiện sống còn để phát triển đất nước thì không bao giờ có sự phát triển bền vững.

Phóng viên: Cơn bão số 3 (Yagi) đã đi qua và để lại hậu quả nặng nề tại nhiều địa phương, trong đó nhiều trường học bị phá hủy, giáo viên và học sinh bị gián đoạn việc học. Vậy đồng chí có thể cho biết, với vai trò của mình, Hội Khuyến học đã có kế hoạch và hoạt động cụ thể gì để hỗ trợ những vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ, bảo đảm hỗ trợ các điều kiện cần thiết cho việc học tập không bị gián đoạn?

GS.TS Nguyễn Thị Doan: Cùng với các cơ quan Trung ương, ban, ngành, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã chỉ đạo cả hệ thống tham gia vào đợt phát động của Mặt trận Tổ quốc. Ngay buổi đầu tiên, Hội Khuyến học Việt Nam đã liên hệ với Mặt trận Tổ quốc để chuyển tiền ủng hộ đến đồng bào, nhất là giáo viên, học sinh nơi chịu ảnh hưởng của lũ lụt.

Ngay sau đó Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã phát động trong toàn hệ thống Hội và những nhà hảo tâm để vận động có những suất học bổng cho các cháu học sinh. Đặc biệt, sáng ngày 28/9, các đồng chí của Hội đã phân bổ số tiền quyên góp được để gửi đến 6 tỉnh phía Bắc và tiêu chí là dựa vào cách làm của Mặt trận Tổ quốc, thực hiện phương pháp sao kê toàn bộ cá nhân và tổ chức ủng hộ, gửi kèm với số tiền ủng hộ đến từng tỉnh, giao cho Hội Khuyến học cấp tỉnh trao số tiền đến những cháu học sinh, các thầy cô giáo đang gặp khó khăn trong bão, lũ.

Để việc xây dựng xã hội học tập và thực hiện 5 mô hình học tập không có khoảng trống do bão, lũ gây ra, Hội Khuyến học Việt Nam sẽ tăng cường chỉ đạo và trực tiếp chỉ đạo hệ thống Hội tiếp tục nắm sát các hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ. Sau khi hỗ trợ rồi mà họ vẫn còn khó khăn, Hội sẽ cùng với chính quyền, Sở GD&ĐT địa phương tạo mọi cơ hội, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cháu đi học.

Phóng viên: Ngày 10/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào thi đua “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”. Đây được xem là cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy làm khuyến học, thúc đẩy phong trào xã hội học tập từ Trung ương tới địa phương. Vậy, trong thời gian tới, các cấp Hội sẽ có những giải pháp gì để thực hiện mục tiêu “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, xây dựng đất nước ngày càng cường thịnh, phồn vinh?

GS. TS Nguyễn Thị Doan: Hội Khuyến học Việt Nam có 3 nhiệm vụ. Một là khuyến khích tất cả mọi người dân đi học và cùng đảm bảo cơ hội cho người dân học tập.

Nhiệm vụ thứ hai, đó là hỗ trợ giáo dục trong và ngoài trường, nhất là trong điều kiện hiện nay.

Nhiệm vụ thứ ba là Hội liên kết, phối hợp với tất cả lực lượng trong xã hội để thúc đẩy sự học. Phải nói hiện nay Hội đang thực hiện rất tốt nhiệm vụ này. Nhưng hướng sắp tới Hội sẽ theo sát hơn, làm thế nào để công tác khuyến học, khuyến tài đáp ứng với yêu cầu thực tế.

GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trao học bổng cho các em học sinh. (Ảnh :Báo Long An) 

Vừa rồi, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã có bảng tổng kết về lao động việc làm, nhất là lứa tuổi từ 16 đến 44 tuổi, trong đó có những số liệu cảnh báo không tốt về việc lãng phí nguồn lao động. Báo cáo cũng cho thấy, hiện nay lực lượng lao động của chúng ta từ 15 đến 44 tuổi không qua đào tào chiếm 63%, không có việc làm. Lực lượng từ 15-24 tuổi không có việc làm là 7,99%. Vậy câu hỏi đặt ra tại sao các cháu không được học hành? Có phải các cháu không được học hay hiện nay xu hướng các cháu muốn kiếm tiền là chính?

Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ thực hiện chiến lược khuyến học xanh trong thời gian tới. Khuyến học xanh có nhiều ý nghĩa, thứ nhất là hướng về đối tượng mà chúng ta đang lãng phí về nguồn tại nguyên lao động lớn.

Cái xanh thứ hai là chúng tôi sẽ có những suất học bổng xanh dành riêng cho đối tượng này.

Cái thứ ba, chúng tôi sẽ làm việc với các địa phương để phát triển các trung tâm học tập cộng đồng, những cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở dạy nghề để lực lượng lao động này có nơi để đào tạo, để học nghề.

Chúng tôi cũng đã làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để có một thỏa thuận lao động, cải tạo lực lượng lao động xanh này, cho họ học nghề, dành thời gian cho họ học. Tôi cũng đã có đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nắm chắc được yêu cầu của đối tượng lao động xanh này, khuyến khích, vận động họ đi học. Để làm được điều này thì những cán bộ đào tạo phải nâng cao trình độ của mình. Muốn đi vận động người khác học tập thì bản thân mình cũng phải học tập, phải trở thành công dân học tập.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần động viên toàn hệ thống phải hăng hái hơn, liên kết tốt hơn với Liên đoàn Lao động địa phương, với Sở Giáo dục & Đào tạo địa phương, với chính quyền địa phương để có các hình thức phù hợp cho các đối tượng lao động xanh này.

Phóng viên: Để đẩy mạnh hơn nữa công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp Hội, sự chung tay của các cơ quan, đơn vị, địa phương thì công tác thông tin, tuyên truyền cũng đóng vai trò rất quan trọng. Nhân dịp này, đồng chí có mong muốn gì gửi tới các cơ quan báo chí, truyền thông để chúng ta có thể thực hiện tốt hơn nữa những nhiệm vụ đã đề ra?

GS.TS Nguyễn Thị Doan: Sau khi có chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thì công tác thông tin tuyên truyền, vận động giữ vị trí số một đối với chúng tôi.

Chúng tôi mong rằng sắp tới các cơ quan báo chí sẽ chủ động liên hệ với Hội, đồng thời Hội cũng chủ động liên hệ với các cơ quan báo chí để triển khai hiệu quả hơn về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan báo chí mở thêm các chuyên trang, chuyên mục và có thêm các hình thức tuyên truyền để làm thế nào người dân hiểu hơn nữa về xây dựng xã hội học tập về học tập là con đường sống còn để đưa đất nước phát triển.

Đặc biệt, chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí sẽ đồng hành với chúng tôi trong các phong trào thi đua mà Thủ tướng phát động, thường xuyên nêu những gương người tốt, việc tốt, đi thực tế để thấy được sự học trong nhân dân, phản ánh được sự sôi động trong phong trào thi đua từ quần chúng nhân dân đến cơ sở, gia đình, dòng họ. Như vậy chúng ta sẽ sớm xây dựng được xã hội học tập tốt hơn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn GS. TS Nguyễn Thị Doan!

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực